Mặc dù các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết được triển khai quyết liệt theo chỉ đạo của UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch nhưng số ca mắc mới vẫn được ghi nhận mỗi ngày. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động, tự giác trong việc tuân thủ các hướng dẫn, quy định, đặc biệt là vệ sinh sạch sẽ khu vực xung quanh nhà ở để hạn chế tối đa tình trạng muỗi sinh sôi, trở thành tác nhân gây bệnh.
Số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng trên địa bàn thành phố, có nguy cơ bùng phát nếu các địa phương, người dân không chủ động phòng, chống. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: XUÂN SƠN – Đồ họa: THANH HUYỀN |
Bệnh nhân nhập viện tăng
Những ngày qua, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó hầu hết là người lớn. Theo bác sĩ Trương Thị Hoa, Phó khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng, số ca mắc SXH hiện nay đang có xu hướng gia tăng từng ngày. “Những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận điều trị 50 ca SXH tại khoa. Đội ngũ cán bộ y tế, bác sĩ, điều dưỡng… được tăng cường tham gia công tác, bảo đảm điều trị cho các bệnh nhân. Việc cập nhật chẩn đoán, chăm sóc và điều trị sốt xuất huyết Dengue thực hiện nghiêm theo phác đồ của Bộ Y tế”, bác sĩ Hoa cho hay.
Tại khoa Nội, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đang thu dung, điều trị hơn 20 bệnh nhân SXH, cao gấp 2 lần so với trước đây. Liên Chiểu là địa phương ghi nhận số ca mắc SXH cao nhất trong số các quận, huyện trên địa bàn. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khanh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, tính từ đầu năm đến nay, quận Liên Chiểu ghi nhận 754 ca mắc SXH, là địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều nhất. Chỉ trong 1 tuần (từ ngày 6 đến 12-6), địa phương này ghi nhận 63 ca mắc mới, tập trung ở các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Minh.
Để chủ động phòng, chống SXH, UBND quận Liên Chiểu đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, vệ sinh trường học, lớp học, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, việc phòng, chống SXH hiện nay còn nhiều khó khăn. “Liên Chiểu là địa phương dân cư đông, tập trung nhiều phòng trọ chật chội, thiếu ánh sáng, trong đó phần lớn là sinh viên và công nhân còn chủ quan trong vấn đề bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là SXH.
Ngoài ra, địa phương còn nhiều khu đất trống tập trung dụng cụ phế thải, nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu, hộ kinh doanh lốp ô-tô cũ đã qua sử dụng, đó là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn đẻ trứng khi có mưa. Đặc biệt, qua công tác giám sát nhận thấy, người dân ít quan tâm đến việc thu gom dụng cụ phế thải xung quanh nhà, khu vực dân cư. Đây là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng nguy cơ bùng phát SXH”, bác sĩ Khanh cho biết.
Phun khử khuẩn và dọn vệ sinh diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Sơn Trà. Ảnh: PHAN CHUNG |
Các địa phương và người dân cần chủ động phòng bệnh
SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do vector truyền bệnh chính là muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Theo bác sĩ Trương Thị Hoa, để phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh, phải loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; giữ môi trường xung quanh nơi ở thông thoáng, diệt bọ gậy, lăng quăng; vứt bỏ chai, lọ không cần thiết; nơi chứa nước cần có nắp đậy để hạn chế muỗi sinh sản; thường xuyên thay nước bình hoa; thả cá diệt bọ gậy và lăng quăng ở các bể nước. Người dân nên thường xuyên ngủ màn và mặc quần áo dài tay, sử dụng kem chống muỗi…
“Trong mùa dịch SXH, nếu người dân có dấu hiệu sốt cao đột ngột, đau đầu, nôn ói nhiều thì cần nghĩ ngay đến khả năng mắc SXH và phải đến cơ sở y tế xét nghiệm, theo dõi. Bệnh nhân cần chú ý ăn uống đủ dinh dưỡng, bổ sung đạm, vitamin, trái cây và đặc biệt bổ sung nhiều nước; ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu…”, bác sĩ Hoa khuyến cáo.
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.071 ca mắc SXH (so với cùng kỳ năm 2021 chỉ 132 ca), tập trung nhiều nhất tại một số địa phương như: Liên Chiểu (754 ca), Cẩm Lệ (349 ca), Thanh Khê (336 ca), Hòa Vang (272 ca)…
Trong 1 tuần qua (từ ngày 6 đến 12-6), toàn thành phố ghi nhận 244 ca mắc mới, tập trung nhiều ở các địa phương như: Cẩm Lệ, Hải Châu, Hòa Vang, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê. “Trong tuần qua, thêm 31 ổ dịch nhỏ mới được ghi nhận rải rác tại các địa phương. Điều này cho thấy dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tuần sau cao hơn tuần trước. Nếu các giải pháp không được triển khai quyết liệt, dịch SXH có nguy cơ bùng phát”, bác sĩ Hóa cho biết.
Theo CDC thành phố, những biện pháp mang lại hiệu quả để kiểm soát SXH chính là đẩy mạnh giám sát, xử lý ca đơn lẻ, ổ dịch tại các địa phương; tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là SXH. “Vai trò của các địa phương hết sức quan trọng, đề nghị UBND các phường, xã tích cực vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, không để muỗi có môi trường sinh sản; cử cán bộ giám sát trong quá trình diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động khi xử lý ổ dịch nhỏ và phun diện rộng tại khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy hằng tuần và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết khác. Đối với người dân, cần tự giác, chủ động và tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực mình sinh sống, không để tồn tại những vật dụng chứa nước gây phát sinh lăng quăng”, bác sĩ Hóa nhấn mạnh.
PHAN CHUNG - XUÂN SƠN