* Hơn mười năm trở lại đây, Hội Đông y Việt Nam có chủ trương tổ chức kỷ niệm ngày thành lập hội vào ngày 22-8-1946. Trong khi vài thập niên trước, hội vẫn lấy ngày 10-12-1957 làm ngày thành lập Hội Đông y Việt Nam. Vậy, trong hai cột mốc cách nhau đến 11 năm đó, đâu là ngày phù hợp với lịch sử Hội Đông y Việt Nam? (Nguyễn Mai, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Hai đặc san – tạp chí có bài viết khẳng định ngày thành lập Hội Đông y Việt Nam là 10-12-1957. Ảnh: P.C.T |
- Hội Đông y Việt Nam được thành lập vào năm 1957 theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và ngành y tế. Sau khi thành lập Vụ Đông y và Viện Nghiên cứu Đông y, việc thành lập Hội Đông y để thực hiện 3 mục tiêu công tác (thống nhất ngành Đông y; đoàn kết trong ngành và đoàn kết giữa Đông y và Tây y; khoa học hóa Đông y và phối hợp Đông Tây y), như phát biểu của Bộ trưởng Y tế - BS. Hoàng Tích Trí tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Đông y Việt Nam ngày 10-12-1957 (theo Đặc san - Tạp chí Y học Cổ truyền Việt Nam số 283-284 năm 1997, tr.55).
Theo lương y Phan Công Tuấn, Chủ tịch Hội Dược liệu thành phố Đà Nẵng, những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước tạp chí nói trên đều ra số báo đặc biệt kỷ niệm ngày thành lập Hội Đông y 10-12-1957. Đó là ngày diễn ra Đại hội lần thứ I thành lập Hội Đông y Việt Nam.
Năm 2002, Tập san Thông tin Đông y Đà Nẵng ra số đặc biệt (4-2002) nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Đông y Việt Nam (10-12-1957 - 10-12-2022); chào mừng Đại hội Hội Đông y thành phố Đà Nẵng khóa V (2002-2027), lễ mãn khóa lớp chuẩn hóa Lương y quốc gia tại Đà Nẵng. Mở đầu bài viết của mình trong tập san này, TTƯT-BS Hồ Quảng Vân, Ủy viên Trung ương Hội Đông y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông y Đà Nẵng khẳng định: “Ngày 10-12-1957 là ngày thành lập Hội Đông y Việt Nam, theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ I của hội. Ngày đó đã trở thành cái mốc lịch sử của Y học Cổ truyền Việt Nam”.
Đến năm 2011, Điều lệ (sửa đổi) Hội Đông y Việt Nam đã chỉnh sửa lại nội dung: “Ngày 22-8-1946 tại Nghị định số 337NV/DC của Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hội Nghiên cứu Nam dược, sau đổi tên là Hội Đông y cứu quốc. Sau kháng chiến chống thực Pháp thành công, ngày 3-6-1957 Bộ Nội vụ ban hành Nghị định 399-NV-DC-NĐ cho phép thành lập Hội Đông y Việt Nam”. Khoản 4, Điều 4 của điều lệ này viết: “Hội Đông y Việt Nam lấy ngày 22-8 hằng năm là ngày truyền thống của Hội”. Nghĩa là ngày thành lập Hội Đông y đã lùi từ ngày 10-12-1957 đến ngày 22-8-1946.
Theo lý giải của lương y Phan Công Tuấn, Hội Nghiên cứu Nam dược do Hội trưởng Nguyễn Can Mộng làm chủ bút tập san Nho Y nghiên cứu (Tòa soạn 75 Hàng Bồ) là cơ quan bảo tồn Khổng học và khảo cứu Đông y, nên không thể xem Hội Nghiên cứu Nam dược là tiền thân của Hội Đông y Việt Nam bởi tôn chỉ, phương châm, mục đích có khác nhau.
Việt Nam Dân Quốc Công Báo ra ngày thứ Bảy, 7-9-1946 có đăng: “Theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 22-8-1946: Hội Việt Nam y đoàn, trụ sở ở 75 phố Hàng Bồ, Hà Nội, nay được phép đổi tên là Nghiên cứu nam dược Hội và hoạt động theo thể lệ đã ấn định trong sắc lệnh số 52 ngày 22-4-1946 và theo điều lệ mới sửa đổi lại đính theo nghị định này. Điều lệ cũ của Việt Nam y đoàn thì nay hủy bỏ”.
Nghị định của Bộ Nội vụ ngày 22-8-1946 chỉ cho phép đổi tên Hội Việt Nam y đoàn thành Hội Nghiên cứu Nam dược, chứ không phải nghị định cho thành lập Hội Nghiên cứu Nam dược như nhiều người lầm tưởng. Vì vậy, việc cho rằng Hội Nghiên cứu Nam dược là tiền thân của Hội Đông y Việt Nam và chọn ngày 22-8-1946 làm ngày thành lập hay ngày truyền thống của Hội Đông y Việt Nam là hoàn toàn không có căn cứ.
ĐNCT