Gia tăng bệnh nhân đột quỵ

.

Thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân bị đột quỵ nhập viện cấp cứu, điều trị gia tăng tại các cơ sở y tế. Thời tiết trở lạnh kết hợp với thói quen sử dụng bia, rượu, chất kích thích dịp lễ, Tết là nguyên nhân chính cho tình trạng này. Điều đáng báo động, tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ chiếm tỷ lệ ngày càng tăng. Nhân viên y tế khuyến cáo nhóm đối tượng này cần có biện pháp phòng, tránh để không gây ra những hậu quả nặng nề về sau.

Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc, điều trị bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: PHAN CHUNG

Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng vừa tiếp nhận cấp cứu, điều trị bệnh nhân D.Q.A. (57 tuổi, trú quận Thanh Khê), nhập viện trong tình trạng hôn mê, miệng ú ớ không nói nên lời. Bệnh nhân A. có tiền sử tiểu đường, cao huyết áp và duy trì thói quen tập thể dục buổi sáng trong nhiều năm qua. Những ngày sau Tết Nguyên đán, thời tiết trở lạnh đột ngột, bệnh nhân A. vẫn đều đặn đi tập thể dục và sau đó người mệt mỏi, xuất hiện các triệu chứng nghi đột quỵ. Người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu và được chuyển đến Khoa Đột quỵ điều trị ngay sau đó. Sau 1 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân đã tiến triển, hồi phục khoảng 60% theo nhận định của bác sĩ. Tuy nhiên, để bệnh nhân hồi phục hoàn toàn cần thời gian và phải điều chỉnh thói quen sinh hoạt nếu không muốn tái phát.

Nặng hơn là tình trạng T.K.S. (40 tuổi, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). Sáng ngủ dậy, S. thấy đầu đau dữ dội, chóng mặt, tay chân yếu dần không thể cầm nắm, miệng ú ớ và sau đó rơi vào hôn mê. Bệnh nhân S. được người nhà đưa đi cấp cứu và kết luận bị đột quỵ. Hiện bệnh nhân đang hôn mê, não sưng phù và đã được các bác sĩ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để đánh tan cục máu đông trên não. Người nhà bệnh nhân chia sẻ, trước đến nay sức khỏe S. hoàn toàn bình thường. Thời điểm trước, trong, sau Tết Nguyên đán bệnh nhân có sử dụng nhiều bia, rượu do tham gia tiệc tất niên, tân niên, tuy nhiên cũng không thấy dấu hiệu gì bất thường.

Theo thống kê, hiện Khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng đang tiếp nhận, điều trị 100 bệnh nhân bị đột quỵ ở mọi lứa tuổi. Bác sĩ Dương Quang Hải, Phó trưởng Khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trong 1 tháng qua, đơn vị tiếp nhận, điều trị hơn 400 bệnh nhân đột quỵ. Đây là con số đáng báo động, bởi không chỉ bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền mới bị đột quỵ mà rất nhiều người trẻ đã mắc bệnh này.

“Một trong những nguyên nhân khiến người trẻ mắc đột quỵ chính là thói quen sinh hoạt, đặc biệt là lạm dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá trong các bữa tiệc hiện nay. Nếu bệnh nhân được phát hiện và chuyển viện kịp thời trong giờ vàng thì khả năng hồi phục còn cao. Ngược lại, bệnh nhân được phát hiện, can thiệp muộn sẽ gây ra các tổn thương não, liệt tay, chân, khó vận động, thậm chí tử vong”, bác sĩ Hải khuyến cáo.

Đột quỵ là cơn tai biến xảy ra đột ngột, gây liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ thể do gián đoạn cung cấp máu tới mạch máu não. Trước khi khởi phát, đột quỵ đã có một quá trình diễn biến âm thầm, kéo dài từ biến chứng của xơ vữa động mạch gây thiếu máu não. Khi mảng xơ vữa ngày càng dày, bong ra, kết hợp với các yếu tố hình thành cục huyết khối (máu đông) kẹt lại trong nhiều mạch máu não gây tắc, vỡ mạch dẫn đến đột quỵ. Bên cạnh đó, đột quỵ đặc biệt nguy hiểm đối với người lớn tuổi mắc các bệnh nền như huyết áp, đái tháo đường. Nếu duy trì các thói quen sinh hoạt như sử dụng rượu, bia, đi lại trong thời tiết giá lạnh sẽ khiến người bệnh bị rối loạn nhịp tim, khó thở, đánh trống ngực…dễ dẫn đến thuyên tắc mạch.

Để phòng, chống đột quỵ, theo khuyến cáo của bác sĩ, cần duy trì, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt phù hợp như tăng cường sử dụng rau, củ, quả, hạn chế đồ béo, đồ ăn nhiều dầu mỡ, không sử dụng các chất kích thích, duy trì thói quen đi ngủ sớm, thức dậy đúng giờ. Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có nguy cơ mắc các bệnh nền cần chủ động kiểm tra sức khỏe để loại trừ các nguy cơ. Tập thể dục ở mức độ phù hợp với bản thân để nâng cao sức khỏe, cải thiện tim mạch. Tuy nhiên, nếu thời tiết trở lạnh, cần tập thể dục ở trong nhà thoáng và ấm, không nên tập ngoài trời. Khi có nhu cầu ra ngoài nhà cần mặc đủ ấm, đội mũ, đeo găng tay…

“Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý, khi thấy người thân xuất hiện các dấu hiệu như đột ngột rối loạn ngôn ngữ (không nói được hoặc ú ớ, kích thích la hét), yếu tay, yếu chân cùng một bên, méo miệng, đột ngột hôn mê và rối loạn ý thức… cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để khám, cấp cứu. “Giờ vàng” cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ chỉ kéo dài khoảng 4 đến 5 giờ. Nếu người bệnh được can thiệp, điều trị càng sớm so với thời gian trên, tỷ lệ hồi phục càng cao và ngược lại”, bác sĩ Hải cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.