Trường học nỗ lực phòng, chống bệnh tay chân miệng

.

Bệnh tay chân miệng dễ xâm nhập vào trường học tạo thành dịch, đặc biệt là ở khối trường mầm non, tiểu học. Theo đó, công tác phòng, chống dịch bệnh được các đơn vị, trường học kiểm soát chặt chẽ, khống chế kịp thời, không để lây lan trên diện rộng.

Trường Mầm non Wonderland (quận Sơn Trà) khử khuẩn để phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ảnh: ĐVCC
Trường Mầm non Wonderland (quận Sơn Trà) khử khuẩn để phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Ảnh: ĐVCC

Diễn biến phức tạp

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, tính đến ngày 28-4, thành phố ghi nhận 334 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó tập trung nhiều ở một số địa phương như: quận Ngũ Hành Sơn (75 ca), quận Cẩm Lệ (58 ca), quận Hải Châu (49 ca), huyện Hòa Vang (51 ca). Đáng chú ý, hơn 4 tháng vừa qua, số ca mắc tay chân miệng được ghi nhận cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Sau khi nắm tình hình bệnh tay chân miệng xuất hiện trên địa bàn thành phố, các trường học tăng cường công tác truyền thông đến phụ huynh, học sinh qua nhiều kênh khác nhau. Bà Huỳnh Thị Thanh Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê) cho biết, tại buổi chào cờ đầu tuần, nhân viên y tế nhà trường tuyên truyền cho giáo viên, học sinh về biểu hiện, cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng, nhất là giữ gìn vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, nhà trường xây dựng video hướng dẫn cách phòng bệnh và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm mở cho học sinh xem trước giờ lên lớp, đồng thời gửi đến phụ huynh học sinh để cùng phối hợp.

Tính đến ngày 28-4, quận Sơn Trà ghi nhận 45 trường hợp mắc tay chân miệng. Tại Trường Mầm non Wonderland, các giáo viên tăng cường pha dung dịch khử khuẩn, lau sàn, bàn ghế, rửa đồ dùng, cốc uống nước của trẻ thường xuyên; theo dõi sức khỏe hằng ngày của học sinh. Trường hiện có 440 học sinh với 18 lớp học, theo đó, giáo viên tiến hành dọn vệ sinh toàn khuôn viên 2 lần/tuần để bảo đảm không gian thoáng mát, sạch sẽ cho học sinh vui chơi, sinh hoạt.

Đến thời điểm này, Trường Tiểu học Tiểu La (quận Sơn Trà) chưa có trường hợp học sinh nào bị tay chân miệng. Tuy nhiên, bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường tổ chức tổng dọn vệ sinh trường học để phòng, chống dịch. Ngoài ra, tăng cường chế độ dinh dưỡng, bổ sung nước trái cây và nhắc nhở học sinh uống nước thường xuyên. Trường hợp xác định học sinh có các biểu hiện nghi ngờ, nhà trường sẽ thông báo với gia đình để kịp thời đưa các em đi khám và điều trị, hạn chế tối đa lây lan bệnh ra cộng đồng và trong trường học.

Bà Hoàng Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Anh (quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, thời gian qua, ngoài dọn dẹp vệ sinh lớp học hằng ngày, giáo viên tăng cường tổng dọn vệ sinh toàn trường 2 lần/tuần để phòng dịch bệnh. Nhà trường giao nhiệm vụ cho các giáo viên đã được tập huấn, có kinh nghiệm nhận diện các dấu hiệu nghi ngờ ở trẻ túc trực tại cổng trường để kiểm tra đầu vào. Các trẻ có biểu hiện nghi ngờ như: nổi ban đỏ, mụn nước… ở lòng bàn tay, cánh tay, mặt và vòm miệng sẽ được hướng dẫn đến phòng y tế của trường để kiểm tra. 

Chủ động phòng bệnh

Tháng 4 vừa qua, huyện Hòa Vang ghi nhận 13 trường hợp mắc tay chân miệng, tập trung ở một số xã như: Hòa Nhơn (3 ca), Hòa Tiến (2 ca), Hòa Phong (2 ca)... Theo đó, huyện giám sát chặt chẽ tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch tay chân miệng, không để lan rộng, kéo dài tại cơ sở y tế, các hộ gia đình, trường học và cộng đồng. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp để người dân nhận biết, phát hiện, xử trí và chủ động phòng bệnh hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho biết, huyện tập trung kiểm tra công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các điểm trường mầm non trên địa bàn. Theo đó, 100% điểm trường xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ngay từ đầu năm học và lưu trữ hồ sơ đầy đủ; triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong phạm vi nhà trường và đến phụ huynh; công tác vệ sinh ngoại cảnh và đồ dùng cá nhân như: khăn, ly, chén, đồ chơi, bề mặt sàn nhà... bảo đảm đúng quy định. Hiện các điểm trường sử dụng dung dịch Cloramin B 25% và các chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh bề mặt, sàn nhà và đồ chơi của trẻ.

Trong tháng 4, quận Cẩm Lệ ghi nhận 18 ca mắc tay chân miệng. Trong đó, phường Hòa An (5 ca), Hòa Phát (5 ca), Hòa Xuân (4 ca)... Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ Trần Ngọc Duật, thời gian qua, trung tâm tăng cường phối hợp kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng đối với các cơ sở mầm non, nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, các trường tiểu học và nhất là cơ sở có học sinh bán trú. Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở trang bị xà phòng, dung dịch sát khuẩn tay; cung cấp nước uống sạch, an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; thường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

Theo bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, thời tiết chuyển mùa khiến bệnh tay chân miệng dễ gia tăng và bùng phát. “Các đơn vị cần chủ động tuyên truyền, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi ăn và sau khi vệ sinh; không cho trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng; cho trẻ ăn chín, uống chín và dùng riêng thìa, bát; thu gom, xử lý phân và chất thải của trẻ; thường xuyên vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, vật dụng bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn. Khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để theo dõi, điều trị; lưu ý không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh”, bác sĩ Hóa khuyến cáo.

KHÁNH NGÂN

;
;
.
.
.
.
.