Trong những năm qua, ngành y tế thành phố không ngừng xây dựng, đổi mới theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu với nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến được triển khai, áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu, chiến lược chuyển đổi số theo lộ trình do Chính phủ, UBND thành phố đề ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả. Đây là những tiền đề hết sức quan trọng để ngành y tế hoàn thiện, nâng cao chất lượng trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hướng đến xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu trong khu vực.
Ngành y tế thành phố hướng đến xây dựng, phát triển trở thành trung tâm y tế chuyên sâu. TRONG ẢNH: Chăm sóc, điều trị bệnh nhân ung thư bằng kỹ thuật mới tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Theo kế hoạch phát triển chuyên môn, thời gian qua có nhiều kỹ thuật, phương pháp mới, nhiều công nghệ y tế được ứng dụng triển khai tại các đơn vị trong toàn ngành. Các cơ sở y tế xem đây là mục tiêu, động lực phát triển hằng năm của đơn vị. Đơn cử như tại Bệnh viện Đà Nẵng, đơn vị đã triển khai kỹ thuật xét nghiệm đột biến gen; cử e-kip tham gia học ghép gan; chuyển giao kỹ thuật với Viện Huyết học truyền máu Trung ương để triển khai kỹ thuật ghép tế bào tự thân. Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng triển khai kỹ thuật nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng cầm máu bằng kẹp clip đơn vị hồi sức cấp cứu và chống độc; phẫu thuật tạo hình khe hở môi bẩm sinh một bên bằng phương pháp Fisher; phẫu thuật thắt ống động mạch ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ…
Tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, đơn vị triển khai nội soi trung thất chẩn đoán; ghép tế bào gốc tạo máu tự thân; xạ trị áp sát ung thư vùng đầu mặt cổ; phẫu thuật tạo hình khuyết da âm hộ bằng vạt có cuống, thủ thuật Leep… Bên cạnh đó, thông qua Đề án Bệnh viện vệ tinh, các cơ sở y tế tuyến quận, huyện cũng tiến tới áp dụng, làm chủ nhiều kỹ thuật mới. Trong đó, đáng chú ý là Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đã có thể tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo đáp ứng được nhu cầu của người dân tại địa phương, thu hút người bệnh đến khám bệnh ngày càng tăng, góp phần giảm tải cho tuyến trên.
Triển khai kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Để góp phần nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người dân, công tác cải cách hành chính trở thành mục tiêu thường xuyên. Các cơ sở y tế đã không ngừng cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Đặc biệt, ngành y tế đã ban hành các kế hoạch về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trở thành hoạt động thi đua trong toàn ngành. Các dự án công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế đã và đang triển khai như: Đề án y tế thông minh, hồ sơ sức khỏe công dân và chăm sóc sức khỏe qua mạng; kê đơn thuốc điện tử; thực hiện công tác làm sạch dữ liệu tiêm chủng và tổ chức ký số hộ chiếu vắc-xin…
Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, trong năm 2022, ngành y tế đã hoàn thành tiêu chí 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội được sử dụng báo cáo điện tử và được kết nối, tích hợp, chia sẻ, được phân tích để phục vụ chỉ đạo, điều hành. Ngoài ra, mỗi người dân có thể giám sát hành trình xe cứu thương trên ứng dụng di động, được bác sĩ theo dõi, tư vấn khi được vận chuyển trên xe cứu thương. 100% các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu năm 2022 đạt 25% theo kế hoạch…
Dựa trên năng lực hiện có và sự định hướng, đầu tư cũng như quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, trong tương lai, ngành y tế thành phố tiếp tục hoàn thiện, phát triển trở thành trung tâm y tế hàng đầu khu vực. Hiện ngành đang tổng hợp, lấy ý kiến các đơn vị trực thuộc về xây dựng, triển khai Đề án Trung tâm y tế chuyên sâu. “Việc xây dựng các mục tiêu trong đề án luôn theo hướng định lượng cụ thể, thực hiện được, khả thi, phù hợp trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhưng chủ yếu cần tập trung từ nay đến năm 2030.
Các mục tiêu đề ra đều liên quan đến phát triển về hạng bệnh viện cũng như các sản phẩm kỹ thuật y tế chuyên sâu của mỗi đơn vị cho mỗi chuyên khoa sâu, trong đó tập trung triệt để các giải pháp về nghiên cứu và ứng dụng; giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; giải pháp về nhân lực cũng như phát triển chuyên môn các kỹ thuật chuyên sâu, cung ứng các dịch vụ chuyên sâu, chất lượng cao. Đề án có sự đồng hành, tham gia của các đơn vị trên cơ sở chủ động rà soát, định hướng phát triển chuyên sâu có tính chất mũi nhọn của mình”, bác sĩ Thủy cho biết.
PHAN CHUNG