Kết luận số 79-KL/TW - Động lực mới để Đà Nẵng tiếp tục phát triển - Bài 3: Đầu tư, nâng cao chất lượng ngành y tế

.

Nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế thành phố không ngừng xây dựng, đổi mới theo hướng đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu với nhiều kỹ thuật y tế tiên tiến được triển khai, áp dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Đây cũng là nội dung được Bộ Chính trị định hướng trong  Kết luận số 79-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngành y tế thành phố đầu tư, phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Ảnh: PHAN CHUNG
Ngành y tế thành phố đầu tư, phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Ảnh: PHAN CHUNG

Hệ thống y tế ngày càng hiện đại

Trong những năm qua, hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố được đầu tư, củng cố và hoàn thiện, phù hợp yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân ở tất cả các tuyến. Tính đến nay, thành phố có 1.076 cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động, trong đó có 96 cơ sở công lập, 1 bệnh xá, 56 trạm y tế phường, xã, 7 dịch vụ cấp cứu, vận chuyển người bệnh và 980 cơ sở y tế tư nhân. Sự nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở y tế đã góp phần quan trọng trong việc gia tăng số giường bệnh phục vụ người dân, giải quyết tình trạng quá tải ở các tuyến. Theo thống kê, đến nay số giường bệnh trên địa bàn thành phố ước đạt 74 giường bệnh/1 vạn dân, cao hơn 2 lần so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.

Cùng với việc hoàn thiện, phát triển đồng bộ hệ thống mạng lưới khám, chữa bệnh, ngành y tế và các cơ sở trực thuộc chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng. Sở Y tế tiếp tục triển khai hoạt động đánh giá chất lượng bệnh viện theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, đồng thời đưa chỉ tiêu chất lượng bệnh viện vào chỉ tiêu kế hoạch chung giao các đơn vị thực hiện hằng năm. Các bệnh viện không ngừng triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng như đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; điều chỉnh quy trình khám, chữa bệnh phù hợp, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh; chuẩn hóa quy trình chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường thái độ tiếp xúc của cán bộ y tế đối với người dân; tăng cường tiếp nhận và giải quyết phản ánh ý kiến của người dân qua đường dây nóng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý bệnh viện như triển khai hệ thống bệnh án điện tử, hệ thống quản lý chất lượng y tế, kiểm soát nhiễm khuẩn...

Việc tập trung đầu tư nguồn lực cho cơ sở y tế giúp phát triển hệ thống y tế đồng đều từ các tuyến. Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, các chính sách, chủ trương của thành phố thời gian qua đã phát huy vai trò của y tế tuyến quận, huyện. “Trong những năm qua, thành phố dành nhiều nguồn lực để đầu tư, nâng cấp trung tâm y tế tuyến quận, huyện. Điều này giải quyết được tình trạng quá tải, xuống cấp của hệ thống y tế đã được đầu tư, xây dựng nhiều năm trước. Ngoài ra, nghị quyết của HĐND thành phố cũng ban hành các chính sách thu hút, đào tạo và hỗ trợ nguồn nhân lực khi về làm việc tại đây. Điều này giúp thu hút, giữ chân nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế có chuyên môn ở lại làm việc, cống hiến”, bác sĩ Hưng cho biết.

Bên cạnh đó, ngoài hệ thống y tế công lập, hệ thống y tế tư nhân cũng đang được đầu tư, phát triển. Theo bác sĩ Trương Nguyễn Thoại Nhân, Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, các chủ trương, chính sách của thành phố thời gian qua tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống y tế tư nhân phát triển. “Đó là các chính sách về bảo hiểm xã hội, sự hỗ trợ phối hợp trong công tác chuyên môn, thu hút đầu tư, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Mục tiêu của hệ thống y tế dù công lập hay tư nhân đều hướng đến phục vụ lợi ích người bệnh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân”, bác sĩ Nhân cho biết.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế, nguồn lực con người luôn được ưu tiên cả về số lượng lẫn chất lượng. Tỷ lệ bác sĩ toàn thành phố đến nay đạt 20,1 bác sĩ/1 vạn dân, cao hơn 2 lần so với tỷ lệ trung bình toàn quốc. Ngành y tế liên tục triển khai kế hoạch xét tuyển viên chức theo chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập, kèm với đó là các mức đãi ngộ được căn cứ theo Nghị quyết HĐND thành phố quy định về chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2023-2025. Hoạt động này giúp bổ sung, củng cố đầy đủ đội ngũ nhân lực y tế các cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nguồn nhân lực được tuyển dụng theo chính sách thu hút sẽ được bố trí, sử dụng theo đúng chuyên ngành được đào tạo. Đó là được tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi để phát huy năng lực và sở trường công tác; được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, ưu tiên trong việc cử đi đào tạo, bồi dưỡng và bố trí công tác phù hợp chuyên ngành sau khi đào tạo. Bên cạnh đó, các đề án nâng cao năng lực chuyên môn tuyến dưới, giảm tải tuyến trên được triển khai đồng loạt.

Triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu

Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao hơn, các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn thành phố  từng bước triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu đã được triển khai thành công như: thụ tinh trong ống nghiệm, chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm da kề da...(Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng);  cắt thùy phôi, cắt phôi, cắt u trung thất, cắt khối tá tụy, cắt gan... (Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng); liệu pháp trắc nghiệm và liệu pháp tâm lý trong điều trị cho trẻ em (Bệnh viện Tâm thần); ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống; ghép thận; kỹ thuật solitaire (lấy huyết khối) trong điều trị nhồi máu não cấp tính; ứng dụng kỹ thuật ECMO, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu (Bệnh viện Đà Nẵng)…

Trong những năm qua, UBND thành phố tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở y tế. Các dự án như đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; Bệnh viện Đà Nẵng cơ sở 2; Nâng cấp cải tạo Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn; Nâng cấp, cải tạo Trung tâm Y tế quận Thanh Khê (giai đoạn 1)... đã và đang được triển khai theo tiến độ. Trước đó, nhiều công trình y tế trọng điểm đã được đưa vào sử dụng như Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh chấn thương và bỏng tạo hình, Bệnh viện Đà Nẵng đã mở ra cơ hội phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu, giúp người bệnh được chăm sóc, điều trị kịp thời.

“Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về việc triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đối với lĩnh vực y tế, thời gian qua ngành y tế, các đơn vị trực thuộc đã và đang đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ. Sự phát triển của ngành được thể hiện ở yếu tố nguồn nhân lực, áp dụng các kỹ thuật chuyên môn cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư, cải cách hành chính rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh. Tiếp nối những kết quả đã đạt được và thực hiện những nhiệm vụ còn dang dở, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, trong đó lấy chất lượng khám, chữa bệnh làm thước đo của sự phát triển, bảo đảm sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng phát triển ngành y tế của thành phố”, bác sĩ Thủy cho biết.

Đầu tư y tế chuyên sâu, chất lượng cao
Đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, nhất là chăm sóc sức khỏe chuyên sâu, dịch vụ y tế chất lượng cao và mô hình kết hợp giữa du lịch và khám, chữa bệnh; có cơ chế để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực y tế chuyên sâu, chất lượng cao.
(Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.