Y tế - Sức khỏe
Chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ
Trước thông tin xuất hiện ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố chỉ đạo ngành y tế, các đơn vị, địa phương liên quan đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý ca bệnh kịp thời theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lực lượng chức năng tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng thực hiện giám sát người dân, du khách nhập cảnh để phát hiện kịp thời bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: PHAN CHUNG |
Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện qua hệ thống giám sát tại các cửa khẩu và sự chủ động của người dân trong việc ghi nhận các triệu chứng liên quan.
Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ
Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc phát hiện, ghi nhận các triệu chứng liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, giảm năng lượng, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Thường bắt đầu với 1 đến 3 ngày khởi sốt. Tổn thương da có thể phẳng hoặc hơi nổi, chứa dung dịch trong hoặc hơi vàng và sau đó có thể đóng vảy, khô và rụng vảy. Số lượng tổn thương da trên một người có thể dao động từ một vài cho đến vài ngàn nốt. Triệu chứng điển hình thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần và tự biến mất mà không cần điều trị. Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6-13 ngày.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi nghi ngờ đang có triệu chứng hoặc đã tiếp xúc gần với một người mắc bệnh đậu mùa khỉ, người dân hãy liên hệ với cơ sở y tế để xin tư vấn, xét nghiệm và được chăm sóc y tế. Nếu có thể, hãy tự cách ly và tránh tiếp xúc gần với người khác. Hãy rửa tay thường xuyên và thực hiện các bước liệt kê trên đây để bảo vệ người khác khỏi nhiễm bệnh; cán bộ y tế sẽ lấy mẫu để xét nghiệm.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, để chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú, khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn. Bên cạnh đó, cần bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Xây dựng 3 tình huống
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, hiện ngành y tế đã lên phương án phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ với mục tiêu phát hiện sớm trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, đáp ứng khẩn cấp, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, bùng phát ra cộng đồng. Theo đó, ngành y tế xây dựng 3 tình huống, gồm chưa ghi nhận ca bệnh tại thành phố; xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào thành phố và tình huống 3 là dịch lây lan trong cộng đồng. “Các tình huống được xây dựng dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Đối với tình huống xuất hiện ca bệnh, người tiếp xúc bệnh nhân phải thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang y tế, kính đeo mắt, găng tay, mũ áo… Ngành y tế chủ động rà soát, điều tra mở rộng xung quanh tại các điểm nguy cơ cao (nơi ở, nơi làm việc,…), tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, cảnh giác, để phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ theo định nghĩa đồng thời cách ly, điều trị tại cơ sở y tế theo quy định.
Ngoài ra, tiếp tục khử khuẩn và xử lý môi trường ổ dịch, khu vực nhà ở, nơi làm việc/học tập của người bệnh… Các hoạt động điều tra, truy vết; giám sát, điều tra dịch tễ, truyền thông tại cửa khẩu, cộng đồng, cơ sở y tế phải được triển khai thường xuyên”, bác sĩ Thủy cho biết.
Trước tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam, UBND thành phố cũng yêu cầu ngành y tế, các đơn vị, địa phương tăng cường các hoạt động chuyên môn cần thiết. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, các đơn vị phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác giám sát và phòng, chống, chẩn đoán, điều trị. Ngành y tế tăng cường chỉ đạo việc thực hiện nghiêm công tác giám sát dịch bệnh tại cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám, chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Chỉ đạo khẩn trương tập huấn cho nhân viên y tế các tuyến về công tác giám sát, phòng, chống dịch và chẩn đoán, phát hiện, điều trị, phòng ngừa lây nhiễm; bảo đảm việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế.
“Khi ghi nhận trường hợp bệnh, lập tức phối hợp với các ngành, các cấp, khẩn trương thực hiện các biện pháp đáp ứng, giám sát, điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ để xác định nguồn lây nhiễm; quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng; tổ chức cách ly, điều trị trường hợp dương tính, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị” Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến lưu ý.
PHAN CHUNG