Y tế - Sức khỏe

Chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

08:54, 31/08/2022 (GMT+7)

Ngành y tế thành phố đang triển khai các biện pháp cần thiết để phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện nay, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp nào nhưng công tác giám sát, kiểm tra và phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ đều triển khai theo đúng quy định, đặc biệt là khu vực cửa khẩu, cảng biển.

Lực lượng chức năng tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng thực hiện giám sát người dân, du khách nhập cảnh để kịp thời phát hiện bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: PHAN CHUNG
Lực lượng chức năng tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng thực hiện giám sát người dân, du khách nhập cảnh để kịp thời phát hiện bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: PHAN CHUNG

Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố đang thực hiện giám sát ca bệnh tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Đà Nẵng thông qua đo thân nhiệt hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo. Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, đơn vị bố trí lực lượng, gồm các kiểm dịch viên, được trang bị bảo hộ phòng, chống dịch theo quy định, trực 24/24 giờ tại khu vực sân bay để kiểm tra, giám sát và phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ.

Trong trường hợp phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, người dân, du khách sẽ được nhân viên y tế chuyển đến nơi cách ly tạm thời để khai thác yếu tố dịch tễ và khám sơ bộ. Căn cứ kết quả khai thác dịch tễ sẽ chuyển người đó về cơ sở y tế để chẩn đoán, điều trị hoặc đề nghị tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

“Ngoài giám sát theo triệu chứng lâm sàng, chúng tôi cũng khuyến cáo người nhập cảnh nên khai báo thông tin đầy đủ, chính xác, nêu cụ thể những triệu chứng nếu có. Đặc biệt, khi có triệu chứng phát ban, nhức đầu, sốt, ớn lạnh, đau họng, khó chịu, mệt mỏi và nổi hạch cần báo ngay cho nhân viên y tế. Ngoài ra, CDC Đà Nẵng cũng phối hợp tổ chức, tăng cường giám sát tại cơ sở khám, chữa bệnh để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, trong đó chú ý giám sát tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu”, bác sĩ Nguyễn Hóa cho biết.

Liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ, trước đó Bộ Y tế cho biết, người được xác định nhiễm đậu mùa khỉ là bất cứ người nào có kết quả xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ bằng kỹ thuật Real-time PCR hoặc giải trình tự gene. Đồng thời khu vực nào ghi nhận 1 trường hợp bệnh xác định trở lên được coi là ổ dịch. Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát người nhập cảnh tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt, giám sát của kiểm dịch viên y tế hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo.

Bên cạnh đó, người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực có dịch lưu hành thì cần tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Thời gian ủ bệnh thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày. Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế, công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ đang được triển khai theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu hiện nay là tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người khác, bao gồm cả quan hệ tình dục… Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu hiện nay vẫn là giám sát nhập cảnh tại cửa khẩu thông qua đo thân nhiệt, giám sát của kiểm dịch viên y tế hoặc nhận thông tin từ người nhập cảnh chủ động khai báo.

Hiện nay, Sở Y tế đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc, các cơ sở y tế khám, chữa bệnh trên địa bàn tổ chức rà soát, chuẩn bị, bảo đảm đầy đủ nhân lực, thuốc, vật tư y tế sẵn sàng đáp ứng, xử lý kịp thời khi có ổ dịch. Giao CDC Đà Nẵng là đơn vị trực tiếp triển khai có hiệu quả các biện pháp kiểm dịch, giám sát tại cửa khẩu, cộng đồng. Đối với người dân, cần nắm rõ các triệu chứng nghi ngờ về bệnh đậu mùa khỉ, nếu xuất hiện thì cần đến các cơ sở y tế sớm nhất để được hướng dẫn, khám, cách ly, điều trị kịp thời, bảo đảm an toàn cho bản thân, cộng đồng.

PHAN CHUNG

.