Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong hai ngày 27 và 28-10, đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm về vấn đề nợ đọng thanh toán bảo hiểm y tế.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Trần Khánh Thu phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, giá dịch vụ y tế chưa tính đủ các yếu tố cấu thành định mức kinh tế kỹ thuật, các chi phí trực tiếp đã lạc hậu so với thị trường. Đến năm 2021, toàn ngành y tế mới được thanh toán bổ sung 842,8 tỷ đồng do vượt định mức kinh tế kỹ thuật từ năm 2016 đến năm 2018.
Nguồn tài chính của đơn vị được xác định từ hai nguồn cơ bản là ngân sách nhà nước cấp và bảo hiểm y tế chi trả. Ngân sách nhà nước cấp cho y tế và bảo hiểm y tế có tăng, nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người vẫn thấp, tỷ lệ chi tiền từ túi hộ gia đình vẫn ở mức cao, trên 40% tổng chi. Độ bao phủ bảo hiểm y tế rộng nhưng chưa bền vững, bằng chứng là tỷ lệ bảo hiểm y tế giảm khi người dân không còn được hỗ trợ của Nhà nước. Nguyên nhân một phần là do ngành y tế chưa xây dựng và đề xuất được danh mục sự nghiệp công, chưa phân tách được chi phí, chưa được kết cấu vào giá dịch vụ y tế để có cơ sở đề nghị ngân sách nhà nước cấp bổ sung. Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở y tế với cơ quan Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập.
Đề cập đến tổng mức thanh toán, đại biểu cho rằng, thực chất đây là số tiền cơ quan Bảo hiểm xã hội xác định lại cho từng bệnh viện, nhưng là xác định sau khi đã thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh của năm trước. Trong khi đó, toàn bộ chi phí này đều nằm trong phạm vi được hưởng. Mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã hoàn thành và được cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức giám định theo đúng quy định.
Thêm vào đó, việc xác định hệ số k là hệ số biến động về giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Nhưng thực chất trong những năm qua, hệ số k về nhóm thuốc do Tổng cục Thống kê tính toán cũng chỉ căn cứ vào mặt hàng do hộ gia đình sử dụng, chứ chưa căn cứ vào sự biến động thuốc sử dụng tại cơ sở khám, chữa bệnh, nên tổng mức thanh toán thường thấp hơn nhiều so với tổng chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mà cơ sở y tế đã cung cấp dịch vụ cho người dân.
“Với cơ sở như vậy, nguy cơ hết năm 2022, tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các bệnh viện sẽ thấp đi rất nhiều so với chi phí thực tế đã sử dụng cho người bệnh”, bà Trần Khánh Thu lo ngại.
Đại biểu đề nghị đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh đang chưa được thanh toán do vượt tổng mức thanh toán.
Cơ sở y tế thành “con nợ”
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: An Đăng/TTXVN |
Trước đó, tại phiên thảo luận chiều 27-10, giải đáp ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vướng mắc trên là do có những quy định trong Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 146/2018/NĐ-CP (hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế) còn chưa thống nhất với nhau. Việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo phương thức giá dịch vụ y tế hiện nay có vướng mắc, liên quan đến việc áp dụng tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của bảo hiểm y tế.
Nhiều năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng được các yêu cầu. “Với những vướng mắc như vậy, hiện nay, nhiều cơ sở y tế lại trở thành con nợ, bởi các chi phí khám, chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn của các cơ sở y tế, cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng mua sắm đấu thầu khó khăn, bởi vì chúng ta còn nợ của các nhà thầu, chưa thanh toán được”, Bộ trưởng bày tỏ.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Hiện nay, Nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trong quá trình triển khai thực hiện nội dung này, trước khi nghị định được ban hành, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giải quyết khó khăn trong thanh toán trong năm 2021. Nghị quyết này đã được trình lên Chính phủ.
“Để giải quyết kịp thời vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh vấn đề liên quan đến việc sửa đổi các quy định về văn bản pháp luật, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra những giải pháp để tăng cường công tác kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế lạm dụng, trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế để đảm bảo sự an toàn của Quỹ”, Bộ trưởng Y tế cho hay.
