Y tế - Sức khỏe

Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

08:49, 13/05/2022 (GMT+7)

Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang xuất hiện tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố. Mặc dù chưa vào mùa dịch SXH bùng phát như các năm nhưng theo khuyến cáo của cơ quan y tế, cần chủ động và đẩy mạnh hoạt động phòng, chống dịch để giảm thiểu tối đa số ca mắc SXH mỗi ngày.

Dịch bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng trên địa bàn thành phố. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khám, điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: P.C
Dịch bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu tăng trên địa bàn thành phố. TRONG ẢNH: Bác sĩ Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khám, điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: P.C

Trong những ngày gần đây, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị SXH. Theo bác sĩ Nguyễn Thiên Nhật Hồng, trực tiếp điều trị bệnh nhi SXH Khoa Y học nhiệt đới, những năm trước đây, mùa cao điểm về SXH thường bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 11 hoặc đầu năm. Hiện số ca mắc SXH chưa đến mức bùng phát nhưng có tăng cao so với mọi năm.

“Nhiều bệnh nhi khi chuyển đến đã rơi vào tình trạng sốc SXH nặng, bước vào giai đoạn ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 bị mắc SXH, cô đặc máu, sốc, thậm chí xuất huyết tiêu hóa, may được cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Hồng cho biết.

Hiện nay, bệnh SXH không có thuốc điều trị đặc hiệu nên người nhà có thể theo dõi, điều trị tại nhà bằng việc cho bệnh nhân uống bổ sung nhiều nước, uống thuốc hạ sốt và theo dõi kỹ tình hình sức khỏe. Theo bác sĩ Hồng, cần đặc biệt lưu ý các triệu chứng của bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em để cho nhập viện ngay nếu không sẽ nguy kịch. Theo đó, nếu trẻ xuất hiện một số triệu chứng như lừ đừ, mệt mỏi, ói nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết chân răng, mũi… cần nhập viện ngay và tuân theo sự chỉ định của bác sĩ. Nếu để tình trạng sốc kéo dài, bệnh nhi có thể tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 1.223 ca mắc SXH, cao gấp 9,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ trong vòng một tuần (tính từ ngày 2 đến 8-5), toàn thành phố ghi nhận 69 ca mắc SXH. Một số địa phương ghi nhận nhiều ca mắc SXH là quận Thanh Khê (22 ca), quận Liên Chiểu (19 ca), quận Cẩm Lệ (10 ca)… Có 4 ổ dịch mới được phát hiện ở các quận: Hải Châu, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ.

Bác sĩ Tôn Tất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, hiện nay số ca bệnh SXH trên địa bàn thành phố có dấu hiệu gia tăng so với cùng kỳ năm 2021, thời tiết tại thành phố bắt đầu vào mùa mưa giông, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển, từ đó làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.

“Đây là bệnh phát triển theo mùa hằng năm. Để chủ động phòng, chống, giảm tối đa số ca mắc SXH, ngành y tế và các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là người dân thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng. Đặc biệt, UBND các phường, xã, ban, ngành, đoàn thể liên quan thường xuyên triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy tại các khu vực dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học… có nguy cơ cao bùng phát dịch. Cần rà soát, tư vấn, hướng dẫn xử lý triệt để các ổ chứa nước, nơi sinh sản của muỗi trên địa bàn, nhất là trước, trong và sau các đợt mưa, mùa mưa”, bác sĩ Thạnh khuyến cáo. 

Để đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống SXH, UBND thành phố vừa có công văn đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp ngành y tế triển khai hiệu quả chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy trên địa bàn, bảo đảm tất cả các hộ gia đình nguy cơ cao phải được kiểm tra; giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức diệt lăng quăng, bọ gậy.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch SXH tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH với công tác phòng, chống Covid-19.

“Các địa phương cần có biện pháp rà soát, xử lý triệt để các ổ chứa nước, nơi sinh sản của muỗi tại các công trình xây dựng, nơi tập kết lốp xe, đồ phế thải… trên địa bàn. Đặc biệt, cần có biện pháp xử lý đối với các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, công trình, khu vực trên địa bàn liên tục phát hiện dụng cụ chứa lăng quăng, bọ gậy. UBND các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã cung cấp bản đồ chi tiết đến thôn, tổ dân phố, tuyến đường cho các trạm y tế để xác định kịp thời, chính xác, xử lý hiệu quả khu vực nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh SXH trên địa bàn quản lý”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến yêu cầu.

PHAN CHUNG

.