Y tế - Sức khỏe

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi

07:47, 11/06/2022 (GMT+7)

Ngày 10-6, Sở Y tế cho biết vừa ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 Pfizer cho các đối tượng là trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi hiện đang cư trú trên địa bàn thành phố (bao gồm cả trẻ đang đi học, không đi học, người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài). Cụ thể, đợt 1 bắt đầu từ ngày 11 đến ngày 14-6, ngành y tế phối hợp các địa phương sẽ tổ chức tiêm chủng cho nhóm đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng trong tháng 6 theo đề xuất của UBND các quận, huyện.

Đối với các đơn vị có số lượng đăng ký ít như Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang, Cẩm Lệ hoàn thành chậm nhất vào ngày 13-6. Đợt 2 bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 3-7, ngành y tế phối hợp các địa phương sẽ tổ chức tiêm chủng cho nhóm đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng trong tháng 7 theo đề xuất của UBND các quận, huyện. Các đơn vị thiết lập 5 điểm tiêm chủng, gồm Cung thể thao Tiên Sơn, Trung tâm Văn hóa - Thông tin các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Khu ký túc xá phía tây và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Sở Y tế đề nghị các địa phương chủ động xây dựng phương án triển khai tiêm chủng hiệu quả; theo dõi đối tượng được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng. Mỗi đơn vị phụ trách tiêm chủng phải thành lập đội cấp cứu lưu động và phương tiện kèm theo, sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu tại các điểm tiêm chủng; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ trong trường hợp cần thiết.

Tại các điểm tiêm chủng bố trí nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, thuốc theo quy định và phù hợp với lứa tuổi của đối tượng được tiêm chủng để theo dõi, xử trí cấp cứu các sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Hướng dẫn đối tượng tiêm chủng, phụ huynh, người giám hộ theo dõi trẻ chặt chẽ tại nhà trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu tiên sau tiêm chủng về các dấu hiệu toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

Mỗi đơn vị phụ trách tiêm chủng phải thành lập đội cấp cứu lưu động và phương tiện kèm theo, sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu tại các điểm tiêm chủng; cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân liên hệ trong trường hợp cần thiết. Tại các điểm tiêm chủng bố trí nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, thuốc theo quy định và phù hợp với lứa tuổi của đối tượng được tiêm chủng để theo dõi, xử trí cấp cứu các sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

PHAN CHUNG

.