Y tế - Sức khỏe

Đoàn kết, đồng lòng phòng, chống Covid-19

07:18, 08/09/2022 (GMT+7)

Trong hai năm 2020 - 2021, tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, khó lường. Đặc biệt từ cuối tháng 7-2021, từ chuỗi lây nhiễm xuất phát tại cảng cá, chợ đầu mối, khu công nghiệp, Covid-19 xuất hiện và lan nhanh. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã đưa ra những chủ trương, giải pháp kịp thời, đúng thời điểm; cùng sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương, sự đồng thuận, đồng hành của nhân dân, Đà Nẵng đã từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, bên phải sang) kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại quận Sơn Trà vào cuối tháng 7-2021.  Ảnh: PHAN CHUNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, bên phải sang) kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại quận Sơn Trà vào cuối tháng 7-2021. Ảnh: PHAN CHUNG

Chỉ đạo kịp thời, quyết liệt

Ban Thường vụ Thành ủy xác định, công tác phòng, chống Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất, thực hiện xuyên suốt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; không để mất khả năng kiểm soát dịch bệnh. Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được ban hành ngày 30-7-2021 trong bối cảnh chưa đầy 3 tuần Đà Nẵng có hơn 600 ca mắc Covid-19 với 25 chuỗi lây nhiễm được ghi nhận cùng lúc.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng, chống Covid-19; bắt đầu giãn cách toàn thành phố từ 18 giờ ngày 31-7. Các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng trong bối cảnh này cao hơn trong công tác phòng, chống dịch theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm phong tỏa, giãn cách và cách ly trên địa bàn toàn thành phố; vận dụng các quy định pháp luật để áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và một số hoạt động trong thời gian nhất định.

Đáng chú ý, ngày 14-8-2021, UBND thành phố ban hành Quyết định 2788/QĐ-UBND bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị số 05/CT-UBND. Quyết định số 2788/QĐ-UBND có hiệu lực từ 8 giờ ngày 16-8-2021 với các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ với tinh thần “ai ở đâu thì ở đó”. Toàn thành phố bước vào trạng thái phòng, chống Covid-19 mới, với các biện pháp nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, xuyêt suốt từ thành phố đến cơ sở.

Liên tiếp sau đó, căn cứ theo tình hình thực tế, lãnh đạo thành phố linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo từng thời điểm khác nhau. Các quyết định số 2836/QĐ-UBND, 2860/QĐ-UBND, 2905/QĐ-UBND của UBND thành phố lần lượt ban hành sau đó đã bám sát tình hình dịch bệnh, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND thành phố.

Thành phố huy động toàn bộ đảng viên, cán bộ, công nhân viên giãn cách tại địa phương cùng tham gia phòng, chống dịch. Trong vòng 7 ngày đầu thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, Đà Nẵng phát hiện gần 1.000 ca mắc Covid-19 với hàng loạt các điểm nóng được ghi nhận. Một số điểm nóng như K524 Hoàng Diệu, K515 Hoàng Diệu, K354 Trưng Nữ Vương, K488 Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu); K72 Đinh Tiên Hoàng, K327 Nguyễn Phước Nguyên (quận Thanh Khê).

Lần đầu tiên Đà Nẵng áp dụng chính sách giãn dân, di chuyển người dân tại các điểm nóng ở quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu để hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong các khu vực phong tỏa. Những chính sách tiên phong, áp dụng đúng thời điểm giúp thành phố nhanh chóng xử lý hiệu quả các điểm nóng trên địa bàn.

Thời gian triển khai thực hiện triệt để “ai ở đâu thì ở đó” với mức độ cao nhất, thành phố cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong phòng, chống dịch. Trong đó, đáng chú ý là ngăn chặn, cắt đứt chuỗi lây nhiễm trên diện rộng, từ đó phát hiện và đưa ra khỏi cộng đồng để chữa trị kịp thời một số lượng lớn F0. Để đưa ra được những quyết định quan trọng, chưa có tiền lệ như trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã triệu tập nhiều cuộc họp mở rộng quan trọng.

Tại mỗi cuộc họp, nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch; an sinh xã hội; bảo đảm sản xuất; cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm… được mổ xẻ, bàn bạc, phân tích rất kỹ, cân nhắc nhiều điều, nhiều vấn đề, tựu trung vấn đề sức khỏe, tính mạng của người dân vẫn được đặt lên hàng đầu. Nhiều cuộc họp diễn ra xuyên trưa, từ chiều đến tận khuya, những bữa ăn vội diễn ra ngay trên bàn họp. Từ những đánh giá, phân tích, dự báo, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đưa ra quyết định cuối cùng, trên cơ sở sự thống nhất và đồng thuận của tất cả các thành viên tham dự họp.

