Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, ngành y tế thành phố đã tập trung triển khai các giải pháp phù hợp, góp phần từng bước nâng cao thể lực, thể chất người dân, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em. Các chỉ tiêu về dân số, y tế, chăm sóc sức khỏe gắn liền với chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội thành phố đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe nhân dân.
Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép tủy do chấn thương cột sống cho một bệnh nhân. Ảnh: PHAN CHUNG |
Một trong những điểm sáng trong thực hiện các chính sách y tế hiện nay trên địa bàn thành phố chính là triển khai bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Theo đó, kế hoạch triển khai BHYT toàn dân được xây dựng, thực hiện đến tận phường, xã, tổ dân phố, thôn, phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn tại từng đơn vị, địa phương. Với 91,17% người dân tham gia BHYT từ năm 2012, đến năm 2021, toàn thành phố có 97,5% người tham gia BHYT, tăng 6,53% so với năm 2012 và vượt 10,2% so với tỷ lệ bao phủ BHYT của toàn quốc. Khi diện bao phủ BHYT được mở rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, người dân được chăm sóc sức khỏe ngay từ tuyến y tế cơ sở và bằng các dịch vụ y tế ngày càng tốt hơn.
Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, các chương trình, dự án y tế hỗ trợ đối tượng đặc thù, người yếu thế được triển khai phù hợp theo từng giai đoạn. Trong đó, các hoạt động, chương trình mục tiêu y tế - dân số được triển khai đầy đủ, có hiệu quả. Thông qua hoạt động này, ngành y tế địa phương đã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình y tế hay tại địa phương như: mô hình quản lý bệnh không truyền nhiễm tại cộng đồng, mô hình y tế cơ sở theo nguyên lý y học gia đình, năng lực triển khai các hoạt động mang tính chất cộng đồng được tăng lên... Hiện nay, 100% phường, xã trên địa bàn thành phố quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, rồi loạn tâm thần...
“Nhiều mô hình hoạt động được đẩy mạnh và thực hiện trong thời gian qua và tạo được dấu ấn đối với người dân như “1.000 ngày vàng” của trẻ; Hướng dẫn bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Ngành y tế phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước triển khai các hoạt động truyền thông ở các trung tâm y tế, trạm y tế để truyền thông giáo dục sức khỏe cho các bà mẹ trong tuổi sinh đẻ, các bà mẹ nuôi con nhỏ về các nội dung như chế độ dinh dưỡng của các bà mẹ đang mang thai, dinh dưỡng trẻ nhỏ, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, tầm soát các dị tật bẩm sinh...”, bác sĩ Thủy cho biết.
Để phát triển hệ thống dịch vụ y tế đa dạng, linh hoạt cả về chất lượng và số lượng theo hướng chuyên nghiệp, các chính sách về tự chủ tài chính, xã hội hóa từng bước được triển khai để huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội cho công tác y tế. Theo lộ trình cơ chế tự chủ tài chính mà Chính phủ ban hành tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP (ngày 14-2-2015), đến nay ngành y tế thành phố tạm phân loại và giao quyền tự chủ cho 23 đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trong đó có 5 đơn vị được giao tự chủ chi hoạt động thường xuyên, 15 đơn vị tự bảo đảm một phần chi hoạt động thường xuyên và 3 đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên. Việc phân loại là đơn vị tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên đã giúp các đơn vị nâng cao quyền tự chủ trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, tự chủ về nhân sự, tài chính. Điều này thúc đẩy các đơn vị hoạt động theo hướng ngày càng hiệu quả, nâng cao số lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng cung ứng dịch vụ.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành y tế, hiện nay ngành vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. “Dưới góc độ quản lý ngành, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Y tế tham mưu Quốc hội, Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2022-2025; sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế phù hợp với thực tế. Phối hợp Bộ Nội vụ và các bộ liên quan sớm ban hành văn bản thay thế về việc hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế Nhà nước để phù hợp với sự thay đổi về cơ cấu tổ chức và nhu cầu hoạt động các đơn vị sự nghiệp y tế giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, cần sớm ban hành chính sách thu hút, ưu đãi và chế độ đặc thù đối với đội ngũ nhân lực y tế công tác, làm việc tại tuyến y tế cơ sở (huyện, xã) và lĩnh vực y tế dự phòng”, bác sĩ Thủy cho biết.
PHAN CHUNG