Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành y tế đặt ra nhiều giải pháp thích ứng với điều kiện mới. Việc nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế các tuyến được ví là thành quả sau nhiều năm các đơn vị căng mình chống dịch, trở thành điều kiện cần thiết đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng tăng tốc xét nghiệm để xác định, loại trừ nguy cơ Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG |
Sau hai năm được ngành y tế phân công là một trong 3 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang có bước thay đổi rõ rệt. Điều khác biệt đầu tiên là bước tiến trong kiểm soát nhiễm khuẩn. Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế từ trước đến nay vẫn chưa được nhìn nhận đúng về vai trò quan trọng và những nguy cơ đi kèm.
Khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước vào tháng 8-2020, các nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang được ê-kíp y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đào tạo cấp tốc chuyên ngành kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Qua các khóa đào tạo cấp tốc nhưng bài bản và đầy đủ, nhân viên y tế hiểu thêm nhiều về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Những kiến thức, kinh nghiệm đó giờ đây được lãnh đạo bệnh viện áp dụng vào thực tiễn, trở thành công việc thường xuyên mỗi ngày.
“Một thực tế diễn ra tại nhiều cơ sở y tế trước nay, đó là chú trọng công tác chuyên môn nhưng lại xem nhẹ kiểm soát nhiễm khuẩn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lây nhiễm chéo vẫn đang là thách thức, làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh tại nhiều bệnh viện. Hiện nay Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang thành lập tổ giám sát nhiễm khuẩn do chính các nhân viên y tế được đào tạo trong thời gian tham gia phòng, chống Covid-19 đảm trách”, bác sĩ Vĩnh cho biết.
Từ năm 2021, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang trở thành đơn vị vệ tinh của Bệnh viện Đà Nẵng khi đưa vào sử dụng đơn nguyên thận nhân tạo (thuộc khoa Gây mê hồi sức), trang bị 14 máy chạy thận, đồng thời tổ chức tập huấn chuyên môn cho các điều dưỡng, bác sĩ tại đây. Thời điểm Covid-19 căng thẳng, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang tiếp nhận điều trị kết hợp chạy thận nhân tạo cho 80 bệnh nhân/ngày.
Thực hiện quy chế hỗ trợ, phối hợp trong phòng, chống Covid-19, ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Quân y 17 tích cực hỗ trợ chuyên môn, trực tiếp cầm tay chỉ việc. “Đến nay, đơn vị đã chủ động được việc chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân. Điều này có thể xem là một thành công lớn của bệnh viện sau hơn hai năm làm nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 theo sự phân công, chỉ đạo của thành phố và ngành y tế”, bác sĩ Vĩnh cho biết thêm.
Sự trưởng thành trong chuyên môn là kết quả đúc kết của nhiều cơ quan, đơn vị y tế trong thời gian căng mình cùng thành phố chống dịch. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) chia sẻ, Covid-19 là “thuốc thử” về năng lực chuyên môn của đơn vị. Thời điểm dịch mới bùng phát, CDC Đà Nẵng mỗi ngày chỉ có thể xét nghiệm 2.000-3.000 mẫu bệnh phẩm.
Đến khi dịch bùng phát mạnh, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, mỗi ngày CDC Đà Nẵng xét nghiệm 100.000 mẫu bệnh phẩm. “Để làm được điều đó, ngoài tăng cường trang thiết bị máy móc, yếu tố con người hết sức quan trọng. Các nhân viên phải chia ca làm việc 24/24 giờ để chạy mẫu bệnh phẩm.
Đặc biệt, sự phối kết hợp giữa CDC với các đơn vị, địa phương có sự thay đổi rõ rệt về việc sắp xếp, tổ chức lấy mẫu, chuyển mẫu bệnh phẩm, nhập liệu để không xảy ra sai sót. Một khối lượng công việc hết sức nặng nề mà các nhân viên phải chạy đua với thời gian. Cũng chính vì áp lực nên mới có những sáng tạo, đổi mới trong cách làm, đáp ứng nhu cầu chống dịch trong thời điểm căng thẳng nhất”, bác sĩ Thạnh cho biết.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch, nhất là khi số ca mắc tiếp tục tăng và công tác chăm sóc, điều trị tiếp tục mở rộng; công tác tiêm chủng cần được đẩy nhanh tiến độ, ngành y tế linh hoạt triển khai nhiều hoạt động để củng cố nhân lực. Khi chống lây nhiễm chéo trở thành mục tiêu trong giai đoạn dịch bệnh tăng nhanh và xuất hiện ở các cơ sở y tế, ngành y tế tổ chức tập huấn toàn ngành về kiểm soát nhiễm khuẩn và nội dung điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19 vừa, nhẹ, không triệu chứng.
Có hơn 7.200 cán bộ được tập huấn; bảo đảm đáp ứng thực hiện nhiệm vụ khi được điều động, tăng cường cho các bệnh viện dã chiến. Đối với công tác thực hành điều trị, chăm sóc điều dưỡng bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch; chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 chạy thận nhân tạo, chẩn đoán và xử trí suy hô hấp ở bệnh nhân Covid-19, ngành y tế tổ chức 8 lớp với hơn 250 nhân viên y tế được đào tạo.
“Trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch lần này, chúng ta thấy được vai trò hết sức quan trọng của lực lượng y tế cơ sở. Việc triển khai mô hình trạm y tế lưu động ứng phó diễn biến Covid-19 trên địa bàn thành phố, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo với nội dung “Chăm sóc, theo dõi, điều trị bệnh nhân F0 tại nhà” cho nhân viên trạm y tế phường, xã và trạm y tế lưu động với hơn 600 người. Đây là lực lượng y tế nòng cốt, không chỉ trong hoạt động phòng, chống dịch trước mắt mà về lâu dài, hệ thống y tế cơ sở sẽ là đơn vị chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày một hiệu quả, thiết thực hơn”, bác sĩ Thủy cho biết.
PHAN CHUNG