Kiểm tra giấy đi đường trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: PHAN CHUNG
Kiểm tra giấy đi đường trên địa bàn quận Thanh Khê. Ảnh: PHAN CHUNG

Chung sức, đồng lòng

Để sớm kiểm soát được Covid-19, ngành y tế và các địa phương tăng tốc thực hiện truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại các điểm nóng, đồng thời đẩy nhanh xét nghiệm diện rộng, bao phủ toàn thành phố để tìm ra các F0. Ngành y tế và các địa phương đồng loạt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng với tần suất 3 ngày/lần theo nguyên tắc cuốn chiếu tại tổ dân phố, bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Để làm được điều này, ngành y tế và các địa phương phải chạy đua và gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Cao điểm có ngày thành phố lấy mẫu xét nghiệm gần 130.000 lượt người. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay trên địa bàn Đà Nẵng. Khi bắt đầu thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND, số mẫu xét nghiệm bình quân mỗi ngày được lấy và xử lý lên tới 104.786 mẫu/ngày. Qua 7 đợt lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình, thành phố phát hiện 277 ca mắc trong cộng đồng. Từ những ca mắc này, các hoạt động truy vết, cách ly, xét nghiệm những F1, F liên quan tiếp tục được triển khai kịp thời, nhanh chóng.

Chỉ trong vòng một tháng, thành phố ghi nhận hơn 2.700 ca mắc Covid-19. Nếu không giãn cách nghiêm ngặt, xét nghiệm trên phạm vi rộng, 2.700 F0 sẽ lây lan nhiều hơn, nguy cơ lây nhiễm của thành phố ở mức báo động. Ngoài việc triển khai xét nghiệm toàn dân, để ngăn chặn dịch lây lan từ bên ngoài, Đà Nẵng tổ chức test nhanh kháng nguyên tất cả những người vào thành phố tại các chốt kiểm soát nơi cửa ngõ thành phố.

Khi người dân yên tâm thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, thành phố đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời cũng như kêu gọi sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức hảo tâm. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương thành lập hàng nghìn tổ cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cho dân. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thành phố ban hành hàng loạt chính sách để an dân như Kế hoạch số 135/KH-UBND, Quyết định số 2828/QĐ-UBND, Quyết định số 2840/QĐ-UBND, Quyết định số 2903/QĐ-UBND, kịp thời hỗ trợ người dân cũng như lực lượng phòng, chống dịch trong những ngày “ai ở đâu thì ở đó”.

Việc thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do... Do vậy, bên cạnh việc yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện và các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai kế hoạch hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Đà Nẵng thực hiện nhiều chính sách riêng nhằm hỗ trợ cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; tạo điều kiện hỗ trợ cho những người dân gặp khó khăn, nhất là lao động ở những ngành nghề có thu nhập không cao, không có giao kết hợp đồng lao động bảo đảm ổn định đời sống.

Đến cuối tháng 9-2021, tình hình Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát. Để có được thành quả này là sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị trong việc xử lý các điểm nóng. Trong những ngày dịch bệnh phức tạp, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, làm việc với các địa phương, trực tiếp đến từng kiệt, hẻm, điểm nóng, kịp thời chỉ đạo công tác dập dịch. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố trực tiếp đến các khu phong tỏa trên địa bàn quận Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu để nắm bắt tình hình, tìm hiểu cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng của người dân và động viên lực lượng cơ sở, tình nguyện viên, đảng viên, cán bộ tăng cường.

Qua đó kịp thời có những biện pháp, chính sách phù hợp nhất, giúp người dân an tâm cùng thành phố tích cực phòng, chống dịch... Ban Thường vụ Thành ủy đã kêu gọi cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới; lấy việc “nghiêm túc trong triển khai và nghiêm khắc trong xử lý các vi phạm” là một trong những biện pháp để bảo đảm thực hiện thành công, vì mục tiêu khống chế, đẩy lùi dịch bệnh.

Để đồng hành chống dịch, gần như tất cả bí thư, chủ tịch các quận, huyện, phường, xã, đều ở trạng thái chịu áp lực chống dịch giống như ngành y tế. Lãnh đạo các địa phương vừa phải lo chống dịch, nắm tình hình, kiểm soát, điều tra, truy vết, vừa phải lo các vấn đề an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tổ Covid-19 cộng đồng, bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, các tình nguyện viên… trong khu dân cư đều nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, cùng chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ phòng, chống dịch với thành phố.

Có thể khẳng định, các giải pháp phòng, chống Covid-19 quyết liệt, kịp thời, vận dụng sáng tạo trong truy vết, xét nghiệm; cùng sự đoàn kết, chung sức, đồng thuận, đồng lòng của chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân đã giúp thành phố kiểm soát và từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Đây là cơ sở và tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục đề ra các chủ trương, chính sách, giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022.

PHAN CHUNG

.