Dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp khi số ca mắc mới liên tục tăng cao, trong đó có nhiều trẻ em. UBND thành phố phát động phong trào phòng, chống dịch SXH trong toàn dân, mỗi gia đình đồng hành, tham gia cùng chính quyền, địa phương. Ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi tình hình sức khỏe con, em và đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, điều trị kịp thời.
UBND thành phố phát động phong trào phòng, chống sốt xuất huyết trong toàn dân. TRONG ẢNH: Bác sĩ khám, tư vấn cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Nhiều trẻ em mắc sốt xuất huyết
Theo Sở Y tế, tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 3.600 trường hợp mắc SXH, cao gấp 146 lần so với cùng kỳ năm 2021. Một số địa phương liên tục ghi nhận nhiều ca mắc như: Liên Chiểu (1.096 ca), Thanh Khê (547 ca), Cẩm Lệ (591 ca), Hòa Vang (603 ca), Hải Châu (273 ca)… Trong số hơn 3.600 ca mắc SXH từ đầu năm đến nay, ngành y tế và các địa phương ghi nhận hơn 1.400 trường hợp mắc SXH là trẻ em dưới 15 tuổi.
Tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, mỗi ngày tiếp nhận, điều trị hơn 80 bệnh nhân SXH là trẻ em. Theo bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, SXH Dengue (thường gọi là SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây nên. Bệnh lây theo đường máu với biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sốt và xuất huyết với nhiều dạng khác nhau. Trong trường hợp bị nặng, bệnh nhân sẽ bị sốc do giảm khối lượng máu lưu hành, nếu điều trị không kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Hiện SXH chưa có thuốc đặc trị, nên phòng bệnh là giải pháp tốt nhất.
SXH ở trẻ em có biểu hiện đa dạng và phức tạp, khởi phát đột ngột, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng. “Trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục, thấy bứt rứt, quấy khóc. Những trẻ lớn thì nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da sung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 3 ngày, sau đó trẻ rơi vào giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh. Giai đoạn này trẻ có nhiều biểu hiện tùy mức độ nặng nhẹ như tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, vật vã, bứt rứt hoặc li bì, xuất huyết dưới da, xuất huyết ở niêm mạc như chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu…”, bác sĩ Thịnh cho biết.
Bác sĩ khám, tư vấn cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Hiện nay nhiều gia đình vẫn tự ý điều trị cho trẻ do nhầm lẫn SXH với cảm cúm, sốt thông thường. Điều này có thể sẽ gây xuất huyết sớm và bệnh nhân trở nặng hơn. “Nên cho trẻ nhập viện ngay nếu trong quá trình theo dõi trẻ có một trong các dấu hiệu như sốt quá cao, xuất huyết lan rộng, chảy máu cam, chảy máu chân răng, trẻ đang tỉnh táo bỗng trở nên lừ đừ, có khi vật vã. Về phòng bệnh, cách tốt nhất vẫn là vai trò, sự chung tay của cả cộng đồng như đậy kín các lu, hũ, bể chứa nước, không tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu. Ngoài ra, cần mắc mùng cho trẻ khi ngủ, không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm…”, bác sĩ Thịnh khuyến cáo.
Sự chung tay của cộng đồng
Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, kế hoạch phòng, chống SXH được triển khai mạnh mẽ, sâu rộng đến từng địa phương, trong đó đề cao vai trò của chính quyền địa phương các cấp. Theo đó, UBND các xã, phường tích cực vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, không để muỗi có môi trường sinh sản. Cán bộ của UBND phường, xã trực tiếp tham gia giám sát trong quá trình diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi chủ động khi xử lý ổ dịch nhỏ và phun diện rộng tại khu vực có nguy cơ cao.
“Đối với hoạt động chuyên môn, ngành y tế cũng yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện và Trạm Y tế các xã, phường phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể tích cực triển khai các hoạt động giám sát chủ động véc-tơ. Tập trung giám sát các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch SXH cao và thực hiện quy trình giám sát, xử lý ca đơn lẻ và ổ dịch nhỏ đúng theo quy định. Đặc biệt, khi mắc SXH, người dân cần chủ động đưa con, em và người thân đến các cơ sở y tế để được khám, hướng dẫn và điều trị kịp thời”, bác sĩ Trình cho biết.
Trước tình hình dịch SXH diến biến phức tạp, UBND thành phố phát động chiến dịch toàn dân tham gia phòng, chống SXH nhằm hướng đến mục tiêu 100% hộ dân, nhà trọ, phòng trọ, khu đất trống, công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, cơ sở kinh doanh dịch vụ... trên địa bàn được kiểm tra và diệt lăng quãng, bọ gậy; duy trì 100% hộ gia đình trên địa bàn khu vực có nguy cơ cao được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tuần/1 lần.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, để triển khai chiến dịch phòng, chống SXH có hiệu quả, các đơn vị liên quan phải củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp, phân công cán bộ, nhân sự chỉ đạo, quản lý, điều hành, giám sát. Huy động nhân lực gồm UBND các phường, xã căn cứ theo số hộ dân và phạm vi địa bàn để bố trí, tổ chức các nhóm gồm nhân viên y tế, cộng tác viên, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên… để tham gia.
“Cách phòng, chống SXH hiệu quả nhất vẫn là diệt lăng quăng bằng cách hạn chế tối đa môi trường sinh sôi của muỗi. Để làm được điều đó, cần sự chung tay của cả động đồng, các địa phương, khu dân cư, tổ dân phố và bản thân mỗi hộ gia đình. Chủ động tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường công cộng tại tổ dân phố, những hộ gia đình neo đơn, già yếu… Phát quang bụi rậm quanh nhà, khơi thông cống rãnh thoát nước, lấp các nơi ao tù, nước đọng, dẹp bỏ hoặc lật úp các vật dụng, phế liệu có tiềm năng ứ đọng nước sau mưa...”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến kêu gọi.
PHAN CHUNG