Y tế - Sức khỏe
Tiềm ẩn rủi ro từ cơ sở làm đẹp trái phép
Mặc dù cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, xử lý nhưng vẫn xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở làm đẹp trái phép. Thực tế này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân. Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập.
Nhiều cơ sở làm đẹp không đủ điều kiện hoạt động vẫn thực hiện các kỹ thuật xâm lấn cho khách hàng. TRONG ẢNH: Nhân viên cơ sở thẩm mỹ Kangzin làm đẹp trái quy định cho khách. Ảnh: P.C |
Bài 1: Không đủ điều kiện vẫn hoạt động
Mới đây nhất, lực lượng Công an quận Thanh Khê phát hiện hàng loạt lỗi vi phạm xảy ra tại cơ sở thẩm mỹ Kangzin (địa chỉ 368 đường Hùng Vương, quận Thanh Khê). Đây chỉ là một trong số rất nhiều cơ sở làm đẹp đã bị kiểm tra, phát hiện sai phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều mà dư luận băn khoăn là tại sao những cơ sở này vẫn hoạt động trong suốt thời gian qua?
Không xuất trình đủ giấy tờ theo quy định
Qua làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở thẩm mỹ Kangzin không xuất trình các loại giấy tờ pháp lý đủ điều kiện hoạt động của cơ sở thẩm mỹ như: giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh; văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ do Sở Y tế cấp; hợp đồng thu gom rác thải nguy hại và sổ giao nhận rác thải nguy hại với công ty thu gom; chứng chỉ hành nghề của nhân viên làm việc tại cơ sở. Bên cạnh đó, lực lượng công an ghi nhận cơ sở không trang bị thùng rác chuyên dụng có nắp đậy tại khu vực cung cấp dịch vụ; không trang bị, bố trí thùng rác chuyên dụng để thu gom, lưu trữ rác thải nguy hại; vứt rác thải y tế cùng rác thải sinh hoạt trên vỉa hè trước cơ sở kinh doanh.
Ngoài ra, cơ sở không xuất trình các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hơn 200 sản phẩm vật tư y tế, dung dịch chất làm đầy, dụng cụ cắt bao quy đầu. Đặc biệt, cơ quan công an phát hiện nhân viên cơ sở này là bà T.T.T đang thực hiện cung cấp dịch vụ phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho một khách hàng. Qua làm việc, bà T. cho biết, chỉ là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở và không có bất cứ chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nào.
Trước đó, UBND thành phố đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 80 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 12 tháng đối với cơ sở làm đẹp do Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Jollie.D Việt Nam, Chi nhánh Đà Nẵng (địa chỉ 90 Hoàng Văn Thụ, phường Phước Ninh, quận Hải Châu) làm chủ. Nguyên nhân do cơ sở này cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Tương tự, chủ cơ sở thẩm mỹ Calla Beauty Clinic Academy (49/11 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu) cũng bị phạt 125 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 18 tháng do cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đồng thời quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Hơn 50% cơ sở vi phạm qua kiểm tra liên ngành
Theo ông Nguyễn Tuấn Việt, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế, để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch vụ thẩm mỹ, sở đã phối hợp các đơn vị thành lập đoàn kiểm tra liên ngành 40 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn thành phố theo kế hoạch. Điều đáng nói 22/40 cơ sở này đều vi phạm các quy định pháp luật trong hành nghề, bị xử phạt tổng số tiền hơn 860 triệu đồng. Trong đó, UBND thành phố ban hành 6 quyết định với số tiền hơn 480 triệu đồng, Chánh Thanh tra Sở Y tế ban hành 16 quyết định xử phạt với số tiền hơn 382 triệu đồng. Qua công tác kiểm tra cho thấy, một số cơ sở chưa thực hiện thủ tục thủ tục tự công bố đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, nhiều cơ sở có thực hiện thủ tục nhưng còn chậm và thực hiện dịch vụ quá phạm vi cho phép của cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
“Những vi phạm chủ yếu khi kiểm tra là các cơ sở hoạt động khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện gửi về cơ quan Nhà nước; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”, ông Việt cho biết.
Điều đáng nói, quá trình kiểm tra lực lượng chức năng cũng phát hiện các cơ sở dịch vụ làm đẹp đã sử dụng thuốc, các hóa chất, thiết bị để thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, tiêm, bơm vào các bộ phận trên cơ thể như: da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng… trong khi những cơ sở này không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ.
“Đối với những cơ sở thiếu các thủ tục pháp lý, chúng tôi tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện thủ tục tự công bố đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo quy định. Ngoài ra, ngành y tế cũng đề nghị công an quận, phòng y tế quận phối hợp theo dõi, giám sát việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở vi phạm, đặc biệt là đối với các cơ sở bị đình chỉ hoạt động”, ông Việt cho biết thêm.
PHAN CHUNG