Phòng ngừa bệnh mùa nắng nóng

.

Thời tiết nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là những người lao động thường xuyên làm việc ngoài trời. Theo các nhân viên y tế, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cẩn thận, phòng tránh nguy cơ chóng mặt, sốc nhiệt, đột quỵ... đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Theo khuyến cáo, người lao động ngoài trời chú ý chia thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tránh kiệt sức, sốc nhiệt do trời nắng nóng. Ảnh: K.N
Theo khuyến cáo, người lao động ngoài trời chú ý chia thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để tránh kiệt sức, sốc nhiệt do trời nắng nóng. Ảnh: K.N

Nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, người lao động. Dưới nắng nóng gay gắt những ngày qua, có thời điểm lên đến 41 độ C, nhiều người tránh nắng nóng bằng cách tìm đến các quán cà phê có máy lạnh để làm việc vào buổi trưa.

Nhiều phòng trọ thấp, sát nhau không có điều hòa khiến sinh viên, người dân tìm đủ cách tránh nóng, hạn chế ở trong phòng. Đối với những người buộc phải ra đường đều trang bị quần áo chống nắng, bịt kín khẩu trang, đeo kính tránh nắng.

Sinh viên N.T.V.H, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), cho biết: “Vì phòng trọ nhỏ và nóng nên học ở trường xong, tôi thường mua theo cơm và ghé vào quán cà phê có máy lạnh để ăn uống và làm bài tập đến chiều”. Còn anh H.V.M (quận Thanh Khê) than thở: “Công việc của tôi là đi giao hàng thông qua ứng dụng đặt đồ ăn nên phải chạy suốt ngoài đường. Buổi trưa và tối sau khi đi làm về, tôi thường ngồi các quán nước để tránh nóng đến 10 giờ đêm mới về ngủ”.

Theo khuyến cáo, để phòng nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ trong mùa nắng, người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài, không nên hoạt động thể lực quá mức vào những lúc nắng nóng. Thế nhưng, vì mưu sinh, nhiều người dân vẫn gồng mình làm việc dưới tiết trời nóng gay gắt. “Một ngày, tôi ở ngoài trời hơn 8 tiếng để dắt xe phục vụ khách. Trời nắng nóng hầm hập, nhưng vì công việc của mình nên phải cố. Có hôm mệt quá thì ngồi nghỉ vài phút rồi làm tiếp”, ông P.T.H (62 tuổi), nhân viên giữ xe tại quán cà phê A.G (quận Hải Châu) chia sẻ.

Đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê, bà N.T.H (trú phường An Khê) cho biết, bản thân có tiền sử cao huyết áp cộng thêm làm việc ở ngoài trời nên hay khó thở, chóng mặt. Vì bà có bệnh nền nên thấy cơ thể khó chịu, choáng váng là lo đi khám ngay chứ ở nhà tự uống thuốc sợ sẽ nguy hiểm.

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Khoa Nhi, Trung tâm Y tế quận Thanh Khê cho biết, tình trạng nắng nóng kéo dài dễ làm bùng phát các loại bệnh ở trẻ em. Ðể chủ động phòng bệnh mùa nắng, các bậc phụ huynh nên chú ý thói quen sử dụng máy lạnh. Theo đó, không để trẻ ở quá lâu trong môi trường điều hòa, nên duy trì khoảng 27 độ C.

“Người nhà tránh đưa trẻ đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh. Khi trẻ có các biểu hiện khác thường, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được nhân viên y tế khám và điều trị, không nên tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà. Thời tiết nắng nóng khiến trẻ ra mồ hôi nhiều, nên bổ sung lượng nước cần thiết, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như: các loại nước ép trái cây, nước cam tươi... giúp cơ thể trẻ luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để phòng ngừa bệnh tật”, bác sĩ Hà nói.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà Dương Quốc Khánh, để chủ động chống nóng cho người dân đến khám, chữa bệnh, trung tâm bố trí linh hoạt nguồn nhân lực tại những khoa có đông người bệnh trong các khung giờ cao điểm để hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Tại các khoa điều trị nội trú, bảo đảm các buồng, phòng đều có điều hòa, hệ thống quạt mát, nước uống đầy đủ... phục vụ chu đáo cho bệnh nhân.

Bác sĩ Dương Quang Hải, Phó trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, nhóm đối tượng nguy cơ cao dễ bị sốc nhiệt và đột quỵ trong thời tiết nắng nóng bao gồm: người cao tuổi, trẻ em, lao động ngoài trời, người có bệnh nền như: tim mạch, cao huyết áp... Với người thường xuyên di chuyển, cần mặc quần, áo chống nắng, che chắn kỹ để bảo vệ da. Đối với người lao động ngoài trời, cần chia thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh những lúc nắng nóng đỉnh điểm. Đồng thời, chú ý chế độ dinh dưỡng và uống đủ nước.

“Khi gặp vấn đề về sức khỏe do thời tiết, ở mức độ nhẹ, người nhà cần đưa bệnh nhân vào nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo, cho bệnh nhân uống nước từng ngụm nhỏ có bổ sung muối và khoáng chất; ở mức độ nặng, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu, chữa trị kịp thời. Những bệnh nhân có bệnh lý nền cần tuân thủ việc dùng thuốc, kiểm soát huyết áp, đường huyết theo đúng hướng dẫn”, bác sĩ Hải khuyến cáo.      

   TRIỀU SAN - BẢO NGUYÊN    

;
;
.
.
.
.
.