Đưa người bệnh trở về từ "cửa tử"

.

Việc gia tăng bệnh nhân đột quỵ và trẻ hóa độ tuổi đột quỵ đang là áp lực lớn đối với các cơ sở y tế nói chung và lực lượng y, bác sĩ nói riêng trên địa bàn thành phố. Với mong muốn cứu được nhiều bệnh nhân, bác sĩ Phạm Như Thông (sinh năm 1986, quê Quảng Nam), Phó trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng không chỉ tận tâm chữa trị cho người bệnh mà còn có nhiều đóng góp trong công tác điều trị đột quỵ.

Bác sĩ Phạm Như Thông (phải) đang hướng dẫn cho các sinh viên thực tập tại khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: N.H
Bác sĩ Phạm Như Thông (phải) đang hướng dẫn cho các sinh viên thực tập tại khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: N.H

Chiều 20-2, Khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng vẫn khá đông người đến khám, chữa bệnh. Tranh thủ vài phút ngắn ngủi trong giờ nghỉ, bác sĩ Phạm Như Thông có những trải lòng về công việc đang theo đuổi. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Huế, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, cuối tháng 12-2013, bác sĩ Thông được phân công công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng theo diện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố (Đề án 922).

Lúc đó, bệnh viện vẫn chưa có Khoa Đột quỵ riêng nhưng để mở đường cho việc hướng tới thành lập khoa riêng biệt, đơn vị đã tổ chức đưa bác sĩ đi đào tạo. Sau khi được cử đi học chuyên sâu về bệnh lý đột quỵ và siêu âm Doppler xuyên sọ tại Bệnh viện Nhân dân 115 (Thành phố Hồ Chí Minh), bác sĩ Thông tiếp tục cùng các y bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đẩy mạnh và cải thiện công tác điều trị đột quỵ nhồi máu não cấp, giúp tăng số lượng bệnh nhân phục hồi và quay lại cuộc sống bình thường từ liệu pháp này.

Nhằm tăng cường liên kết bác sĩ đột quỵ, bác sĩ cấp cứu, can thiệp mạch não trong công tác chẩn đoán điều trị bệnh nhân đột quỵ cấp, bác sĩ Thông còn đề xuất thành lập Đội đột quỵ (nằm trong Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc) và sau đó nâng lên thành Đơn vị đột quỵ với quy mô lớn hơn. Đơn vị Đột quỵ không ngừng cải tiến quy trình điều trị, giảm bớt các thủ tục, áp dụng sáng kiến cải tiến “túi đột quỵ” giúp rút ngắn bớt thời gian điều trị thuốc tiêu sợi huyết rTPA. Túi này luôn có đầy đủ thiết bị, dụng cụ, thuốc tiêu sợi huyết kèm theo đó là bảng thông tin bệnh nhân, kết quả CT mạch máu não.

Đến tháng 4-2019, Khoa Đột quỵ được thành lập, bác sĩ Thông chuyển về công tác tại khoa cho đến nay. Với vai trò là Phó trưởng khoa, bác sĩ Thông không ngừng trau dồi chuyên môn, tham gia tư vấn giáo dục sức khỏe trên truyền hình, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới tại Quảng Nam, Đà Nẵng; khám sức khỏe, cấp cứu khẩn các bệnh nhân đột quỵ ngoài giờ hành chính, hội chẩn trong và ngoài bệnh viện...

Gần 20 năm trong nghề, anh đã trực tiếp tham gia điều trị cho nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nặng trở lại cuộc sống bình thường. Song các bệnh nhân trở về từ cửa tử và may mắn quay lại cuộc sống bình thường không thể nào quên anh. Chị Nguyễn T.T. (sinh năm 1972, làm việc tại một khách sạn trên địa bàn quận Sơn Trà), một trong những bệnh nhân được bác sĩ Thông điều trị thành công, chia sẻ: “Lúc tôi chuẩn bị đi làm thì thấy chóng mặt rồi bị liệt nửa người, nói khó. Tôi được đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng và bác sĩ Thông trực tiếp điều trị cho tôi. Trong thời gian tôi nằm viện, bác sĩ thường xuyên kiểm tra diễn tiến bệnh tình. Chỉ một thời gian ngắn, tôi hồi phục và trở lại làm việc bình thường. Với tôi, bác sĩ Thông là một ân nhân lớn”.

Từ thực tiễn khám chữa bệnh, bác sĩ Thông cho biết, hằng năm đều có nghiên cứu nhằm cải thiện công tác điều trị đột quỵ. Hiện bác sĩ Thông tập trung nghiên cứu điều trị đối với các bệnh nhân đột quỵ xuất huyết thân não nặng, bởi theo bác sĩ xuất huyết thân não thường khiến bệnh nhân liệt tứ chi, nằm liệt giường… rất đáng thương; đồng thời triển khai đề tài đánh giá về nhồi máu não tuần hoàn sâu. Ngoài ra, khoa đang triển khai tác động can thiệp cộng đồng. Bản thân bác sĩ Thông sẽ đến các trung tâm y tế các phường, quận để tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm xử lý bệnh nhân đột quỵ, kịp thời đưa lên tuyến trên tranh thủ “thời gian vàng” trong điều trị đột quỵ.

“Bước chân vào ngành y, ban đầu có thể còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ở bất kỳ vị trí nào được phân công tôi làm việc bằng trách nhiệm, lương tri và quan trọng đúng với sở thích của mình, nên luôn hài lòng khi lựa chọn ngành này. Tôi mong muốn cứu được nhiều bệnh nhân đột quỵ nặng, thấy họ và người nhà vỡ òa niềm vui khi qua được cửa tử, lòng cũng rộn ràng theo”, bác sĩ Thông chia sẻ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.