Sau thời gian thi công, mua sắm trang thiết bị, hôm nay (27-2), Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh chấn thương và bỏng tạo hình tại Bệnh viện Đà Nẵng được đưa vào sử dụng. Đây là hai công trình y tế trọng điểm, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong quá trình thi công.
Việc đưa Trung tâm Phẫu thuật thần kinh chấn thương và bỏng tạo hình; Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc sẽ là bước tiến mới giúp ngành y tế thành phố phát triển theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu. TRONG ẢNH: Một ca phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc do chấn thương tủy sống được triển khai tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG |
Việc bàn giao và đưa vào sử dụng hai công trình này đánh dấu sự phát triển của ngành y tế, là đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu theo định hướng phát triển của thành phố. Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng để hiểu rõ thêm về công năng, hoạt động của hai trung tâm này.
* Bác sĩ có thể giới thiệu cơ cấu, tổ chức và các đơn vị trực thuộc hai trung tâm này?
- Khi đi vào hoạt động, Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc sẽ có các khoa như Ngoại lồng ngực; Ngoại tiết niệu; Ngoại tiêu hóa; các đơn vị ghép tế bào gốc; Phòng hồi sức; Phòng phẫu thuật gây mê; các phòng mổ ghép tạng; các trung tâm chẩn đoán hình ảnh phục vụ cho điều trị các bệnh nhân nội viện.
Đối với Trung tâm Phẫu thuật thần kinh chấn thương và bỏng tạo hình, đa phần là trung tâm chấn thương thần kinh, bỏng, tạo hình, phục hồi chức năng. Bệnh viện hình thành khối liên hoàn điều trị bệnh nhân chấn thương, gồm chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, gãy tay chân... Trong trung tâm này bệnh viện bố trí các khoa chấn thương chỉnh hình, khoa ngoại thần kinh, khu điều trị và khoa phục hồi chức năng. Ngoài ra, còn có hệ thống tiện ích phụ trợ như hệ thống dược cấp phát thuốc người bệnh, căng-tin, siêu thị...
* Bệnh viện sẽ triển khai việc ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc như thế nào, thưa bác sĩ?
- Đây là điều đáng quan tâm và chúng tôi đã tập trung đầu tư, chuẩn bị trong nhiều năm liền. Tại Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc, bệnh viện sẽ triển khai các đơn vị phòng mổ ghép tạng. Bệnh viện đã triển khai ghép thận thường quy, ghép tế bào gốc, cụ thể là ghép tủy xương trong điều trị chấn thương đốt sống cổ. Bên cạnh đó, bệnh viện đã triển khai cấy ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh lý về máu và phát triển trong tương lai. Về vấn đề này, trước đây bệnh viện làm theo số ca nhỏ lẻ. Nhưng khi chuyển vào thành một đơn vị chúng tôi sẽ mở rộng quy mô, số lượng, cũng như các đối tượng ghép. Ví dụ ghép các đối tượng có bệnh lý về máu ác tính và rất nhiều bệnh về huyết học khác. Bệnh viện sẽ triển khai khu ghép, đây là khu khép kín, hoàn toàn vô khuẩn, có đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác ghép, hồi sức, phục vụ lúc bệnh nhân hồi phục tủy.
Một vấn đề mang tính thời đại, có ý nghĩa xã hội mà bệnh viện hướng đến khi các hoạt động cấy ghép tạng được triển khai, đó là kết nối xã hội. Hiện nay tại khu vực miền Trung vấn đề truyền thông cũng như thực hiện cho hiến tạng khi chết não rất là hiếm. Đây là một trong những công việc mang lại ý nghĩa rất lớn cho người bệnh mà nhiều bệnh viện lớn đã làm được. Do đó, trong tương lai chúng tôi sẽ thành lập mạng lưới để hiến tạng, ghép tạng, cấy ghép mô. Để sẵn sàng cho việc này, ngoài chuyên môn, bệnh viện sẽ thành lập các hội đồng y đức, hội đồng đánh giá công tác chết não, các hội đồng pháp lý để cho, nhận các tình trạng bệnh nhân chết não như tai nạn giao thông, chấn thương đột ngột chết não. Nguồn tạng này sẽ phục vụ cho những bệnh nhân cần như bệnh nhân suy gan, thận, ghép gan, phổi...
