Y tế - Sức khỏe

Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ

09:01, 19/05/2023 (GMT+7)

Để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm được triển khai đến các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại các chợ truyền thống. Đây là một trong những hoạt động của Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm giai đoạn 1 thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030 tại thành phố Đà Nẵng, với mục tiêu giúp người dân truy xuất thực phẩm từ tận trang trại nuôi trồng đến bàn ăn.

Ban Quản lý ATTP thành phố vừa phối hợp Ban quản lý chợ quận Sơn Trà tổ chức tập huấn về công tác truy xuất nguồn gốc cho hơn 100 tiểu thương kinh doanh, buôn bán thực phẩm tại chợ An Hải Bắc. Đây là những tiểu thương kinh doanh các loại thực phẩm như: các thịt, nem, chả, dịch vụ ăn uống và hàng rau, củ, hải sản tại chợ.

Theo ông Phạm Tấn Thành, Trưởng ban quản lý chợ quận Sơn Trà, hoạt động này hỗ trợ thiết thực cho địa phương trong mục tiêu hướng đến xây dựng và duy trì các chợ bảo đảm ATTP theo kế hoạch của thành phố.

“Ngoài việc đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, phân loại các khu vực kinh doanh thực phẩm để tránh lây nhiễm chéo, các hoạt động nâng cao nhận thức cho tiểu thương trong việc bảo đảm ATTP cũng cần được triển khai. Việc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm là hoạt động cần thiết để phân loại, xác định rõ nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, tạo an toàn và niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Thành cho biết.

Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh thực phẩm tại các chợ truyền thống chịu áp lực lớn từ người tiêu dùng, nhất là vấn đề nguồn gốc, chất lượng thực phẩm luôn là dấu hỏi. Điều này trực tiếp gây khó khăn cho các tiểu thương trong việc kinh doanh, buôn bán các mặt hàng thực phẩm.

“Người tiêu dùng luôn mong muốn có được thông tin minh bạch, chính xác về nguồn gốc cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa. Nhiều sản phẩm thực sự chất lượng nhưng nguồn gốc không được kiểm chứng, hay nói cách khác chưa tạo được niềm tin với khách hàng, nên việc phân phối đến tay người tiêu dùng cũng rất khó khăn. Chưa kể, hiện nay có tình trạng gian lận về nguồn gốc thực phẩm, thành phần nguyên liệu, quy trình sản xuất gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng và người phân phối trung gian là chúng tôi cũng bị ảnh hưởng khi lỡ tiêu thụ những sản phẩm này”, tiểu thương Lê Thị Hoài, kinh doanh thực phẩm tại chợ An Hải Bắc chia sẻ.

Theo kế hoạch, từ tháng 4 đến tháng 8, Ban quản lý ATTP thành phố sẽ tập huấn, hướng dẫn việc truy xuất nguồn gốc cho hơn 700 tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại các chợ như: Đống Đa (quận Hải Châu), An Hải Bắc (quận Sơn Trà), Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), Phú Lộc (quận Thanh Khê), Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ), Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), Túy Loan (huyện Hòa Vang). Theo đánh giá, chợ truyền thống là nơi tiêu dùng thực phẩm chủ yếu của người dân, nguồn hàng nhập vào chợ từ nhiều nguồn khác nhau.

Việc biết rõ về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, độ minh bạch thông tin của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng là điều hết sức cần thiết. Để thực hiện được việc này, các tiểu thương cần nắm rõ những nội dung về ATTP, các tiêu chí đánh giá chợ bảo đảm ATTP, hướng dẫn triển khai ứng dụng “DaNang City Food” và hướng dẫn cách tải, đăng ký và đăng nhập ứng dụng để cập nhật thông tin cơ sở, sản phẩm và quy trình, đánh giá và phản ánh.

Ứng dụng này giúp tra cứu sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, đánh giá chất lượng thực phẩm, bình chọn dịch vụ đồng thời cảnh báo hoặc tố giác các vụ việc có nguy cơ mất ATTP đến cơ quan chức năng thông qua hệ thống quản lý.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý ATTP thành phố cho biết, truy xuất nguồn gốc thực phẩm là thao tác cần thiết và tất yếu trong bối cảnh hiện nay, khi sự cạnh tranh về hàng hóa xuất khẩu ra thế giới và hàng hóa thế giới nhập vào Việt Nam đòi hỏi phải ngày càng phải nâng cao chất lượng, kiểm soát chặt chẽ mọi khâu của quá trình.

Điều này đáp ứng được yêu cầu của thị trường cũng như khách hàng, đó là giải quyết vấn đề giả mạo chuỗi cung ứng thực phẩm, tăng tính minh bạch của sản phẩm và quan trọng nhất là đạt được niềm tin của người tiêu dùng thông qua xác định và thu hồi các sản phẩm không an toàn.

“Thông qua truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm thực phẩm sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin từ khâu đầu vào bao gồm loại giống, con giống sử dụng, loại thuốc bảo vệ thực vật, mức dùng; nơi sản xuất, quy trình sản xuất; khâu sơ chế, chế biến; khâu phân phối, bán buôn đến khâu tiêu dùng, bán lẻ. Chợ truyền thống là kênh cung cấp thực phẩm chủ lực của người dân, vì vậy nguồn gốc thực phẩm cần được minh bạch, rõ ràng để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng một cách bền vững”, ông Hải cho biết.

PHAN CHUNG

.