Số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) gia tăng trong thời gian gần đây. Mặc dù chưa có dấu hiệu bùng phát mạnh nhưng ngành y tế khuyến cáo các địa phương, cơ sở giáo dục, gia đình cần chủ động chăm sóc, bảo vệ con, em mình.
Số ca mắc bệnh tay chân miệng trên địa bàn thành phố có dấu hiệu tăng trong 2 tuần trở lại đây. TRONG ẢNH: Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khám, điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng mỗi ngày tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị TCM nhập viện điều trị nội trú. Số liệu thống kê tại khoa cho thấy, bệnh nhân mắc TCM có dấu hiệu tăng trong vòng hai tuần trở lại đây. Sáng 6-5, bé Lê Thị S. (4 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) được gia đình đưa vào bệnh viện khi sốt liên tục trên 39 độ, dù dùng thuốc hạ sốt nhưng không đáp ứng được, miệng nổi những hạt nhỏ li ti, liên tục nhỏ nước dãi.
Tương tự, bệnh nhi Nguyễn Duy Q. (3 tuổi, trú huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được chuyển đến nhập Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng trong tình trạng sốt cao, mụn nước mọc quanh miệng, người li bì. Theo chẩn đoán, bệnh nhân bị TCM cấp độ 2B, nếu chậm xử lý có thể dẫn đến phù phổi cấp, viêm màng não, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết hiện đang thu dung, điều trị nội trú 120 bệnh nhi bị TCM. Bệnh TCM ở trẻ xuất hiện và có nguy cơ bùng phát vào hai thời điểm trong năm, từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11. Lứa tuổi mắc TCM phổ biến là trẻ 1-5 tuổi, trong đó trẻ 1-3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
“Bệnh diễn tiến rất nhanh theo giờ nên nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Hiện nay, số ca mắc TCM có tăng nhưng chưa bùng phát như nhiều địa phương khác và vẫn trong tầm kiểm soát. TCM là bệnh lý do virus gây ra, lây qua đường ăn uống với các biểu hiện như sốt (nhẹ hoặc cao), biếng ăn, chảy nước dãi nhiều, phát ban tay chân, đầu gối, mông… Đối với trường hợp trẻ sốt nhẹ không có triệu chứng nên theo dõi, chăm sóc tại nhà. Những trường hợp nặng từ độ 2A trở lên điều trị tại bệnh viện. Trong trường hợp theo dõi, điều trị tại nhà, nếu thấy trẻ có các triệu chứng như sốt cao liên tục trên 39 độ C, giật mình nhiều, quấy khóc, li bì, đi đứng không vững, loạng choạng, cần chuyển gấp đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời”, bác sĩ Thịnh cho biết.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, chỉ trong một tuần (tính đến ngày 1-5), trên địa bàn thành phố ghi nhận 105 ca mắc TCM, tăng 78 ca so với tuần trước. Các địa phương có số ca mắc TCM tăng gồm: Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 215 ca mắc TCM và 97,7% số bệnh nhân được ghi nhận từ 1-5 tuổi.
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, để kiểm soát tốt TCM, trung tâm thành lập các đội cơ động phòng, chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là hóa chất để chủ động cấp cho các đơn vị, bệnh viện có thu dung điều trị. Theo đó, bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không bảo đảm, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên.
“Một trong những vấn đề cần lưu ý trong phòng, tránh TCM là vệ sinh nhà cửa, vệ sinh tay, chân thường xuyên cho trẻ. Những khu vực dễ phát triển thành ổ dịch là nhóm trẻ, trường học cần được lưu ý, giữ vệ sinh nhà trẻ thông thoáng, sạch sẽ, bảo đảm các khâu vệ sinh. Thường xuyên lau chùi những vị trí, đồ chơi trẻ thường xuyên chạm đến, thực hiện ăn sạch, uống sạch. Nếu các điểm này xuất hiện cùng lúc nhiều trẻ bị TCM, nên báo gấp cho cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn, can thiệp các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp”, bác sĩ Hóa cho biết.
Trước diễn biến dịch bệnh có dấu hiệu gia tăng, Sở Y tế có công văn gửi các ngành, địa phương, đơn vị tăng cường phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh TCM. Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế, chỉ trong vòng một tuần (từ 25-4 đến 1-5) số ca mắc TCM chiếm hơn 48% số ca mắc tính từ đầu năm 2022 đến nay.
“Để chủ động kiểm soát, phòng, chống TCM không để lây lan, bùng phát thành dịch, ngành y tế đề nghị các đơn vị, sở, ngành tăng cường giám sát, xử lý các ổ dịch, ca bệnh đơn lẻ tại địa phương; đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân chủ động nắm bắt thông tin, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết. Đặc biệt, đối với các trường học, nhóm trẻ, các biện pháp phòng, chống TCM phải được triển khai mạnh mẽ. Các cơ sở giáo dục phải được bố trí đầy đủ các phương tiện rửa tay, xà phòng; thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt bàn ghế học tập và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Phát hiện sớm các trường hợp TCM tại trường học và báo cho cơ quan y tế để có biện pháp kịp thời”, bác sĩ Hồng nhấn mạnh.
PHAN CHUNG