Y tế - Sức khỏe
Nhiều trường hợp sốt xuất huyết trở nặng
Thời tiết chuyển mùa mưa nên số người mắc sốt xuất huyết (SXH) tăng cao trong thời gian qua. Ngoài tăng cường vệ sinh môi trường, hạn chế khả năng sinh sôi của muỗi, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động đến các cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời. Hiện nay, có tình trạng nhầm lẫn SXH với cảm, sốt thông thường, dẫn đến việc tùy tiện mua thuốc tự điều trị, nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Người dân còn chủ quan
Bệnh nhân Trần Văn H. (42 tuổi, trú phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) vừa được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng nôn ra máu. Sau khi kiểm tra, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Y học nhiệt đới để theo dõi, điều trị SXH. Người nhà bệnh nhân chia sẻ, 3 ngày trước bệnh nhân bị mệt, sốt, đau họng, nhức đầu. Nghĩ là cảm cúm thông thường nên người nhà tự mua thuốc cho bệnh nhân uống. Tuy nhiên tình trạng vẫn không giảm. Đến ngày thứ 3, bệnh nhân mặc dù đã hạ sốt nhưng tức ngực, khó thở, đau nhức khắp cơ thể và sau đó nôn ra máu.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng nhận định, bệnh nhân H. bị SXH trở nặng dẫn đến tiểu cầu hạ và có nguy cơ đối mặt các biến chứng nặng như viêm gan, viêm cơ tim nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm, sức khỏe dần hồi phục, huyết áp ổn định, các chỉ số xét nghiệm dần trở về mức bình thường.
Trung bình mỗi ngày, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận, điều trị hơn 40 bệnh nhân mắc SXH. Khoa này đã đưa vào sử dụng cơ sở 2 để tiếp nhận số bệnh nhân mắc SXH ngày một tăng. Bác sĩ Trương Thị Hoa, Phó khoa Y học nhiệt đới cho biết, so với tháng trước và cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH nhập viện tăng lên, trong đó có nhiều ca mắc SXH đã trở nặng.
Bệnh SXH có thể nhanh khỏi nếu được phát hiện, điều trị đúng cách. Ngược lại, tâm lý chủ quan và nhầm lẫn giữa SXH với các loại cảm, sốt thông thường sẽ khiến bệnh nhân trở nặng và nguy hiểm đến tính mạng. “SXH chia ra các mức độ nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và trở nặng. Nhiều bệnh nhân bị SXH ở mức độ nhẹ thường chủ quan không đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này hết sức nguy hiểm, rất dễ trở nặng gây ra biến chứng nguy hiểm như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí là tử vong”, bác sĩ Hoa khuyến cáo.
Để phòng, chống SXH, khi có các triệu chứng, dấu hiệu nghi mắc bệnh, người dân cần chủ động đến khám tại các cơ sở y tế. Tùy vào mức độ, bệnh nhân có thể được chỉ định điều trị tại cơ sở y tế hoặc theo dõi, điều trị tại nhà. “Tất nhiên, nếu điều trị ngoại trú tại nhà cũng phải theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Đối với những trường hợp như người già, người đơn thân, phụ nữ mang thai… khi mắc SXH dù nặng hay nhẹ cũng nên đến điều trị tại các cơ sở y tế để đề phòng nguy hiểm. Bệnh nhân hết sốt không phải là đã hết bệnh, mà giai đoạn này nguy hiểm nhất của SXH khiến tiểu cầu giảm nặng, kèm theo đó là những biến chứng với mức độ khác nhau và có thể gây tử vong”, bác sĩ Hoa cho biết thêm.
Tăng cường giám sát, xử lý kịp thời các ổ dịch
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC), trung bình mỗi tuần trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 300 ca mắc SXH, tập trung tại nhiều địa phương như Hải Châu, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hòa Vang… Hàng loạt ổ dịch nhỏ được ghi nhận, xử lý tại nhiều địa phương như: Cẩm Lệ (7), Liên Chiểu (7), Thanh Khê (4)… Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 7.593 ca mắc SXH, nhiều gấp 19 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, một trong những giải pháp phòng, chống SXH hiệu quả và cần thiết hiện nay chính là tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch. Theo đó, UBND các xã, phường phối hợp tích cực với ngành y tế, phân tích các ổ dịch, ca bệnh bằng bản đồ chi tiết đến các tổ dân phố, thôn, tuyến đường. Các tổ dân phố, thôn kết nối nhân viên y tế địa phương vào các nhóm zalo của tổ dân phố, thôn, từ đó tiếp nhận thông tin ca mắc, ổ dịch SXH trên địa bàn để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch. “Ngoài ra, đề nghị UBND các quận, huyện tiếp tục tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng. Đặc biệt lưu ý các điểm, bãi tập kết lốp xe, đồ phế thải, công trình xây dựng, khu nhà trọ/phòng trọ, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của lực lượng cộng tác viên Dân số - Y tế trên địa bàn trong công tác phòng, chống dịch SXH và các bệnh truyền nhiễm khác”, bác sĩ Hóa cho biết.
Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, để chủ động và quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống SXH, ngành y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH, nhất là tại các địa phương có số ca mắc cao trên địa bàn. Phân công cán bộ đứng điểm để theo dõi, đánh giá tình hình và phối hợp chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại các địa phương.
“Ngoài ra, hằng ngày cán bộ y tế phối hợp với các khoa có nhận bệnh truyền nhiễm như khoa lây, khoa nhi, phòng khám… để tiến hành phân loại bệnh, lên danh sách, quản lý bệnh nhân và gửi thông tin về các địa phương có liên quan ca bệnh. Chỉ đạo các đơn vị khám chữa bệnh phân công chế độ trực chuyên môn sẵn sàng tiếp nhận điều trị, đánh giá, chuyển tuyến bệnh nhân kịp thời; cập nhật các phác đồ điều trị theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế; đảm bảo thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hóa chất đáp ứng với yêu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân an toàn, hiệu quả. Ngành y tế cũng đề nghị các địa phương áp dụng biện pháp hành chính đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình…có lăng quăng, bọ gậy và không phối hợp phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống bệnh SXH”, bác sĩ Trình cho biết.
PHAN CHUNG