Gỡ khó cho ngành y tế: Bài 3: Loay hoay đào tạo, giữ chân nhân viên y tế

.

Các chính sách thu hút, đãi ngộ và chi trả cho nhân viên y tế hiện nay là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu bác sĩ tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở y tế được giao nhiệm vụ tự chủ, việc giữ chân nhân viên y tế càng khó khăn hơn khi các nguồn thu ngoài ngân sách không ổn định.

Các chính sách ưu đãi vẫn chưa đủ sức giữ chân các nhân viên y tế. Ảnh: P.C
Các chính sách ưu đãi vẫn chưa đủ sức giữ chân các nhân viên y tế. Ảnh: P.C

Nghỉ việc vì thu nhập thấp

Bác sĩ T.V.Q. làm việc tại một trung tâm y tế quận trên địa bàn thành phố vừa nộp đơn xin nghỉ việc vì thu nhập thấp. Theo chia sẻ của bác sĩ Q., sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành răng - hàm -mặt, chị được tuyển dụng vào một cơ sở y tế hạng 2. Mức thu nhập hiện nay của bác sĩ Q. dao động 4,2 - 4,5 triệu đồng. “Đây là tất cả mức thu nhập chính theo quy định của Nhà nước. Với mức thu nhập này mình rất khó để duy trì cuộc sống, cống hiến”, bác sĩ Q. chia sẻ. Xuất phát từ lý do đó, sau một thời gian làm việc tại trung tâm y tế quận để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định, chị Q. có nguyện vọng nghỉ việc để chuyển sang làm việc cho một cơ sở y tế tư nhân.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2020-2022 toàn ngành y tế có đến 270 bác sĩ nghỉ việc và nghỉ hưu nhưng chỉ tuyển dụng được 236 bác sĩ, trong đó có 54 bác sĩ được tuyển về Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, 21 bác sĩ cho Bệnh viện Đà Nẵng, 26 bác sĩ về Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Đây là thực tế và cũng là xu hướng khi nhân viên y tế chỉ “đầu quân” cho các đơn vị tự chủ, đơn vị tuyến thành phố hơn là các đơn vị tuyến cơ sở, bệnh viện chuyên khoa. Điều này có nguy cơ làm mất cân đối cơ cấu nhân lực theo lĩnh vực chuyên sâu và theo tuyến đơn vị. Chưa kể, số bác sĩ nghỉ hưu, nghỉ việc đã có kinh nghiệm dày dặn, trình độ cao, còn bác sĩ mới tuyển dụng phải kinh qua 18 tháng được đào tạo thực hành mới đủ điều kiện ban đầu để hành nghề.

Là một đơn vị đang cố gắng chuyển mình để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh nhưng những năm qua, Trung tâm Y tế quận Thanh Khê cũng đang “đau đầu” về việc tuyển dụng, giữ chân bác sĩ. “Chế độ dành cho nhân viên y tế còn quá thấp. Một bác sĩ phải mất 6 năm đào tạo, sau khi ra trường phải học thêm các lớp khác như: chuyên khoa định hướng, chứng chỉ hành nghề mới có thể trực tiếp làm việc nhưng mức lương chỉ trên dưới 4 triệu.

Chúng tôi phải vận dụng các nguồn để tăng thu nhập cho nhân viên, tạm hiểu là thu nhập tăng thêm. Nhưng khoản này lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn dịch vụ thu hút khám, chữa bệnh. Mà cơ sở y tế tuyến quận, huyện hiện nay cũng đang chịu sự dịch chuyển bệnh nhân rất lớn nếu không được đầu tư bài bản, đồng bộ”, bác sĩ Võ Duy Trinh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, cho biết.

Theo chia sẻ của một lãnh đạo bệnh viện, tổng chi phí thường xuyên giao tự chủ của một cơ sở y tế gồm các khoản như: chi tiền lương, tiền công, phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật, nghiệp vụ chuyên môn, chi hoạt động... Với cách xác định mức chi hoạt động thường xuyên như trên, đơn vị rất khó khăn trong việc tiết kiệm chi thường xuyên. Từ đó, không có thặng dư để trích lập các quỹ và chi thu nhập tăng thêm cho người lao động.