* Đối với lĩnh vực chấn thương, bỏng tạo hình, việc hình thành khối liên hoàn điều trị bệnh nhân sẽ được triển khai như thế nào?
- Đó cũng chính là công năng, mục tiêu mà Trung tâm Phẫu thuật thần kinh chấn thương và bỏng tạo hình hướng đến. Rất nhiều dịch vụ mới hiện đại đưa vào hoạt động, như sử dụng công nghệ 3D vào chụp phim, chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ có cái nhìn đa chiều, chính xác. Bệnh viện cũng triển khai phẫu thuật chấn thương, bó bột dưới hướng dẫn của màn hình tăng sáng 3D; các phẫu thuật nội soi thay khớp kỹ thuật cao ít xâm lấn cũng được triển khai. Về thần kinh, bệnh viện tiếp tục triển khai một loạt các kỹ thuật. Ví dụ như triển khai định vị thần kinh trong phẫu thuật, giúp bệnh nhân định vị một cách chính xác hơn trong tổn thương; triển khai các vấn đề liên quan đến điện não video, giúp đánh giá, xác định vùng tổn thương của não trong phẫu thuật.
Hiện nay bệnh viện đã triển khai được kỹ thuật rất là khó, là triển khai phẫu thuật để điều trị động kinh thông qua các kỹ thuật, thiết bị như kính hiển vi, vi phẫu thuật, các hệ thống định vị. Sau phẫu thuật là phục hồi chức năng, một công đoạn nghĩ là đơn giản, nhưng thực tế rất khó và quan trọng đối với sự phục hồi của bệnh nhân. Nhiều trang thiết bị phục hồi chức năng theo các bệnh lý chấn thương thần kinh, phổi... cũng được lắp đặt, bổ sung để hỗ trợ bệnh nhân. Có thể nói, lâu nay bệnh viện có triển khai các kỹ thuật nhưng không đồng bộ, không có sự liên kết giữa các đơn vị, cơ sở. Khi đưa hai trung tâm vào hoạt động, bệnh viện sẽ tách một số khoa chuyên môn sâu, thành lập các đơn vị hỗ trợ chuyên môn tốt hơn, có điều kiện điều trị, chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.
Các khoa, phòng chức năng đang được Bệnh viện Đà Nẵng di dời để ổn định đưa vào hoạt động. TRONG ẢNH: Bên trong Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc. Ảnh: PHAN CHUNG |
* Nhân lực vẫn là yếu tố quyết định, bệnh viện chuẩn bị gì để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân?
- Vấn đề liên quan đến tính chuyên nghiệp trong công tác cấy ghép cũng như điều trị bệnh viện thành lập các ê-kíp, đào tạo liên hoàn. Hiện nay các e-kip của bệnh viện gồm 50-80 người đã được đào tạo theo từng phân kỳ. Có thể kể đến các ê kíp đánh giá bệnh nhân trước khi mổ; đánh giá chức năng tạng của bệnh nhân; gây mê; lấy gan; ghép gan; lấy mạch máu; ghép mạch máu; ê kíp liên quan hồi sức bệnh nhân sau mổ; dinh dưỡng; kiểm soát nhiễm khuẫn; phục hồi chức năng... Đây là kế hoạch quy mô, có yếu tố quyết định và đã được HĐND thành phố phê duyệt, thông qua đề án.
Công tác đào tạo được triển khai qua nhiều cách. Bệnh viện đang làm việc với Mayo Clinic (Hoa Kỳ) trong đào tạo chuyên môn các lĩnh vực như gây mê hồi sức, sinh học phân tử, nội khoa, phẫu thuật, dịch tễ học lâm sàng. Các học viên cũng tham gia nhiều lớp đào tạo tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Đức... Ở trong nước, nhân lực bệnh viện tham gia lớp đào tạo tại các cơ sở như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương. Để đáp ứng nhu cầu, bệnh viện đang có kế hoạch tuyển dụng, bổ sung nhân lực. Khi các khoa đi vào hoạt động, căn cứ trên nhu cầu việc làm, đơn vị sẽ đề xuất số lượng, vị trí. Dự kiến bệnh viện tuyển khoảng 150-200 nhân lực trong thời gian tới.
* Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!
PHAN CHUNG thực hiện