Y tế - Sức khỏe

Đột phá cấy ghép tế bào gốc tự thân điều trị các bệnh lý ác tính

14:27, 12/04/2023 (GMT+7)

Sau nhiều năm chuẩn bị, lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhân đa u tủy xương. Đây là bước tiến mới trong việc làm chủ kỹ thuật y tế chuyên sâu, mở ra hướng đi mới và hy vọng chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân mắc các bệnh lý ác tính.

Lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhân. (Ảnh do Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp)
Lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhân. (Ảnh do Bệnh viện Đà Nẵng cung cấp)

Trường hợp đầu tiên thực hiện thành công ca cấy ghép tế bào gốc tự thân là bệnh nhân Lê Thị C. (57 tuổi, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Bệnh nhân C. nhập Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng thiếu máu kéo dài, đau xương. Các bác sĩ tại Khoa Ngoại thần kinh đã tiến hành cắt bỏ khối u vùng lưng, sau đó gửi xét nghiệm sinh thiết khối u và được chẩn đoán đa u tủy xương giai đoạn 3. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp - Huyết học lâm sàng, chỉ định điều trị hóa chất và ghép tủy.

Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa và hội chẩn ngoại viện với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, lãnh đạo Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành ghép tủy bằng phương pháp tế bào gốc tự thân cho bệnh nhân C. Sau ghép, người bệnh tiếp tục được theo dõi sát, chăm sóc tích cực trong khu vực vô trùng. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, ăn uống, đi lại bình thường và có thể xuất viện.

Được biết, từ năm 2019, Bệnh viện Đà Nẵng bắt đầu cử e-kip bác sĩ Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp - Huyết học lâm sàng đi học, tiếp nhận kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc tự thân tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Bác sĩ Trần Thị Thanh Hương  (Khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp - Huyết học lâm sàng), người trực tiếp thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân cho biết, tế bào gốc là loại tế bào đặc biệt với khả năng tự đổi mới và biệt hóa thành các loại tế bào có các chức năng khác nhau trong cơ thể.

Các loại tế bào gốc có thể giúp bổ sung, thay thế, sửa chữa những tế bào già yếu hoặc bị tổn thương, với nhiều loại tế bào gốc khác nhau. Để có thể ghép tế bào gốc tự thân, trước đó người bệnh phải tiếp tục điều trị 4-5 đợt hóa chất, qua xét nghiệm kiểm tra, đánh giá lui bệnh hoàn toàn và sau đó được gạn tách tế bào gốc và truyền lại vào lại cơ thể bằng đường truyền tĩnh mạch. “Khó khăn được đặt ra đối với bệnh nhân là giảm miễn dịch, nhiễm siêu vi làm máu giảm liên tục không hồi phục. Chính vì thế, bệnh nhân phải được theo dõi điều trị sát sao một thời gian dài để máu phục hồi rồi mới thực hiện ghép.

Để thực hiện được ca ghép thành công, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật được chuyển giao, trang thiết bị máy móc, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ của các khoa như: Nội thần kinh - Cơ xương khớp - Huyết học lâm sàng; Kiểm soát nhiễm khuẩn, Dinh dưỡng, Dược, Hồi sức tích cực - chống độc, Chẩn đoán hình ảnh…”, bác sĩ Hương cho biết.

Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là phương pháp lấy tế bào gốc của chính người bệnh ghép lại cho người bệnh. Các tế bào gốc hỗ trợ và giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm phòng tránh những biến chứng đe dọa tính mạng. Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân được chỉ định điều trị cho các bệnh bạch cầu, hội chứng tăng sinh tủy, bệnh đa u tủy, bệnh bạch cầu, ung thư tinh hoàn…

“Việc Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tủy bằng tế bào gốc tự thân là một bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị, thể hiện trình độ chuyên môn của các bác sĩ đã và đang làm chủ các kỹ thuật chuyên sâu, mở ra hướng đi mới và hy vọng chữa khỏi bệnh cho người bệnh mắc các bệnh lý ác tính”, bác sĩ Nhân cho biết.

Bác sĩ Trương Văn Trình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, định hướng phát triển của ngành y tế thành phố trong nhiều năm qua là đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu, trong đó tập trung đào tạo, làm chủ các kỹ thuật y tế chuyên sâu, giúp ngành y tế thành phố trở thành trung tâm điều trị, chăm sóc sức khỏe hàng đầu khu vực.

“Việc Bệnh viện Đà Nẵng triển khai thành công kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc tự thân là tiền đề quan trọng để phát triển, áp dụng rộng rãi kỹ thuật này, giúp bệnh nhân miền Trung rút ngắn được khoảng cách, chi phí điều trị ở các nơi khác. Bên cạnh đó, việc UBND thành phố đầu tư xây dựng Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc sẽ giúp bệnh nhân trong tương lai có thể tiếp cận dịch vụ điều trị tốt hơn, giảm thiểu các rủi ro và tác động xấu đến sức khỏe của bệnh nhân”, bác sĩ Trình cho biết.

PHAN CHUNG

.