Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do sự thay đổi chính sách về đấu thầu, mua sắm, cần có thời gian thực hiện theo lộ trình, UBND thành phố thống nhất chủ trương cho ngành y tế, các đơn vị rà soát, thực hiện danh mục thuốc cấp bách để mua sắm kịp thời. Hiện nay, nhiều loại thuốc đặc trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã hết, đơn vị phải huy động nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn cung, kịp thời khám, điều trị cho bệnh nhân.
Các cơ sở y tế chủ động giải pháp cung ứng thuốc, vật tư y tế theo quy định pháp luật để giải quyết tình trạng thiếu thuốc. Ảnh: PHAN CHUNG |
Chị Nguyễn Thị Th. (huyện Hòa Vang) có người nhà nằm, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hằng ngày, chị được các bác sĩ, nhân viên y tế hướng dẫn ra các nhà thuốc gần bệnh viện để mua một số loại thuốc đặc hiệu phục vụ điều trị. Ngoài ra, một số vật tư khác như dây truyền, dung dịch thay băng, bơm tiêm… thỉnh thoảng cũng được hướng dẫn mua bổ sung. “Người nhà mình nằm điều trị cũng đã hơn 10 ngày, hầu như đều phải đi mua một số thứ cần thiết để phục vụ cho việc điều trị. Các bác sĩ cho biết một số thuốc, vật tư bị thiếu và thông tin này mình cũng được nghe nhiều lần, biết mua thì tốn kém nhưng không còn cách nào khác”, chị Th. cho biết.
Tương tự, bà N.T.H.A. (60 tuổi, quận Sơn Trà) được người nhà đưa đến Bệnh viện C Đà Nẵng cấp cứu, sau đó được bệnh viện chẩn đoán bị sán lá gan, phải nhập viện điều trị một thời gian. “Tôi là cán bộ hưu trí, bảo hiểm y tế khám, điều trị tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Trong thời gian nằm viện tại đây, nhân viên y tế hướng dẫn người nhà tôi ra các nhà thuốc bên ngoài mua một số loại thuốc đặc hiệu, các vật dụng kèm theo như kim tiêm, gạc, nước cất. Điều này khiến tôi rất lo lắng, không biết quá trình điều trị bệnh của mình có bị ảnh hưởng không”, bà A. cho biết.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế với những mức độ khác nhau. Không chỉ những vật tư y tế thông thường, người nhà bệnh nhân còn phải xoay xở để mua bằng được những vật tư y tế đặc chủng, những loại biệt dược khác phục vụ điều trị bệnh của chính mình hoặc người nhà.
Theo bác sĩ Lê Thị Hà Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, hiện bệnh viện ghi nhận tình trạng thiếu một số loại thuốc điều trị ung thư máu, các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm. Nguyên nhân, theo bác sĩ Thu, Luật Đấu thầu có hiệu lực từ 1-1-2024 nhưng đến ngày 17-5-2024 mới ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BYT hướng dẫn quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập. “Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, bệnh viện thực hiện mua sắm trực tiếp bằng cách dùng kết quả đấu thầu từ các đơn vị đã thực hiện trước đó đối với loại thuốc, vật tư này trên cơ sở xây dựng kế hoạch đúng quy định pháp luật. Hoạt động này giúp rút ngắn thời gian, trở thành giải pháp hiệu quả, giải quyết tình trạng thiếu thuốc cấp bách. Gói mua sắm trực tiếp kết hợp với gói mua sắm có kết quả từ 25-4, có giá trị trong thời gian 1 năm sẽ giải quyết tốt tình trạng thiếu thuốc trong thời gian tới”, bác sĩ Thu cho biết.
Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đều chủ động các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc. Tại Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, một số thuốc thiết yếu cần thiết cho công tác khám, chữa bệnh như: thuốc điều trị tiểu đường, giãn tĩnh mạch, thuốc giãn cơ, các chế phẩm thuốc y học cổ truyền, thuốc điều trị viêm gan B, giãn phế quản, nước cất, u xơ... đã hết. Các thuốc khác tuy còn nhưng không đủ các nhóm và còn rất ít, không đủ để các bác sĩ có thể chỉ định kê đơn phù hợp tình trạng bệnh lý.
Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, việc hoàn thành 1 gói thầu mua sắm thuốc phải mất khoảng thời gian 3 tháng trở lên, đồng thời các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, đang trong quá trình hoàn thiện thay đổi. Thực trạng này cần thời gian để nghiên cứu triển khai áp dụng, điều chỉnh theo sự thay đổi của quy định cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các gói thầu. Do vậy, việc thiếu một số thuốc trong thời gian đơn vị tự thực hiện đấu thầu là điều khó tránh. “Để giải quyết tình trạng trên, đơn vị đã thực hiện xây dựng hồ sơ mua sắm trực tiếp và đã trình Sở Y tế thẩm định phê duyệt đồng thời chủ động áp dụng Khoản 4 Điều 23 của Luật Đấu thầu để mua một số thuốc cấp cứu phục vụ bệnh nhân”, bác sĩ Vĩnh cho biết.
Theo Sở Y tế, trên cơ sở đề xuất của các cơ sở y tế trực thuộc về nhu cầu thuốc cần mua để duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đơn vị đã báo cáo và đề xuất UBND thành phố hướng xử lý đối với danh mục thuốc cấp bách bao gồm 1.029 thuốc với tổng giá trị hơn 91,8 tỷ đồng. Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế cho biết, để bảo đảm cung ứng thuốc liên tục, đầy đủ phục vụ yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn thành phố, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức mua sắm các thuốc nằm trong danh mục mua sắm cấp bách trong thời gian chờ kết quả mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương giai đoạn năm 2024-2026. “Căn cứ tình hình thực tế nhu cầu sử dụng thuốc và trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng thuốc và điều trị của đơn vị, thủ trưởng các cơ sở khám, chữa bệnh quyết định và chịu trách nhiệm về chủng loại, số lượng thuốc mua sắm bằng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn của Luật Đấu thầu”, bác sĩ Thủy cho biết thêm.
PHAN CHUNG