Kết luận số 79-KL/TW - Động lực mới để Đà Nẵng tiếp tục phát triển - Bài cuối: Tiến đến thành lập Sở An toàn thực phẩm

.

Đà Nẵng là địa phương thứ 2 trên cả nước thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm để kiểm soát chất lượng thực phẩm, bảo đảm quyền lợi, sức khỏe cho người tiêu dùng. Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện các giải pháp quản lý về lĩnh vực này, mới đây Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó có nội dung cho phép Đà Nẵng thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Lực lượng chức năng kiểm tra bếp ăn bảo đảm công tác an toàn thực phẩm tại huyện Hòa Vang.  Ảnh: PHAN CHUNG
Lực lượng chức năng kiểm tra bếp ăn bảo đảm công tác an toàn thực phẩm tại huyện Hòa Vang. Ảnh: PHAN CHUNG

Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu rõ: hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất một đầu mối quản lý. Đây là điều kiện thuận lợi để thành phố tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao sức khỏe người dân.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm: Còn những vướng mắc, khó khăn

Ban Quản lý An toàn thực phẩm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành thành phố về an toàn thực phẩm, đầu mối tập trung tham mưu UBND thành phố trong chỉ đạo điều hành một cách toàn diện, nhanh chóng hơn so với trước đây.

Giai đoạn 6 năm hoạt động thí điểm (2018-2023), Ban Quản lý An toàn thực phẩm tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, công văn về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Với mô hình thí điểm thống nhất một đầu mối, nhằm mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân thành phố, ban quản lý đã xây dựng và triển khai hoạt động hằng năm tập trung vào việc nâng cao nhận thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng và người hành nghề; kiểm soát lưu thông, phân phối bảo đảm an toàn trong cả hai quá trình sản xuất và kinh doanh phân phối; tăng cường thanh tra, kiểm tra và chống thực phẩm bẩn và nâng cao nhận thức.

Từ khi triển khai thực hiện thí điểm qua hai giai đoạn đến nay, hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm đạt những hiệu quả như giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở ngành và đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm. Tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm; tăng tỷ lệ hài lòng của người dân đối với cung cấp dịch vụ hành chính công về an toàn thực phẩm; là đầu mối thống nhất tiếp nhận và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh liên quan đến an toàn thực phẩm, phát huy vai trò trong định hướng dư luận.

Ngoài ra, ban quản lý còn phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố, qua đó, cung cấp cho người dân thực phẩm an toàn và có nguồn gốc truy xuất rõ ràng.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, hiện nay quản lý an toàn thực phẩm ở Việt Nam được phân công cho 3 bộ ở Trung ương, gồm: y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn và công thương; tại các tỉnh, thành phố là một phần lực lượng của 3 sở tương ứng, việc phối hợp còn nhiều lúng túng, khó xác định kịp thời trách nhiệm để ứng phó.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm là mô hình mới, chưa có trong hệ thống văn bản pháp luật, lại đang trong thời gian thí điểm nên đã gặp một số vướng mắc về pháp lý thẩm quyền thanh tra, ra quyết định xử phạt cũng như tổ chức nhân sự.

Tại Đà Nẵng, dựa trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ được giao, việc kiểm soát an toàn thực phẩm với nông sản tươi sống, đặc biệt là rau, trái cây nhập từ ngoại tỉnh vẫn là nhiệm vụ khó khăn. Sản xuất nông nghiệp tại thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu thực phẩm của người dân, phần còn lại chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh, thành. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế, cần có sự phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm từ tỉnh trước khi đưa về thành phố tiêu thụ.

“Về công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, hiện nay do các văn bản quy phạm pháp luật thay đổi không còn chức danh tương đương nên công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý. Trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính cho cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, ông Hải cho biết.

Sở An toàn thực phẩm: Thống nhất một đầu mối quản lý

Mới đây, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, trong đó cho phép Đà Nẵng thành lập Sở An toàn thực phẩm. Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu rõ việc hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất một đầu mối quản lý. Đây là điều kiện quan trọng nhằm phát huy tối đa các hiệu quả mà mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã đạt được thông qua việc khắc phục những hạn chế về mặt pháp lý của mô hình ban quản lý.

Cụ thể, điều này sẽ giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác quản lý an toàn thực phẩm, là đầu mối thống nhất tổng hợp tham mưu, chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, việc thành lập một cơ quan cấp sở tập trung cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cũng nói lên tầm quan trọng, nâng cao vai trò, vị thế của nhiệm vụ này trước người dân và du khách.

Bên cạnh đó cũng tập trung đầu mối thanh tra, kiểm tra thuận lợi cho người dân khi chỉ có một cơ quan quản lý cấp thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở với tần suất theo quy định, tránh chồng chéo và tình trạng mỗi năm một cơ sở, doanh nghiệp phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của quá nhiều cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Việc thành lập đơn vị hành chính mới trong lĩnh vực này cũng góp phần chủ động, tích cực giám sát thực phẩm lưu thông trên thị trường, tham mưu quản lý chặt chẽ hơn đối với nguồn thực phẩm nhập vào thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Minh, Trưởng phòng Y tế quận Sơn Trà, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm theo Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả để bảo đảm bữa ăn sạch, an toàn cho người dân.

Trong những năm qua, Phòng Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm quận trong việc tham mưu, triển khai, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm này. Về phía địa phương, hiện có một số cơ quan, đơn vị tham gia trong lĩnh vực này là phòng y tế, kinh tế, nông nghiệp, ban quản lý các chợ...

“Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm sẽ tập trung đầu mối để triển khai các nhiệm vụ về lĩnh vực này. Về phía địa phương, sau khi thành lập Sở, nên chăng tập trung giao nhiệm vụ cho một phòng chuyên môn, thay vì phối hợp giữa nhiều phòng như hiện nay. Việc thống nhất một đầu mối tại địa phương sẽ tránh chồng chéo trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao”, bà Minh cho biết.

Trong khi đó, theo ông Lương Công Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, HĐND thành phố, sau thời gian thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm, đến nay Quốc hội cho phép HĐND thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm. Đây là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố trên cơ sở chuyển chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương.

“Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm sẽ làm cho công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này trên địa bàn thành phố sẽ tốt hơn rất nhiều.  Điều này tạo sự tín nhiệm và thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm; việc đơn giản hóa, hợp lý hóa thủ tục hành chính từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép, quản lý, hậu kiểm, thanh tra. Qua đó làm tăng tỷ lệ hài lòng của người dân đối với cung cấp dịch vụ hành chính công về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Sở An toàn thực phẩm sẽ thực hiện đầy đủ các chức năng trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tác động tích cực đến hiệu quả quản lý Nhà nước. Từ ý nghĩa và hiệu quả đó, công tác an toàn thực phẩm sẽ là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch và tạo thương hiệu du lịch mà thành phố dày công xây dựng”, ông Tuấn cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.