“Đơn cử như chi hoạt động chỉ được cấp 20 triệu/giường bệnh/năm. Với định mức này vừa sử dụng cho điều trị và chi hành chính thì không bảo đảm. Đơn vị cắt giảm nhiều nội dung để bảo đảm kinh phí hoạt động như: tập huấn, hội nghị, đào tạo nâng cao tay nghề, mua sắm bàn ghế, thiết bị công cụ dụng cụ văn phòng… Trong khi kinh phí chi hoạt động cho các cơ sở y tế tại một số địa phương khác lại rất cao, như Quảng Nam 65 triệu/giường bệnh/năm; Vĩnh Phúc 160 triệu/giường bệnh/năm; Quảng Ninh 106 triệu/giường bệnh/năm…”, lãnh đạo này chia sẻ.

Nhiều chính sách chưa phù hợp

Bác sĩ Lê Thị Hòa, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế, nhìn nhận, nhân lực ngành y tế Đà Nẵng, đặc biệt là bác sĩ đã và đang dịch chuyển sang hệ thống tư nhân trong và ngoài thành phố. Nhiều đơn vị không tuyển được số lượng bác sĩ cần thiết cho nhu cầu hoạt động. Liên quan đến chính sách cho nhân viên y tế hiện nay, theo bác sĩ Hòa, về mặt vĩ mô, khách quan, chế độ chính sách tiền lương còn thực hiện ở chế độ cào bằng, tương đối trong khi yêu cầu về trình độ nhân lực đầu vào ngày càng cao.

“Đơn cử như đối với bác sĩ vì thời gian đào tạo kéo dài hơn so với các ngành nghề khác (6 năm), sau ra trường phải thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề, trong quá trình hành nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức ngắn hạn và dài hạn với kinh phí khá cao... Trong khi đó, mức lương khởi điểm của các chức danh chuyên môn y tế có yêu cầu trình độ đại học đều được thực hiện như các ngành nghề khác, theo mức bậc 1, hệ số 2,34 x mức lương cơ sở”, bác sĩ Hòa cho biết.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế chưa được tính toán đầy đủ chi phí trong giá dịch vụ y tế, đặc biệt chưa cơ cấu chi phí đào tạo, bồi dưỡng, dẫn đến khó khăn trong bố trí kinh phí cũng như khuyến khích cán bộ y tế đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.

Theo bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế, việc thu hút các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ về công tác tại tuyến y tế cơ sở và các đơn vị y tế không giường bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Sở Y tế đã đề xuất, xây dựng và trình UBND thành phố phê duyệt một số đề án để thu hút, phát triển nhân lực y tế và thực hiện chuyển giao kỹ thuật y tế cho tuyến cơ sở, bước đầu có kết quả nhưng vẫn còn hạn chế.

“Nguyên nhân cơ bản do nghề y là một nghề đặc biệt và yêu cầu phải thường xuyên cập nhật kiến thức. Môi trường y tế công lập và ngoài công lập có chế độ làm việc, tiền lương quá chênh lệch. Chế độ tiền lương và chế độ ưu đãi thường xuyên của hệ thống công không tương xứng và bảo đảm nhu cầu cơ bản cuộc sống hiện nay. Nguồn nhân lực chất lượng cao những năm gần đây có xu hướng đi vào hệ thống ngoài công lập. Trong khi môi trường làm việc tại các cơ sở y tế công lập đa số đều trong tình trạng quá tải bệnh nhân gây nhiều áp lực cho nhân viên y tế, thiếu thời gian nghỉ ngơi, chế độ tiền lương và phụ cấp không được cải thiện tương xứng. Đặc biệt, trong và sau giai đoạn phòng, chống Covid-19 căng thẳng thì áp lực đó càng gia tăng nhiều hơn”, bác sĩ Trình chia sẻ.

Ngoài ra, giai đoạn phục hồi sau Covid-19, công tác đấu thầu, mua sắm, đầu tư trong lĩnh vực y tế vẫn chưa được tháo gỡ dẫn đến môi trường hành nghề trong khu vực công không đầy đủ trang thiết bị, vật tư tiêu hao. Bác sĩ khó có thể triển khai những kiến thức đã được đào tạo hoặc các kỹ thuật mới trong quá trình hành nghề.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.