Thời tiết chuyển lạnh đột ngột, nền nhiệt hạ thấp tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của nhiều người, nhất là những đối tượng có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ. Các bác sĩ khuyến cáo, ngoài việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý, cần chủ động giữ ấm cơ thể, tránh thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột để phòng tránh các bệnh liên quan.
Bác sĩ khám bệnh về hô hấp cho bệnh nhi tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Trong những ngày qua, số bệnh nhi đến khám tại Khoa Khám đa khoa - Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng liên tục tăng, khoảng 1.300 bệnh nhân/ngày. Bác sĩ Lê Văn Dũng, Phó khoa Khám đa khoa - Cấp cứu cho biết, hơn 60% trong số bệnh nhi đến khám đều mắc các bệnh liên quan đến hô hấp. Theo đó, thời tiết chuyển lạnh khiến trẻ em liên tục bị ho, sốt, chảy mũi, đau họng… Đây là các triệu chứng phổ biến của những bệnh liên quan đến hô hấp như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi.
Trong khi đó, tại Khoa Nhi hô hấp, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, hơn 2 tuần qua, khoa này liên tục quá tải do số bệnh nhi nhập viện điều trị tăng cao. Được bố trí 150 giường kế hoạch nhưng số bệnh nhân nhập viện điều trị luôn trên 200 trường hợp, buộc khoa phải kê thêm giường để tiếp nhận, điều trị. Bác sĩ Trương Thị Thu Huyền, Trưởng khoa Nhi hô hấp cho biết, nguyên nhân chính khiến bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp tăng cao là do thời tiết chuyển lạnh, thêm mưa khiến độ ẩm tăng cao. Trẻ em là nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu nên dễ bị vi-rút tấn công.
“Để phòng bệnh cho trẻ trong thời điểm này, phụ huynh cần lưu ý luôn giữ ấm cho trẻ, mang khẩu trang, tránh tiếp xúc với nguồn không khí lạnh, tiêm vắc-xin đúng lịch, sử dụng thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho con nhỏ. Đặc biệt chú ý thường xuyên vệ sinh tay và mũi họng cho trẻ”, bác sĩ Huyền cho biết. Bên cạnh đó, cần cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, cho trẻ uống nhiều nước hoa quả. Ngoài ra, bệnh đường hô hấp đang bùng phát mạnh nên trẻ dễ bị lây chéo trong môi trường lớp học hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh. Phụ huynh cần chủ động phối hợp với nhà trường trong việc phòng, chống các bệnh liên quan trong lớp học, nhất là các lớp, nhóm trẻ mầm non.
Liên quan đến bệnh do thời tiết, bác sĩ Nguyễn Hứa Quang, Trưởng khoa Nội hô hấp - Miễn dịch dị ứng, Bệnh viện Đà Nẵng cũng nhấn mạnh thêm, cần đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng người cao tuổi, nhất là những người có bệnh lý nền sẵn. Thời tiết thay đổi, trở lạnh đã làm chênh lệch nhiệt độ, độ ẩm, không khí khô hơn làm cho suy yếu khả năng chống lại vi-rút của hệ miễn dịch. Nhiệt độ thấp về cơ bản sẽ làm các tế bào biểu mô vốn đã rất nhạy cảm với tổn thương thì nay càng tổn thương về bề mặt, dẫn đến tạo các kẽ hở cho vi-rút, vi khuẩn xâm nhập cơ thể.
“Những người lớn tuổi vốn có sẵn các bệnh lý nền mãn tính làm suy yếu hệ miễn dịch hiện tại. Khi thời tiết thay đổi sẽ làm khởi phát các bệnh lý có sẵn. Thời tiết thay đổi làm xuất hiện nhiều bệnh, nhất là cảm cúm, viêm phổi, viêm da do dị ứng thời tiết, viêm kết mạc mắt hoặc các triệu chứng về cơ, xương, khớp. Thậm chí, các bệnh mạn tính như đái đường, huyết áp, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính theo thời gian sẽ nặng lên do sự thay đổi thời tiết”, bác sĩ Quang lưu ý.
Theo bác sĩ Quang, phòng các bệnh do thời tiết chuyển lạnh ở người lớn tuổi cần lưu ý vấn đề giữ ấm cơ thể, chế độ dinh dưỡng và chế độ tập luyện. Theo đó, cần mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài bằng áo len, dạ, áo khoác, khăn quàng cổ, mũ len, đi tất dày. Mặc đủ ấm giúp cơ thể tránh được sự mất nhiệt khi trời lạnh. Có thể dùng khăn len che mũi, miệng nếu phải đi ra ngoài trời có gió lạnh để tránh hít thở không khí lạnh và khô dễ bị viêm mũi họng, thậm chí viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi mạn tính… Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, nếu dậy sớm tập thể dục hoặc bắt buộc phải đi ra ngoài có việc cần lưu ý vấn đề này. Nhiều trường hợp do thay đổi nhiệt độ quá nhanh, cơ thể người già không đáp ứng kịp dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hết sức nguy hiểm.
“Người lớn tuổi suy giảm miễn dịch do tuổi tác và phải chống lại nhiều bệnh nên cần cung cấp đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu. Đồng thời, duy trì một chế độ tập luyện đều đặn giúp khí huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, củng cố và tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp, giảm đường huyết. Nên chú ý chỉ tập luyện sao cho vừa sức và không nên cố tập khi thời tiết quá lạnh”, bác sĩ Quang khuyến cáo.
PHAN CHUNG