Cho em thơ nụ cười

.

Phẫu thuật tạo hình dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt cho bệnh nhi là lĩnh vực khó, không phải là sự lựa chọn phổ biến của nhân viên y tế nữ. Thế nhưng trong hơn 10 năm qua, “thủ lĩnh” tiên phong lĩnh vực này tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng lại là nữ bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt. Bằng cả tấm lòng, sự nhiệt tình, cùng bàn tay khéo léo của mình, bác sĩ Hà đã mang lại hạnh phúc cho rất nhiều bệnh nhi ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà (thứ 2, bên phải sang) đang thực hiện ca phẫu thuật tạo hình khe hở môi cho bệnh nhi. Ảnh: PHAN CHUNG
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà (thứ 2, bên phải sang) đang thực hiện ca phẫu thuật tạo hình khe hở môi cho bệnh nhi. Ảnh: PHAN CHUNG

Nỗi niềm, trăn trở

Năm 2010, bác sĩ Hà về công tác tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Thời điểm đó, việc phẫu thuật tạo hình dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt cho bệnh nhân vẫn chưa thực hiện được tại cơ sở y tế này. Nguyên nhân là trang thiết bị chưa đầy đủ, nguồn nhân lực y tế có tay nghề cũng chưa được đào tạo để đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, dị tật bẩm sinh sứt môi hở vòm đang dần trở nên phổ biến, số bệnh nhân đến khám, đăng ký phẫu thuật, điều trị ngày càng nhiều.

“Dị tật này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể do yếu tố di truyền; mẹ nhiễm virus cúm trong quá trình mang thai; 3 tháng đầu thai kỳ mẹ hút thuốc, sử dụng chất kích thích có cồn hoặc môi trường làm việc độc hại... Các cháu bé sinh ra khi bị dị tật sứt môi hở vòm rất thiệt thòi, không chỉ khó khăn trong ăn uống, giao tiếp mà đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý phát triển. Sự mặc cảm, tự ti, thậm chí ức chế sẽ khiến các cháu phát triển không bình thường, không phát huy hết những khả năng của bản thân”, bác sĩ Hà chia sẻ.

Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng thu hút nhiều bệnh nhân từ các địa phương khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, khu vực Tây Nguyên... đến điều trị bệnh. Nhìn những em bé sứt môi, hở vòm được bố mẹ, người thân đưa đến bệnh viện khám và cầu cứu các bác sĩ phẫu thuật ngày càng nhiều, bác sĩ Hà cùng các anh chị em trong khoa không khỏi tâm tư.

“Phần lớn đều là bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Nhiều trường hợp ở miền núi, người đồng bào dân tộc thiểu số khăn gói, dành dụm tiền bạc đi một quãng đường dài để xuống đây để khám, điều trị cho con. Vượt quá năng lực phẫu thuật, điều trị nên mình buộc phải chuyển viện cho họ đi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy là họ lại phải vượt tiếp một quãng đường dài nữa để thực hiện ước mơ chữa lành khiếm khuyết cho con. Ngày qua ngày chứng kiến cảnh đó thật không dễ chịu chút nào, lương tâm luôn day dứt”, bác sĩ Hà chia sẻ.

Trăn trở đó cũng chính là động lực để bác sĩ Hà cùng các nhân viên y tế Khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt tìm cách tiếp cận, học hỏi, tiến tới làm chủ kỹ thuật phẫu thuật tạo hình dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt. Cơ duyên thực sự đến khi chương trình hợp tác, chuyển giao kỹ thuật y khoa giữa Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng với sự hỗ trợ của tổ chức từ thiện Smile Train (Hoa Kỳ). Chương trình không chỉ đơn thuần là hoạt động y tế mà còn là cầu nối xã hội, cùng nhau kết nối những tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước, kịp thời sát cánh, chia sẻ với những khó khăn, bất hạnh của bệnh nhân.

Người được xem là “cha đẻ” của chương trình này thời điểm khoảng năm 2013 là bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, khi ấy là Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh), kiêm Chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Những chuyến trở về của bác sĩ Đẩu không chỉ chuyển giao kỹ thuật, trực tiếp phẫu thuật, giảng dạy, hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ tại đây mà còn mang theo cả hàng trăm tấm lòng của những người con xa quê, đôi khi chỉ là gói bánh, hộp sữa, áo quần hay một ít tiền mặt.

