Bảo đảm kinh phí mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng

.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 224/NQ-CP về việc bảo đảm kinh phí mua sắm vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trẻ tiêm vaccine tại Trạm y tế phường Trường Thọ (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: TTXVN
Trẻ tiêm vắc-xin tại Trạm y tế phường Trường Thọ (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ảnh minh họa: TTXVN

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: Bố trí ngân sách nhà nước năm 2024 bảo đảm thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó, ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Chính phủ giao Bộ Y tế khẩn trương tổ chức mua vắc-xin tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định của pháp luật; việc quản lý, sử dụng vắc-xin bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo nguồn vắc-xin tiêm chủng cho trẻ em.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền giao dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 cho Bộ Y tế để mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đúng quy định.

Trước đó, tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 15/12/2023, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong giai đoạn năm 2016-2022, Chương trình tiêm mở rộng được bố trí kinh phí mua vắc-xin từ nguồn Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Ngoài ra, còn có nguồn mua vắc-xin được hỗ trợ, viện trợ từ tổ chức GAVI và các tổ chức nước ngoài khác. vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ em.

Gần đây, sự hỗ trợ nguồn lực từ GAVI và các tổ chức quốc tế có sự chuyển dịch cách thức hỗ trợ do Việt Nam nằm ngoài danh sách các nước có thu nhập thấp nên một số loại vắc-xin viện trợ cần phải đối ứng sau khi tiếp nhận.

Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 10-7-2023, Quyết định số 931/QĐ-TTg ngày 5-8-2023 giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc-xin.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Y tế, do thực hiện theo các quy định của pháp luật và thực hiện mua vắc-xin theo hình thức đặt hàng (quy trình gồm 9 bước), mất thời gian nên đã xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin trên quy mô toàn quốc.

Để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu vắc-xin này, Bộ Y tế cho biết, đơn vị đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu sửa đổi Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016, trong đó cho phép bố trí ngân sách Trung ương để Bộ Y tế đảm bảo kinh phí mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian tiếp theo.

Theo đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), liên quan việc mua sắm vắc-xin theo đơn đặt hàng (nhập khẩu), với trách nhiệm của Bộ Y tế, trong năm 2023, đơn vị này đang làm việc với Bộ Tài chính để xây dựng giá mua vắc-xin phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, để đáp ứng ngay nhu cầu vắc-xin trong năm 2024.

Tuy nhiên, hiện tại, thời gian cung ứng vắc-xin không đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Vì vậy, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết tiếp tục cho phép thực hiện mua sắm vắc-xin này từ ngân sách của năm 2023 và sử dụng ngân sách của năm 2024 để chi trả mua vắc-xin này của năm 2023.

Trong thời gian triển khai các thủ tục mua vắc-xin, Bộ Y tế cho biết, sẽ rà soát nguồn vắc-xin, tích cực làm việc với các nhà tài trợ trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.