Y tế - Sức khỏe
Chủ động, kịp thời điều trị triệu chứng hậu Covid-19
Bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi điều trị khỏi thường xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau như: mệt mỏi, hụt hơi, tức ngực… Bệnh Covid-19 càng nặng, hậu Covid-19 càng kéo dài. Theo khuyến cáo, người dân cần chủ động, kịp thời khám và điều trị các triệu chứng để không ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống.
Bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng (bên trái) khám, tư vấn điều trị các triệu chứng cho bệnh nhân hậu Covid-19. Ảnh: PHAN CHUNG |
Rối loạn giấc ngủ hậu Covid-19
Phần lớn bệnh nhân đến khám, điều trị hội chứng hậu Covid-19 tại Phòng khám, điều trị và tư vấn hậu Covid-19 (Bệnh viện Đà Nẵng) đều bị rối loạn giấc ngủ. Anh N.T.S (38 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đến khám, tư vấn tại đây sau khi điều trị khỏi Covid-19 một tháng. Anh S. chia sẻ, sức khỏe anh hoàn toàn bình thường sau khi mắc Covid-19. “Thời gian đầu có ho nhẹ, hụt hơi nhưng các triệu chứng nhanh chóng biến mất. Duy chỉ có giấc ngủ bị ảnh hưởng. Mình mất ngủ triền miên, mỗi ngày chỉ ngủ được 3-4 tiếng”, anh S. chia sẻ. Do mất ngủ kéo dài, anh S. rơi vào trạng thái căng thẳng, làm việc mất tập trung, ăn không ngon miệng và mệt mỏi.
Theo bác sĩ Nguyễn Hứa Quang, Trưởng khoa Nội Hô hấp - Miễn dịch dị ứng (Bệnh viện Đà Nẵng), rối loạn giấc ngủ là một trong ba triệu chứng hậu Covid-19 thường gặp bên cạnh khó thở và mệt mỏi. Ngoài nguyên nhân mất ngủ do chính Covid-19 gây ra, thì stress, lo lắng, giãn cách xã hội, có người thân mất vì Covid-19... cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và tâm lý bệnh nhân, gây rối loạn giấc ngủ. Các biểu hiện của rối loạn giấc ngủ thường gặp: bệnh nhân khó đi vào giấc ngủ, thường thức dậy trong đêm, thức dậy sớm hơn bình thường và không ngủ lại được...
“Để điều trị tình trạng rối loạn giấc ngủ, bệnh nhân cần thực hiện một số biện pháp như: cố gắng điều chỉnh giờ đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm hằng ngày để ổn định đồng hồ sinh học. Không ngủ trưa quá nhiều, khoảng 20-30 phút/ngày, không nên ngủ bù cho đêm trước mất ngủ. Tránh dùng chất kích thích như trà, cà phê, hút thuốc lá, rượu bia trước khi đi ngủ. Tránh ăn quá no hay tập luyện quá sức trước giờ ngủ. Tránh xem điện thoại, ti-vi trước khi ngủ. Giữ phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối, nhiệt độ thích hợp, không nên để đèn ngủ với ánh sáng màu xanh. Giường ngủ thoải mái, sạch sẽ... Nếu thực hiện các biện pháp trên mà không cải thiện được tình trạng giấc ngủ, bệnh nhân nên đi khám tại bệnh viện”, bác sĩ Quang chia sẻ.
