Tại triển lãm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đoàn viên, thanh niên do Thành Đoàn tổ chức vừa qua, nhiều sản phẩm ý nghĩa thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nổi bật là 2 sản phẩm có tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực y tế gồm: thiết bị hỗ trợ người bị run tay và găng tay phục hồi chức năng.
Bí thư Thành Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng (bên trái) thăm và đánh giá cao sản phẩm “Thiết bị hỗ trợ người bị run tay” do các sinh viên Bạch Ngọc Bích Đào và Võ Văn Hoàng chế tạo. Ảnh: NGỌC QUỐC |
Găng tay cho người đột quỵ
Với mong muốn hỗ trợ người đột quỵ sớm phục hồi chức năng, 4 sinh viên Trường Đại học (ĐH) Bách khoa, ĐH Đà Nẵng gồm: Lê Nhất Chính, Nguyễn Hữu Việt (Khoa Cơ khí), Nguyễn Thị Hiền (Khoa Hóa), Đào Duy Anh (Khoa Điện) tạo ra sản phẩm “Găng tay phục hồi chức năng”.
Sinh viên Lê Nhất Chính, trưởng nhóm cho biết, qua khảo sát tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, cả nhóm nhận thấy có nhiều người bị đột quỵ, không ít trong số đó còn rất trẻ. Hằng ngày, mỗi bệnh nhân chỉ có khoảng 40 phút tập luyện trị liệu phục hồi, chưa thể đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh. Việc di chuyển đến bệnh viện trong thời gian dài cũng tốn kém về chi phí. Trước những vấn đề này, tháng 10-2021, nhóm nảy ra ý tưởng tạo ra sản phẩm có thể giúp hỗ trợ phục hồi chức năng cho người bị đột quỵ. Sau thời gian nghiên cứu và được hỗ trợ từ các thầy trong khoa, nhóm tạo ra “Găng tay phục hồi chức năng”. Đây là găng tay sử dụng khí nén để trợ lực phục hồi chức năng các ngón tay cho người bệnh bị di chứng sau tai biến mạch máu não.
“Găng tay phục hồi chức năng” được thiết kế dưới dạng găng tay kết hợp với các ngón tay bằng vật liệu silicon. Các ngón tay silicon được chế tạo thành các buồng khí nối tiếp nhau. Người bệnh sau khi đưa các ngón tay vào găng tay thì hệ thống khí nén được khởi động. Khí nén chuyền theo các buồng khí đến tay người bệnh. Sự co giãn của các buồng khí sẽ hỗ trợ chuyển động uốn cong của các ngón tay người. Từ đó, thiết bị giúp bệnh nhân thực hiện lặp lại nhiều lần động tác nắm và duỗi thẳng phần tay bị liệt để cải thiện vận động. Đặc biệt, các linh kiện điện tử được tách biệt nên không gây nguy hiểm khi sử dụng.
Khi sử dụng găng tay, người bệnh có thể chủ động tự tập luyện ở nhà mà không cần hỗ trợ của nhân viên y tế. Găng tay phục hồi chức năng đã nhận được sự đánh giá cao khi tham gia các cuộc thi.
“Vừa qua, sản phẩm được cả nhóm mang đến tham dự chung kết toàn quốc cuộc thi “Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng - EPICS” và xuất sắc đoạt giải Nhất. EPICS là cuộc thi dành cho sinh viên thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học kết hợp để triển khai những dự án phục vụ cộng đồng. Thời gian tới, cả nhóm sẽ tiếp tục cải tiến để tạo ra sản phẩm hiệu quả hơn, ứng dụng thiết thực cho cộng đồng”, Lê Nhất Chính chia sẻ.
Hỗ trợ người bị run tay
Một trong những sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nhận được sự quan tâm tại buổi triển lãm là “Thiết bị hỗ trợ người bị run tay”. Đây là sản phẩm do các sinh viên Bạch Ngọc Bích Đào và Võ Văn Hoàng (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng) chế tạo dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bảo, Trưởng bộ môn cơ khí chế tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.
Bích Đào cho biết, hiện nay, người mắc bệnh Parkinson đều đi lại khó khăn, cử động châm chạp, tay bị run, tuy nhiên khoa học vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị dứt điểm. Mặc dù các phương pháp như thuốc, phẫu thuật có thể làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh nhưng dễ bị tác dụng phụ. Chính vì vậy, nhóm mong muốn chế tạo ra 1 thiết bị hỗ trợ người bị run tay cải thiện được cuộc sống và giảm thiểu quá trình sử dụng thuốc của người bệnh.
Được sự hỗ trợ từ thầy Nguyễn Xuân Bảo, trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5-2022, nhóm của Bích Đào chế tạo thành công thiết bị hỗ trợ người bị run tay. Đây là sản phẩm dưới dạng 1 chiếc găng tay sử dụng công nghệ con quay hồi chuyển hỗ trợ phục hồi cho bệnh nhân Parkinson. Con quay sau khi được kích hoạt sẽ hồi chuyển hoạt động trên nguyên tắc momen động lượng. Các đĩa quay bên trong con quay hồi chuyển sẽ phản hồi lực phụ hợp vào tay, qua đó làm giảm độ run tay.
Theo chia sẻ của Bích Đào, sản phẩm sau khi được hoàn thiện được một số bệnh nhân Parkinson thử nghiệm và có những tín hiệu tích cực. Người bệnh sử dụng găng tay đã giảm thiểu sử dụng thuốc trị bệnh. Đồng thời, tay người bệnh cũng ổn định hơn so với trước đó.
“Trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, khó khăn nhất của nhóm là tìm kiếm các vật liệu phù hợp để làm con quay hồi chuyển. Đây là thiết bị quan trọng nhằm cân bằng chuyển động của máy với tay người. Sau khi hoàn thiện và đưa đến các triển lãm để trưng bày giới thiệu, sản phẩm nhận được sự quan tâm của nhiều người. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục cải tiến sản phẩm, đồng thời, mong muốn các cá nhân, tổ chức quan tâm có thể hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu, tư vấn để sản phẩm được hoàn thiện, sớm ứng dụng trong đời sống thực tiễn”, Bích Đào chia sẻ.
NGỌC QUỐC