Bác sỹ Công huân Nga muốn hợp tác chữa trị ung thư với Việt Nam

.

Theo bác sỹ Moiseenko, Trung tâm Ung thư Napalkova hợp tác với các bệnh viện u bướu ở Việt Nam 5 năm qua và sẵn sàng tiếp nhận để điều trị cho các bệnh nhân Việt Nam song chỉ theo hình thức trả tiền.

Bác sỹ Công huân Liên bang Nga Vladimir Moiseenko. (Ảnh: TTXVN)
Bác sỹ Công huân Liên bang Nga Vladimir Moiseenko. (Ảnh: TTXVN)

Trong chuyến công tác tới thành phố St. Petersburg, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi cởi mở và thú vị với Bác sỹ Công huân Liên bang Nga Vladimir Moiseenko, Giáo sư, Viện sỹ Thông tấn Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Giám đốc Trung tâm Ung thư mang tên Napalkova về căn bệnh ung thư và hướng hợp tác với Việt Nam.

Trung tâm Ung thư mang tên Napalkova là một trong những trung tâm chẩn đoán và chữa trị ung thư hàng đầu của Liên bang Nga với trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi ngày tại Trung tâm tiến hành hơn 40 ca phẫu thuật cũng như trị xạ cho 350 bệnh nhân.

Theo bác sỹ Moiseenko, ở bất kể nước nào hiện nay căn bệnh ung thư đều phát triển, mà đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Việc chữa trị ung thư phụ thuộc vào giai đoạn phát triển của chúng và điều quan trọng nhất là cần tập trung phát hiện sớm các khối u.

Do Liên bang Nga đang tích cực theo đuổi chương trình phát hiện sớm nên khoảng hơn 50% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Nếu để đến giai đoạn cuối thì chủ yếu chỉ có thể kéo dài cuộc sống hoặc đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Đề cập tới các phương thức điều trị ung thư mới, bác sỹ Moiseenko đã nêu phương pháp tế bào lympho xâm nhập khối u (TIL). Ngoại ra tại Trung tâm của ông cũng đang phát triển phương pháp trị liệu bằng quang động (PDT), phương pháp dùng vaccine tiêu diệt khối u của Viện Ung thư mang tên Petrov ở gần đó.

Ông Moiseenko cũng đề cập đến phương pháp điều trị gọi là trao đổi chất, theo đó nếu tước đi một số “thực phẩm," hoặc có những tác động vật lý nhất định thông qua các bài thể dục, tế bào ung thư sẽ cảm thấy “không thoải mái” và không phát triển nữa.

Ông Moiseenko cho biết Trung tâm của ông chưa ứng dụng phương pháp này trong thực tế song đây là hướng đi rất hứa hẹn.

Theo bác sỹ Moiseenko, Trung tâm của ông đang điều trị cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối để họ vẫn có thể “vẫn sống hạnh phúc, làm việc và cả sinh con." Vì nói chung y học ngày này đã có rất nhiều tiến bộ.

Ông cũng cho rằng bác sỹ tâm lý nên cần đồng hành với bệnh nhân và gia đình họ do bệnh nhân và gia đình thường hay bị tổn thương, khủng hoảng tinh thần trong khi bác sỹ điều trị ung thư không có đủ thời gian để trò chuyện hay đưa ra những lời khuyên tâm lý.

Cũng theo ông Moiseenko, mỗi bệnh nhân ung thư cần được chẩn đoán, phân tích tỉ mỉ để có thế đưa ra phác đồ điều trị riêng, phù hợp.

Trung tâm Ung thư Napalkova sẵn sàng tiếp nhận để điều trị cho các bệnh nhân Việt Nam song chỉ theo hình thức trả tiền. Ông cũng cho biết đã 5 năm qua Trung tâm hợp tác với các bệnh viện u bướu ở Việt Nam. Phương pháp hợp tác rất hiệu quả là cùng nhau trao đổi, bàn luận cách chữa trị cho những bệnh nhân cụ thể.

Ông Moiseenko bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với các bác sỹ chuyên khoa Việt Nam thông qua phương thức này, cụ thể như có thể hợp tác tư vấn từ xa trong các ca phẫu thuật.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.