Được biết, hội chứng hậu Covid-19 gây hậu quả, ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất, thường xảy ra ở tuần thứ 4 sau khi bị nhiễm Covid-19 cấp và có thể kéo dài hằng tháng. Thực tế qua công tác khám, tiếp nhận điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng hiện nay, hai cơ quan bị tổn thương và có triệu chứng hậu Covid-19 nhiều nhất là hô hấp và thần kinh. Đối với hô hấp, bệnh nhân có biểu hiện khó thở, cảm thấy hụt hơi, ho kéo dài, đau ngực. Một số trường hợp nặng, bác sĩ cho chụp phim, CT phổi, đo chức năng hô hấp. Có một số bệnh nhân tổn thương khá nhiều trên phổi và suy giảm chức năng hô hấp. Còn về mặt thần kinh, bệnh nhân có cảm giác mất ngủ, lo lắng, thậm chí trầm cảm, giảm tập trung, mất trí nhớ…
Ngoài ra, còn có một số triệu chứng ít gặp hơn, đó là bệnh nhân cảm thấy hồi hộp, mệt, rụng tóc, mất vị giác, rụng tóc, nổi ban trên cơ thể… Theo bác sĩ Quang, những đối tượng dễ bị hội chứng hậu Covid-19 là những bệnh nhân bị mức độ nặng, bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền như: đái tháo đường, tắc nghẽn phổi, huyết áp, hen, béo phì... Hội chứng hậu Covid-19 không phải ai cũng bị suốt đời mà giảm dần theo thời gian. Để làm được điều đó, bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ, tăng cường vitamin, khoáng chất. Trong chế độ ăn, nên giảm bớt thịt, muối, không ăn quá mặn, quá ngọt, tăng cá, tôm, cua, trái cây, đặc biệt uống nhiều nước mỗi ngày. Bên cạnh đó nên tập thở, các bài tập thể lực để tăng sức khỏe.
Tập thở, vận động phù hợp
Mỗi ngày, đơn vị Chăm sóc bệnh nhân hậu Covid-19 (khoa Phục hồi chức năng - Đông y), Bệnh viện Phục hồi chức năng thành phố tiếp nhận khám, điều trị hàng chục bệnh nhân hậu Covid-19. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc bệnh viện, việc điều trị triệu chứng hậu Covid-19 cho bệnh nhân được kết hợp nhiều phương pháp giữa vật lý trị liệu, phục hồi chức năng như: tập thở, tập vận động, xoa bóp trị liệu, trị liệu tâm lý, kết hợp với các phương pháp y học cổ truyền như: dưỡng sinh, luyện thở 4 thì, khí công, châm cứu… Với các trường hợp chưa phát triệu chứng, chưa thể đến cơ sở y tế, người bệnh cần chăm sóc sức khỏe tinh thần như ngủ đủ giấc, nghe nhạc, thư giãn, tinh thần lạc quan, chế độ dinh dưỡng hợp lý.
“Bệnh nhân sau khi điều trị khỏi Covid-19 cần quay lại cơ sở y tế tái khám trong khoảng thời gian 2-4 tuần để kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang, siêu âm. Từ đó có đánh giá tổng quát và tầm soát theo tiêu chí phát hiện và điều trị sớm các di chứng hậu Covid-19. Cần tập thở hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày, hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế… Tập thể dục hằng ngày, các bài tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, tập dưỡng sinh, duy trì vừa sức 5.000-10.000 bước/ngày là khá phù hợp cho người trưởng thành… Với các trường hợp có triệu chứng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám, phát hiện sớm, làm các xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm để được đánh giá tổng quát”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Tại đơn vị Chăm sóc bệnh nhân hậu Covid-19, đối với người bệnh thể nhẹ, nhân viên y tế sử dụng video hướng dẫn qua ipad, điện thoại di động hoặc phát tờ rơi, trình bày ngắn gọn cho người bệnh. Đối với người bệnh nặng, nguy kịch, các kỹ thuật viên phục hồi chức năng, điều dưỡng, cán bộ y tế thực hiện các kỹ thuật điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân sau khi có kết luận hội chẩn của bác sĩ chuyên khoa.
“Mục tiêu ngắn hạn trong thời gian nằm viện trên dưới hai tuần của các nhân viên y tế là cải thiện chức năng hô hấp như: tăng thông khí, giảm mức độ khó thở, tăng khả năng tống thải đờm dịch, khả năng vận động cơ thể và các cơ tham gia hô hấp và ngăn chặn sự suy giảm thể chất, tinh thần. Còn mục tiêu dài hạn là phục hồi sức khỏe và các chức năng sinh hoạt hàng ngày, trở lại công việc thường ngày và hòa nhập cộng đồng”, bác sĩ Dũng cho biết thêm.
PHAN CHUNG