Phòng, chống bệnh tay chân miệng trong dịp hè

.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết, đến ngày 30-6, thành phố ghi nhận 565 trường hợp mắc tay chân miệng, tập trung ở một số địa phương như: quận Ngũ Hành Sơn (109 ca), quận Hải Châu (74 ca), quận Cẩm Lệ (92 ca), quận Liên Chiểu (84 ca), huyện Hòa Vang (92 ca). Đáng chú ý, hơn 6 tháng qua, số ca mắc tay chân miệng được ghi nhận cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng đến khám và điều trị. Ảnh: K.N
Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng đến khám và điều trị. Ảnh: K.N

Thời gian qua, Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng liên tục tiếp nhận các bệnh nhân mắc tay chân miệng, trong đó, từ 20-6 đến nay, tiếp nhận 65 trường hợp mắc bệnh. Nhiều phụ huynh sau khi phát hiện sớm, đưa con đến khám, điều trị tại bệnh viện hiện nay đã ổn định sức khỏe. Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 10 - 20 trường hợp khám, 30 trường hợp điều trị nội trú bệnh tay chân miệng. Các bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng như: sốt cao, ngủ giật mình, cổ họng bị lở loét…

Bệnh diễn biến nhanh, có thể chuyển nặng trong vài giờ và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời. “Cha mẹ cần cho trẻ thực hiện ăn uống sạch, ở sạch, giữ vệ sinh tay chân sạch. Đặc biệt, khi trẻ có các triệu chứng như: sốt cao, quấy khóc, chảy nước bọt nhiều, nổi mụn ban… người nhà nên đưa đến cơ sở y tế khám, can thiệp kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà”, bác sĩ Thịnh chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC thành phố khuyến cáo, các đơn vị, địa phương và người dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong phòng, chống các dịch bệnh mùa hè, trong đó, có phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. “Thời gian qua, CDC thành phố chỉ đạo các trung tâm y tế quận, huyện chủ động tuyên truyền, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo đó, xử lý đúng quy trình, triệt để 100% ca bệnh, ổ dịch tay chân miệng; tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng để phòng, chống bệnh hiệu quả. Ngoài ra, đẩy mạnh triển khai tập huấn, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, lớp mẫu giáo công lập, tư thục, nhóm lớp độc lập, trường tiểu học các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, hỗ trợ các đơn vị xây dựng các tài liệu, phương tiện truyền thông phù hợp. Đối với các gia đình, khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để theo dõi, điều trị. Phụ huynh lưu ý không làm vỡ các nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh”, bác sĩ Hóa nói.

NGỌC QUỐC - KHÁNH NGÂN

;
;
.
.
.
.
.