Y tế - Sức khỏe
Quyết liệt phòng, chống sốt xuất huyết
Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thành phố tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Ngành y tế và các địa phương đồng loạt triển khai nhiều giải pháp, trong đó đề cao vai trò của chính quyền cơ sở và mỗi người dân để chủ động các biện pháp phòng ngừa.
Lực lượng y tế phun hóa chất phòng, chống sốt xuất huyết tại huyện Hòa Vang. Ảnh: NGỌC QUỐC |
Tại huyện Hòa Vang, xã Hòa Sơn là một trong những địa phương có số ca mắc SXH tăng trong thời gian qua. Ông Ngô Minh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã có 110 ca mắc SXH với 13 ổ dịch, trong đó các thôn An Ngãi Đông, An Ngãi Tây 1, An Ngãi Tây 2, Phú Thượng là những địa bàn có số ca mắc SXH cao nhất.
“Hiện nay, địa phương đã xử lý các ổ dịch phát sinh theo đúng quy trình. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục phối hợp Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang ra quân tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác về SXH, nhắc nhở người dân các khu dân cư trên địa bàn thường xuyên ra quân diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy tại những khu vực nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch”, ông Ngô Minh Nhàn chia sẻ. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Hòa Vang ghi nhận 528 ca mắc SXH, cao gấp 22 lần so với cùng kỳ.
Tương tự, Liên Chiểu là một trong những quận có số ca mắc SXH cao nhất trong năm 2022, với 1.019 ca, cao gấp 40 lần so với 2021. Theo Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu Nguyễn Văn Khanh, các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Minh là 3 địa phương có số ca mắc cao nhất. Trong 2 tuần gần đây, số ca SXH có chiều hướng tăng tại phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, quận Liên Chiểu ghi nhận 121 ổ dịch. Đối với các ổ dịch nêu trên, đơn vị y tế các địa phương đã tiến hành ra quân phun hóa chất diệt muỗi theo đúng quy định; các ca bệnh đều được hướng dẫn và điều tra xử lý chặt chẽ.
“Chúng tôi tiếp tục phối hợp trạm y tế các phường tăng cường công tác giám sát, xử lý kịp thời ổ dịch và ca bệnh đơn lẻ, vận động cộng tác viên dân số y tế tham gia công tác diệt lăng quăng, bọ gậy tại khu vực có ổ dịch; tiến hành phun hóa chất diệt muỗi theo đúng quy định của Bộ Y tế và Sở Y tế. Đặc biệt, trung tâm tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh”, ông Nguyễn Văn Khanh chia sẻ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trong tuần từ ngày 4 đến 10-7, toàn thành phố ghi nhận 262 ca mắc SXH, cộng dồn năm 2022 ghi nhận 3.305 ca, tăng 23,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong tuần ghi nhận 46 ổ dịch nhỏ ghi nhận tại Liên Chiểu (12), Hòa Vang (11), Cẩm Lệ (9), Ngũ Hành Sơn (8), Sơn Trà (3), Thanh Khê (3). Công tác kiểm tra, giám sát cũng cho thấy, các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê và huyện Hòa Vang có số ca mắc SXH/100.000 dân năm 2022 cao hơn trung bình 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay, quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang có tỷ lệ mắc/100.000 dân cao nhất.
Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, vai trò của các địa phương rất quan trọng trong công tác phòng, chống SXH. Các địa phương chỉ đạo các phường, xã phối hợp tích cực với ngành y tế, phân tích các ổ dịch, ca bệnh bằng bản đồ chi tiết đến các tổ dân phố, thôn, tuyến đường; chỉ đạo các tổ dân phố, thôn kết nối nhân viên y tế địa phương vào các nhóm zalo của tổ dân phố, thôn; từ đó tiếp nhận thông tin ca mắc, ổ dịch SXH trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, phần lớn người dân còn thờ ơ, chưa tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy tại gia đình và khu vực sinh sống một cách thường xuyên; đặc biệt là các dụng cụ như lốp xe, dụng cụ tưới cây, các chậu kiểng, bể cá không sử dụng, quạt nước ít được quan tâm để ý; các địa điểm như công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, nhà từ đường,… có nhiều lăng quăng, bọ gậy nhưng khó xử lý. Bên cạnh đó, cán bộ trạm y tế phường, xã hiện có theo định biên chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu công việc được giao do phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch.
“Các địa phương còn vướng mắc trong thực hiện áp dụng biện pháp hành chính, xử phạt đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình… có lăng quăng, bọ gậy và không phối hợp phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống bệnh SXH theo quy định. Chính vì thế, đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy phòng, chống SXH, đặc biệt lưu ý các điểm, bãi tập kết lốp xe, đồ phế thải, công trình xây dựng, nhà trọ/phòng trọ; bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý”, bác sĩ Trình cho biết.
PHAN CHUNG - NGỌC QUỐC