Những món quà ấy không nhiều nhưng chứa chan tình cảm của bao con người dù chưa một lần chạm mặt, nhưng cùng chung một nhịp đập chia sẻ, yêu thương. Chính những hoạt động chuyên môn kết hợp từ thiện nhân đạo trong chương trình phẫu thuật đã tác động rất lớn đến việc định hướng con đường phía trước của bác sĩ Hà. Bằng tâm huyết, sự ham học hỏi và đau đáu với bệnh nhân, trong suốt chương trình hợp tác, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, bác sĩ Hà trở thành “người kế nhiệm” của chương trình chuyển giao kỹ thuật lúc nào không hay.

Tấm lòng với bệnh nhân nghèo

Sau nhiều năm không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn, bác sĩ Hà trở thành bác sĩ phẫu thuật chính trong phẫu thuật tạo hình dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt cho bệnh nhi, trực tiếp phẫu thuật cho hơn 500 trẻ và tham gia e-kip phẫu thuật hơn 1.000 trẻ bị dị tật sứt môi hở vòm.

“Đây là một dạng dị tật cần phải tuân thủ quá trình điều trị toàn diện, việc can thiệp phẫu thuật được phân định theo từng lứa tuổi, gắn với những kỹ thuật phải thực hiện như phẫu thuật môi, vòm, can thiệp về ngôn ngữ, uốn hàm, chỉnh nha... Về mặt can thiệp, bác sĩ đồng hành với bệnh nhân từ khi lọt lòng được 1 tuần tuổi đến khi 18 tuổi với nhiều đợt phẫu thuật. Và một điều không kém phần quan trọng nữa đó là tư vấn, ổn định tâm lý cho bệnh nhân, động viên hướng dẫn người nhà đồng hành cùng con em mình trong suốt hành trình dài”, bác sĩ Hà cho biết.

Nhiều trường hợp khi siêu âm thai nhi lúc 16 tuần tuổi phát hiện ra dị tật đã hoảng hốt, lo lắng, thậm chí nghĩ quẩn không muốn giữ lại mầm sống của con mình. Những lúc đó, bác sĩ Hà lại vào vai của một chuyên gia tư vấn, đồng hành sát cánh cùng mẹ và bé trong nhiều tuần cho đến khi bé cất tiếng khóc chào đời.

Phần lớn bệnh nhân dị tật sứt môi hở vòm đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gia đình phải tích cóp một số tiền trong thời gian dài mới dám đưa con đi khám, điều trị khi đã muộn. Có những bệnh nhi là con em đồng bào dân tộc thiểu số, được bố mẹ đưa đến bệnh viện khám, điều trị chỉ với 1 bộ quần áo cũ đã rách và đôi dép mòn quai. Mặc dù chi phí phẫu thuật được các chương trình hợp tác hỗ trợ và quỹ bảo hiểm y tế thanh toán nhưng chi phí sinh hoạt, đi lại, lưu trú đều phải tự chi trả. Bác sĩ Hà chạy ngược xuôi kêu gọi, xin các nguồn tài trợ, thậm chí bỏ tiền túi để giúp các em. Bởi một bệnh nhân hoàn thành phác đồ điều trị dị tật này phải đi lại bệnh viện rất nhiều lần, tốn kém tiền của. Thời điểm Covid-19, do khó khăn về cách ly, đi lại nên có nhiều bệnh nhân khám, điều trị và lưu trú một thời gian dài trong bệnh viện.

Bác sĩ Hà cùng với Phòng Công tác xã hội của bệnh viện kêu gọi, tìm các mạnh thường quân chia sẻ cho bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này. “Phẫu thuật chưa phải là một kết quả điều trị toàn diện mà còn rất nhiều việc phải làm. Những đứa trẻ cần được chăm sóc toàn diện, bằng cả trách nhiệm của bác sĩ trong phẫu thuật, điều trị bệnh và sự chung tay của cả cộng đồng xã hội trong việc chia sẻ những khó khăn về vật chất, tinh thần”, bác sĩ Hà nói.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu cho biết, ông rất yên tâm và tự hào về bác sĩ Hà cùng các cộng sự tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng trong việc tiếp nhận chuyển giao tiến tới làm chủ kỹ thuật phẫu thuật tạo hình dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt cho bệnh nhi. “Là một người thầy, không gì hạnh phúc hơn khi các thế hệ học trò đã lĩnh hội được những gì mình truyền đạt. Nó không đơn thuần là kiến thức, là những kỹ thuật y khoa mà còn là sự lĩnh hội về mặt tinh thần, nhận thức hướng tới phục vụ người bệnh. Mỗi động tác, cử chỉ trong giao tiếp hay đường dao, mũi chỉ trong phẫu thuật đều chứa đựng tâm huyết, sự quyết tâm chữa lành thể chất, tinh thần cho bệnh nhân. Hà và các cộng sự của mình đã làm được điều đó”, bác sĩ Đẩu chia sẻ.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.