Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp lễ

.

ĐNO - Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chủ động tăng lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu người dân và du khách. Nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 và tổ chức xe diễu hành, tuyên truyền trên các tuyến phố. ẢNH: ĐVCC
Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024 và tổ chức xe diễu hành, tuyên truyền trên các tuyến phố. ẢNH: ĐVCC

Bảo đảm vệ sinh trong sản xuất, chế biến

Theo ghi nhận, trên địa bàn thành phố, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã lên kế hoạch chuẩn bị, dự trữ, bảo quản nguyên vật liệu để phục vụ người dân, du khách trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Tại chợ Cồn (quận Hải Châu), các loại thực phẩm chế biến sẵn bày bán được lực lượng chức năng kiểm tra ngẫu nhiên về chất phụ gia và phẩm màu theo quy định. Chị N.T.M.H, tiểu thương tại chợ Cồn cho biết: “Bán các mặt hàng ăn uống, mình phải bảo đảm VSATTP để bảo vệ sức khỏe cho của khách hàng. Dịp lễ 30-4 và 1-5, sẽ tăng nguồn thực phẩm phục vụ người dân và khách du lịch".

Anh T.H.P.H, quản lý nhà hàng C.N.V (quận Hải Châu) cho hay: “Kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống nên nhà hàng xác định bảo đảm VSATTP là yếu tố quan trọng hàng đầu. Từ khi thành lập đến nay được 4 năm, nhà hàng chưa để xảy ra trường hợp bị ngộ độc thực phẩm”. Tương tự, tại nhà hàng M.H (quận Sơn Trà), dự kiến dịp lễ này sẽ đón khoảng 400 khách, tăng gấp đôi so với ngày thường. Anh Đ.Q.H, quản lý nhà hàng cho biết: “Tất cả nguyên vật liệu đều được chọn lọc, truy xuất nguồn gốc kỹ càng. Bên cạnh đó, vệ sinh trong khâu chế biến cũng được quản lý chặt chẽ để bảo vệ sức khỏe của khách hàng”.

Song song với đó, vẫn còn tình trạng một số hàng quán vỉa hè, xe hàng rong bày bán các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh tại khu vực tập trung đông đúc khách du lịch, nhất là xung quanh các bãi biển và các địa điểm du lịch nổi tiếng. Anh N.P.L (quận Thanh Khê) cho biết: "Mỗi dịp lễ, gia đình tôi tổ chức tham quan, vui chơi tại một số khu du lịch ở địa phương. Năm nay, các hàng quán bán đồ ăn nhanh đã được quản lý, điều hành ngăn nắp hơn nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn lo ngại chất lượng thực phẩm liệu có được bảo đảm khi chế biến qua loa, không được che đậy cẩn thận".

Tăng cường kiểm tra, quản lý

Những ngày qua, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà tập trung rà soát, bố trí các kíp trực cấp cứu; tăng cường dự trữ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết, phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh dịp lễ, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà Dương Quốc Khánh, thời gian qua, trung tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định VSATTP trên địa bàn quận trước, trong và sau dịp lễ. Từ đầu năm đến nay, trung tâm phối hợp Phòng Y tế quận kiểm tra 115 cơ sở dịch vụ ăn uống; thẩm định, cấp mới/cấp lại chứng nhận VSATTP cho 31 cơ sở.

Giữa tháng 4 vừa qua, quận Hải Châu tổ chức diễu hành, tuyên truyền tháng hành động; chiến dịch bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau lễ. Ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hải Châu cho biết, thời gian tới, quận thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, xe bán hàng lưu động tại các phường Thuận Phước, Thạch Thang, Bình Hiên, Hải Châu I và Phước Ninh. Bên cạnh đó, rà soát thủ tục hành chính (Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe, hoá đơn chứng từ về nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm…); nguồn nước sử dụng, trang thiết bị dụng cụ, cách thức chế biến, vận chuyển và bày bán sản phẩm; lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trong trường hợp cần thiết. Đối với trường hợp vi phạm, quận sẽ xử lý nghiêm, đồng thời tạm đình chỉ nếu tái phạm hoặc không có biện pháp khắc phục khi có kết luận của đoàn kiểm tra.

BQL An toàn thực phẩm kiểm tra các mặt hàng tại chợ. ẢNH: ĐVCC
Ban Quản lý An toàn thực phẩm kiểm tra các mặt hàng tại chợ. ẢNH: ĐVCC

Trên địa bàn thành phố, hiện có hơn 8.000 nhà hàng, quán ăn hoạt động. Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã kiểm tra 421 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố. Qua đó, xử phạt hành chính 2 cơ sở vi phạm các quy định về kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng số tiền hơn 3 triệu đồng. Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố cho biết: “Dự kiến dịp lễ 30-4 và 1-5, lượng khách du lịch tăng cao. Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp các ban, ngành liên quan thường xuyên thanh tra những cơ sở sản xuất và chế biến lớn trên địa bàn, đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn, dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, tăng cường kiểm tra các lò mổ, quầy bán thịt, lương thực, thực phẩm tại các chợ để bảo đảm an toàn vệ sinh mùa cao điểm du lịch và nắng nóng. Đẩy mạnh tuyên truyền tiện ích ứng dụng “DaNang City Food” để người dân, khách du lịch tra cứu, lựa chọn nhà hàng, quán ăn uy tín và phản ánh các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm”.

KHÁNH NGÂN - KIM KHÁNH

 

;
;
.
.
.
.
.
Đồ ăn chó Thức ăn Ganador