Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế

.

Ngày 24-8, tại Đà Nẵng, Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam phối hợp Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố tổ chức hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế tại thành phố Đà Nẵng”. Sự kiện này mở ra hướng đi phù hợp với xu thế, tầm nhìn về ứng dụng công nghệ cao trong khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước tìm hiểu, đầu tư, hợp tác với thành phố ở lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế. Ảnh: PHAN CHUNG
Các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước tìm hiểu, đầu tư, hợp tác với thành phố ở lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế. Ảnh: PHAN CHUNG

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tich Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh; GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cùng nhiều chuyên gia, bác sĩ đến từ các bệnh viện trên toàn quốc và các bài giảng, ca ghi hình, ca lâm sàng của các chuyên gia đến từ Pháp, Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore...

Xu thế tất yếu

Theo GS.TS Phạm Minh Thông, Điện quang và Y học hạt nhân là chuyên ngành chẩn đoán cận lâm sàng không thể thiếu, có vai trò quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh. Hiện nay, chuyên ngành Điện quang và Y học hạt nhân không chỉ phục vụ chẩn đoán đơn thuần mà đã triển khai rất nhiều kỹ thuật cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao trong chẩn đoán sớm, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Một trong những điểm nổi bật chính là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành y tế và lĩnh vực hàng đầu chính là chẩn đoán hình ảnh.

GS.TS Phạm Minh Thông phân tích, hiện nay các bệnh lý liên quan thần kinh như bệnh về não, tủy sống, các bệnh về cột sống đang trở nên phổ biến. Với các bệnh lý này, chẩn đoán hình ảnh rất quan trọng, giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và can thiệp điều trị. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ các bác sĩ, nhân viên y tế đọc các kết quả trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, X-quang, CT, MRI), y học hạt nhân (SPECT/CT, PET/CT), được thuận lợi hơn.

“Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo trong các phương tiện chẩn đoán hình ảnh giúp máy chạy nhanh hơn, chất lượng hình ảnh tốt hơn, kết quả chính xác hơn… Đối với nhân viên y tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo với khả năng đọc, phân tích dữ liệu sẽ giúp các bác sĩ có được kết quả chọn lọc nhất, thay vì phải xử lý khối lượng lớn các hình ảnh của từng ca bệnh. Chưa kể đây là một công cụ hữu ích hỗ trợ các bác sĩ trong lĩnh vực chẩn đoán, có thể giúp phát hiện các tổn thương rất nhỏ,” GS.TS Phạm Minh Thông cho biết thêm.

Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, các công nghệ chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ trí tuệ nhân tạo đang được phát triển như một công cụ tiên lượng, giúp các bác sĩ dự đoán những ca bệnh cần điều trị, ngay cả khi triệu chứng bệnh chưa biểu hiện ra. Can thiệp sớm hơn có thể giúp bệnh nhân sống lâu hơn, tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn, giảm chi phí chăm sóc cho gia đình và xã hội. “Việc tận dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích thông tin và hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau như điện tâm đồ, siêu âm tim, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ… sẽ giúp bệnh viện đưa ra phương án điều trị nhanh hơn, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh”, bác sĩ Nhân nói.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp cơ sở y tế chẩn đoán, điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn.  Trong ảnh: Bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng sử dụng thiết bị hỗ trợ đặt stent mạch vành cho bệnh nhân tim mạch.  Ảnh: PHAN CHUNG
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp cơ sở y tế chẩn đoán, điều trị bệnh nhân hiệu quả hơn. TRONG ẢNH: Bác sĩ tại Bệnh viện Đà Nẵng sử dụng thiết bị hỗ trợ đặt stent mạch vành cho bệnh nhân tim mạch. Ảnh: PHAN CHUNG

Mục tiêu hình thành hệ thống y tế thông minh

Bác sĩ Trần Thanh Thủy, Giám đốc Sở Y tế, cho biết thời gian qua, hệ thống y tế của Đà Nẵng không ngừng được đầu tư, phát triển, là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và kết nối cao với các trung tâm y tế quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới. Hiện nay, có nhiều kỹ thuật điện quang và y học hạt nhân tiên tiến nhất đã được các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố ứng dụng thành công trong chẩn đoán và điều trị các bệnh như ung thư, tim mạch, thần kinh...

“Trí tuệ nhân tạo là một trong những lĩnh vực trọng điểm thành phố đang tập trung phát triển. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được nêu ra tại Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho các nhà đầu tư chiến lược và đối tác chiến lược trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo”, bác sĩ Thủy cho biết.

Trước đó, UBND thành phố phê duyệt đề án “Phát triển y tế thông minh tại thành phố Đà Nẵng” nhằm nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ y tế, hướng đến nền y tế hiện đại, chất lượng và hội nhập quốc tế. Với tổng kinh phí đầu tư hơn 488 tỷ đồng, đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2030 có 100% các bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy; sử dụng robot trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh... Việc phối hợp các đơn vị, tổ chức, các chuyên gia hàng đầu thế giới cùng nghiên cứu, tìm hiểu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế thời điểm này là hết sức cần thiết, tạo tiền đề để ngành y tế nói riêng, thành phố nói chung đạt các mục tiêu đề ra trong tương lai.

Theo bác sĩ Trần Thanh Thủy, trước mắt, đến năm 2025 ngành y tế đặt mục tiêu hình thành hệ thống y tế thông minh trên cả ba trụ cột chính gồm: hệ thống phòng bệnh thông minh; hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh và hệ thống quản trị y tế thông minh. Các cơ sở y tế áp dụng mô hình khám, chữa bệnh từ xa chuyên sâu với nhiều chuyên khoa; phấn đấu hoàn thành ứng dụng để người dân giám sát hành trình xe cứu thương trên thiết bị thông minh; hoàn thành trục liên thông dữ liệu y tế toàn thành phố sẵn sàng kết nối với trục liên thông dữ liệu y tế quốc gia; hoàn thành phần hệ điều hành y tế thông minh nằm trong Trung tâm Giám sát điều hành thông minh của thành phố Đà Nẵng.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.