Kiểm soát an toàn thực phẩm mùa du lịch

.

Thời điểm nắng nóng, hoạt động du lịch vào mùa, vì thế công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân, du khách nên cẩn trọng, chủ động lựa chọn các dịch vụ ăn uống có đăng ký kinh doanh rõ ràng, có nguồn gốc, xuất xứ.

Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống đặt lên hàng đầu. Ảnh: XUÂN DŨNG
Vấn đề an toàn thực phẩm luôn được các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống đặt lên hàng đầu. Ảnh: XUÂN DŨNG

Là địa phương tập trung nhiều cơ sở lưu trú, hoạt động du lịch, những năm qua, quận Sơn Trà triển khai nhiều hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, ngay từ đầu năm, UBND quận đã đặc biệt quan tâm hoạt động tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các đơn vị đã đề ra kế hoạch tăng cường tuyên truyền thực hiện có trọng tâm, trọng điểm theo từng nhóm đối tượng và trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao vai trò của các cơ quan chức năng, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra được các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm. Lực lượng chức năng tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; hồ sơ theo dõi chất lượng sản phẩm, quy trình đảm bảo thực phẩm tươi sống, chất lượng hàng hóa; nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận sức khỏe đối với chủ cơ sở và người sản xuất, kinh doanh; quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; nguồn nước để chế biến thức ăn...

“Đặc biệt, quận yêu cầu các địa phương phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Các nội dung chủ yếu là tiếp tục cảnh báo các nguy cơ mất an toàn thực phẩm, xử lý ngộ độc, thực hành trong suốt quá trình chế biến, kinh doanh. Ngoài ra, nhóm đối tượng là chủ cơ sở nhà hàng, khách sạn, quán ăn phục vụ du khách cũng được quan tâm, quán triệt nhiều nội dung liên quan đến vấn đề này”, ông Hùng cho biết.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng là vấn đề được các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn quận đặc biệt quan tâm. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc vận hành khách sạn Fussion Suites, đây có thể được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu để nhận diện và khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp. Nếu để xảy ra sự cố liên quan đến an toàn thực phẩm thì hoạt động kinh doanh của cơ sở sẽ bị tác động rất lớn.

“Thực phẩm đưa vào sử dụng tại khách sạn chúng tôi được kiểm tra kỹ càng ngay từ khâu cung ứng sản phẩm đầu vào, bảo quản, chế biến, đến khâu lưu mẫu thức ăn. Tất cả đều phải bảo đảm an toàn là trên hết để du khách có thể an tâm về sức khỏe của mình”, ông Hải chia sẻ.

Sau khi Covid-19 được kiểm soát, số lượng khách du lịch đến Đà Nẵng cao và nhu cầu về thực phẩm phục vụ khách rất lớn, vì vậy vấn đề an toàn thực phẩm là hết sức cấp thiết và cần được kiểm soát chặt chẽ hơn. Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, để bảo đảm bữa ăn an toàn, đặc biệt là tạo dựng môi trường du lịch văn minh, sạch đẹp cũng như an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân, du khách, đơn vị xây dựng nhiều kế hoạch tuyên truyền, thanh, kiểm tra hướng đến nhóm đối tượng là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Ông Nguyễn Phú Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý An toàn thực phẩm số 2, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho biết, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đều đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm.

“Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn đã thực hiện khá tốt các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm. Khi kiểm tra, chúng tôi cũng đã đề nghị các cơ sở phải luôn chủ động, tăng cường thực hiện các yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định”, ông Phúc cho biết.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, để tạo môi trường ăn uống an toàn phục vụ du khách cũng như người dân, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố phối hợp Sở Du lịch và các địa phương tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, cải thiện khu vực chế biến thức ăn, cử nhân viên tham gia các lớp tập huấn an toàn thực phẩm trong các khâu; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các quy định liên quan cũng như mức xử lý vi phạm…

“Ngoài công tác thanh kiểm tra, tổ chức tuyên truyền, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân, du khách trong việc chọn lựa, sử dụng các dịch vụ ăn uống. Hiện nay việc mua bán thực phẩm online bùng nổ, các quán ăn vỉa hè cũng thu hút thực khách. Tuy nhiên, những loại hình kinh doanh này vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Vì vậy, người dân, du khách cần chủ động, kỹ lưỡng trong việc sử dụng dịch vụ để bảo đảm an toàn sức khỏe bản thân”, ông Hải nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.