Trước những khó khăn, thách thức khách quan và chủ quan, ngành y tế đang chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân theo nhiệm vụ được giao. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, xung quanh vấn đề này.
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đang được đặt ra để phát triển ngành y tế xứng tầm khu vực. TRONG ẢNH: Người dân chờ khám tại Bệnh viện đa khoa huyện Hòa Vang. Ảnh: P.C |
* Giảm tải bệnh viện, câu chuyện cũ nhưng đang rất thời sự. Ngành y tế đã triển khai những giải pháp nào để giảm tải bệnh viện, thưa bác sĩ?
- Trên cơ sở kế hoạch giảm quá tải bệnh viện đến năm 2025 của UBND thành phố, ngành y tế đã chủ động phát triển mạng lưới vệ tinh, bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ tiên tiến một cách thuận lợi, hiệu quả.
Cụ thể, hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh trong nội bộ thành phố, trong đó xây dựng bệnh viện quận, huyện làm vệ tinh cho các bệnh viện hạng 1 (là các bệnh viện hạt nhân) trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở ưu tiên tập trung cho các chuyên khoa đang quá tải trầm trọng; qua đó, từng bước giảm số lượng bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên tuyến trên.
Đẩy mạnh hoạt động y tế dự phòng, trong đó tập trung chủ yếu cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tăng cường công tác quản lý hệ thống phòng bệnh toàn thành phố, thực hiện phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng xây dựng Đề án phòng khám bác sĩ gia đình, lồng ghép với các cơ sở y tế sẵn có để tăng cường năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân và gia đình. Ngoài ra, chỉ tiêu giường bệnh tại các cơ sở y tế tiếp tục cân đối tăng chỉ tiêu và đề xuất chỉ tiêu cho năm 2023, nhất là tại một số bệnh viện lớn của thành phố.
* Trước tình trạng nhiều cơ sở y tế đã xuống cấp thì có bảo đảm được chất lượng điều trị và hoàn thiện mục tiêu giảm tải hay không?
- Những năm qua, UBND thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp, xây mới nhiều cơ sở y tế. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay đã có 36/56 trạm y tế xã, phường được đầu tư, nâng cấp, trong đó có 34 trạm đã hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng, 11 trạm đang trong giai đoạn đầu tư sắp tới. Các dự án tuyến thành phố cũng được đầu tư như: Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đà Nẵng (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư hơn 292 tỷ đồng; Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình với tổng mức đầu tư hơn 471 tỷ đồng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt; Bệnh viện Y học cổ truyền… cũng vừa đưa vào sử dụng trong năm 2022.
Đối với tuyến quận, huyện, các dự án trung tâm y tế đã được phê duyệt, một số dự án đang trong giai đoạn triển khai, có dự án như Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã đưa vào sử dụng. Riêng dự án Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn đã được thông qua với kinh phí hơn 545 tỷ đồng từ ngân sách thành phố trong giai đoạn chờ đầu tư, xây mới…
* Chưa bao giờ bài toán nhân lực cho ngành y tế lại khó khăn, thách thức như hiện nay. Cần làm gì để thu hút, giữ chân nhân viên y tế, thưa bác sĩ?
- Trong 2 năm qua, số lượng bác sĩ tuyển vào thấp hơn số bác sĩ nghỉ hưu theo chế độ và nghỉ việc. Có rất nhiều vị trí việc làm tuyển không ra bác sĩ, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chuyên môn của đơn vị. Thực tế này do nhiều nguyên nhân và để khắc phục, giữ chân được nhân viên y tế, trước hết cần nghiên cứu có chính sách riêng, đặc thù đối với cán bộ y tế.
Cụ thể, cần ban hành các chính sách hỗ trợ về tài chính, hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ y tế công tác tại tuyến y tế cơ sở và y tế dự phòng. Bởi đây là những đơn vị sự nghiệp không có thu hoặc tự chủ một phần, nên việc phân bổ kinh phí cho công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn rất hạn chế.
Cần xem xét chế độ tiền lương khởi điểm đối với bác sĩ vì thời gian đào tạo kéo dài hơn so với các ngành nghề khác, sau ra trường phải thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề, trong quá trình hành nghề phải thường xuyên cập nhật kiến thức ngắn hạn và dài hạn với kinh phí khá cao. Các chính sách hỗ trợ phụ cấp đặc thù cho nhân lực y tế đối với một số lĩnh vực, đơn vị đặc thù, khó khăn thu hút nhân lực, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề… cần được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, thành phố cần tiếp tục quan tâm đến việc giữ chân và phát triển đội ngũ nhân lực ngành y tế trong giai đoạn chờ các chính sách của Trung ương cho ngành y tế phù hợp với ngành nghề có tính chất đặc thù cao. Trước mắt là động viên kịp thời giai đoạn phục hồi sau Covid-19.
* Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!
PHAN CHUNG thực hiện