Kiểm soát gia tăng chi phí không hợp lý
Trước băn khăn của đại biểu Quốc hội, trao đổi với phóng viên trưa 28-10, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, theo Luật Bảo hiểm y tế, có 3 phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh là: Thanh toán theo giá dịch vụ y tế, thanh toán theo định suất và thanh toán theo trường hợp bệnh. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng phương thức thanh toán theo giá dịch vụ y tế. Đây là phương thức thanh toán chứa ẩn nhiều rủi ro nhất, vì không kiểm soát được chi phí, căn cứ theo số lượng dịch vụ các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp nhân với mức giá dịch vụ y tế được quy định để chi trả.
“Hầu như hiện nay các nước không còn áp dụng phương thức thanh toán theo giá dịch vụ y tế, mà chuyển đổi sang phương thức thanh toán theo định suất, tức là khoán một nguồn kinh phí căn cứ vào số thẻ đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh để thực hiện. Hoặc thanh toán theo trường hợp bệnh đối với nội trú, đó là tính toán ra chi phí cho một đợt điều trị, một nhóm chẩn đoán tương đồng, ví dụ như viêm ruột thừa có mức khoán 10 triệu đồng, còn viêm phúc mạc ruột thừa thì hệ số của nó sẽ nhân lên là 15 triệu đồng”, ông Phúc cho hay.
Theo ông, các nước đều áp dụng những phương thức thanh toán để quản lý nguồn kinh phí một cách hiệu quả nhất, bởi “không có nguồn nào là vô hạn, nguồn kinh phí bảo hiểm y tế lại càng không vô hạn”. Việc lựa chọn trong chỉ định dịch vụ y tế, vật tư y tế có phạm vi rất rộng rãi. Ông Lê Văn Phúc dẫn chứng, cùng một loại thuốc nhưng có rất nhiều loại như: thuốc biệt dược gốc, thuốc nhóm 1, thuốc nhóm 2, thuốc nhóm 3, thuốc nhóm 4 và giá thuốc biệt dược gốc bao giờ cũng đắt hơn nhiều, có khi gấp hàng chục lần so với giá thuốc các nhóm kia. Tương tự, vật tư y tế cũng có rất nhiều loại lựa chọn, ví dụ cùng stent để đặt trong tim mạch có giá từ 25 triệu đồng đến 50 triệu đồng; thủy tinh thể có loại 2 triệu đồng, 10 triệu đồng…
Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã có những thống kê như, cùng 1 bệnh nhân tiểu đường, song chi phí điều trị bình quân ở các cơ sở khám, chữa bệnh rất khác nhau. Ví dụ có cơ sở là 1,5 triệu đồng/tháng bao gồm cả xét nghiệm và thuốc, trong khi các cơ sở khác là 1 triệu đồng/tháng, 700 nghìn đồng/tháng, thậm chí là 500 nghìn đồng/tháng điều trị đối với bệnh nhân bị tiểu đường.
“Do vậy, nếu chúng ta không quản lý, không có quy định cụ thể thì Quỹ bảo hiểm y tế không thể đáp ứng được nhu cầu điều trị. Có thể thấy, việc đưa ra một phương thức thanh toán phù hợp, nhằm đảm bảo quản lý sử dụng hiệu quả kinh phí khám, chữa bệnh nói chung, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nói riêng là cần thiết”, ông Phúc nói.
Từ thực tiễn trên, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định tổng mức thanh toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế là công cụ để kiểm soát gia tăng chi phí không hợp lý của phương thức thanh toán theo giá dịch vụ, chống lãng phí. Nội dung quy định theo tổng mức thanh toán bản chất là không mới, công cụ kiểm soát chi phí này đã được quy định tại các văn bản quy phạm hướng dẫn trước đây.
Với phần chi phí vượt tổng mức thanh toán được các đại biểu đề cập, ông Phúc cho biết không thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đối với phần vượt của năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế đề xuất với Chính phủ ban hành Nghị quyết tạm thời, không áp dụng Điều 24 của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP để tháo gỡ các khó khăn cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Còn chi phí vượt định mức của năm 2019-2020, khi áp dụng công thức tổng mức cho thấy các cơ sở khám, chữa bệnh chi không hợp lý nên không thể thanh toán theo quy định.
Theo Baotintuc.vn