"Bác sĩ" của đồng bào Cơ tu

.

Hơn 12 năm công tác tại Trạm Y tế xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang), nữ kỹ thuật viên xét nghiệm Nguyễn Thị Trà là điểm tựa vững chắc của đồng bào Cơ tu tại địa phương. Không quản ngày đêm, ngày thường hay nghỉ lễ, chị Trà vẫn miệt mài với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Hơn 12 năm công tác tại Trạm Y tế xã Hòa Phú, kỹ thuật viên xét nghiệm Nguyễn Thị Trà là điểm tựa của người dân địa phương trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ảnh: P.C
Hơn 12 năm công tác tại Trạm Y tế xã Hòa Phú, kỹ thuật viên xét nghiệm Nguyễn Thị Trà là điểm tựa của người dân địa phương trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ảnh: P.C

Là địa bàn tiếp giáp với Quảng Nam, cách xa trung tâm thành phố hơn 25km, đời sống của người dân trên địa bàn xã Hòa Phú vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, khoảng cách giao thông chính là rào cản lớn nhất của người dân khi trái gió trở trời, gặp các sự cố liên quan sức khỏe cần điều trị, chăm sóc. Chính vì thế, Trạm Y tế xã Hòa Phú từ lâu là điểm tựa hết sức quan trọng của người dân nơi đây, là cầu nối kịp thời trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe.

Chị Trà là người con Cơ tu lớn lên giữa núi rừng Hòa Vang. Năm 2011, khi thành phố triển khai Đề án đào tạo nhân lực cho vùng miền núi khó khăn, chị Trà là một trong những học viên đầu tiên được lựa chọn và tham gia theo học y tế tại Trường Cao đẳng Y tế Trung ương 2. Sau 2 năm nỗ lực, chị Trà tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật viên xét nghiệm và trở về đóng góp cho quê hương.

“Hồi đó mình chỉ nghĩ được về gần nhà làm việc, được giúp bà con quê hương trong việc chăm sóc sức khỏe. Một thời gian sau rồi tính tiếp nhưng không ngờ tình cảm gắn bó cũng đã hơn 12 năm”, chị Trà nhớ lại.

Công việc tại trạm y tế tuyến xã, phường vốn rất nhiều những đầu việc không tên. Ngoài các chương trình mục tiêu dân số, y tế, chị Trà còn tham gia vào các hoạt động sơ, cấp cứu người bị nạn. Vùng rừng núi xã Hòa Phú có nhiều khe, suối, người dân lại sinh sống chủ yếu bằng trồng trọt, đi rừng. Rất nhiều tai nạn thương tích trong lúc chặt cây làm rẫy, nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra. “Do ở xa trung tâm thành phố nên khi gọi xe cấp cứu cũng phải hơn 30 phút xe mới tới nơi được. Trong tình thế đó, trạm y tế phân công nhân viên lập tức đến hiện trường tai nạn để hỗ trợ, sơ cấp cứu ban đầu chờ xe tới. Chính vì vậy, dù là ban đêm hay ngày nghỉ, chỉ cần được lệnh của trạm trưởng là em lên đường ngay”, chị Trà kể.

Là một kỹ thuật viên xét nghiệm, những ngày đầu, chị Trà theo chân các bác sĩ, y sĩ của trạm đi cứu người bị nạn để học hỏi. Những kiến thức xét nghiệm không ứng dụng trong thời gian tham gia cứu người bị nạn mà thay vào đó là những bài học “cầm tay chỉ việc” mà các anh, chị đi trước có kinh nghiệm truyền đạt. 1 ca, 2 ca, 5 ca rồi 10 ca, dần dần, Trà cũng làm chủ được các kỹ thuật cơ bản, kịp thời xử lý các sự cố, tai nạn giúp nạn nhân không nguy hiểm đến tính mạng.

“Có những hôm hết ca trực, vừa về đến nhà thì nhận được điện thoại của trạm thông báo có trường hợp tai nạn trên đường đi du lịch về. Em liền tham gia cấp cứu vì em biết rõ địa hình nơi đây, nếu để lâu quá lỡ bệnh nhân có chuyện gì thì sẽ rất hối hận. Hơn nữa, các anh chị trong trạm phần lớn đều ở dưới xuôi lên, hết ca trực họ về nhà, trong khi mình ở gần đây thì cố gắng hỗ trợ, chia sẻ công việc cho nhau”, Trà chia sẻ thêm.

Được biết, Trạm Y tế xã Hòa Phú hiện có 7 nhân viên. 4/7 nhân viên có gia đình ở Cẩm Lệ, Hòa Phong, Hòa Châu nên sau giờ trực họ đều trở về nhà. 3 nhân viên y tế còn lại, trong đó có Trà là người địa phương, cũng đồng nghĩa túc trực, giải quyết những sự cố ngoài giờ để kịp thời cấp cứu, hỗ trợ bệnh nhân và chia sẻ nhiệm vụ với đồng nghiệp.

Là người con Cơ tu sinh ra ở thôn Phú Túc, Trà hiểu rõ nỗi khổ, thiệt thòi của người lớn tuổi trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Xuất phát từ nỗi niềm đó, khi được giao quản lý, phụ trách 2 thôn Phú Túc, Hòa Hải, Trà như cởi bỏ được tấm lòng. Những chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm đều được Trà nắm bắt và thực hiện đến từng hộ gia đình.

Tại trạm y tế, Trà trở thành “thông dịch viên” không thể thiếu của những bệnh nhân đồng bào Cơ tu khi đến khám, chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là người lớn tuổi. Sự khác biệt về ngôn ngữ khiến các bậc cao niên khó diễn tả bệnh tình. Tuy nhiên, khi gặp người con Cơ tu Nguyễn Thị Trà, việc tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn vì thế trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. Không những thế, tranh thủ ngày nghỉ, Trà chủ động tìm đến nhà các bệnh nhân trong xã, lúc thì mang thuốc theo chương trình, lúc thì thăm khám, thay băng gạc cho bệnh nhân.

Sau một ngày làm việc, Trà lại trở về mái ấm của mình. Chồng Trà cũng là nhân viên y tế, hiện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Hai vợ chồng làm việc theo ca trực, phân công của đơn vị nên thời gian cùng nhau bên mâm cơm không thường xuyên. Nhưng với tình yêu cháy bỏng dành cho quê hương và sự tâm huyết trong nghề, thật khó để Trà bước lui.

“Nhìn vậy thôi chứ quê em còn nghèo lắm. Dân cư ít nhưng địa bàn lại rất rộng, đường đi còn hiểm trở, khó khăn. Em chỉ mong hệ thống y tế của địa phương tiếp tục phát triển, lớn mạnh, được bổ sung thêm nhân lực để chăm sóc tốt hơn nữa cho sức khỏe của bà con mình”, Trà mong ước.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.