Phòng chống dịch bệnh mùa mưa

.

Thời tiết chuyển mùa kết hợp mưa, lũ gây nguy cơ ngập lụt một số địa điểm trên địa bàn thành phố là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát tán gây bệnh; gia tăng các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh; địa phương tăng cường công tác tuyên truyền người dân, hướng dẫn, giám sát các ổ dịch được phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời.

Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn, vi-rút phát triển, là tác nhân của nhiều bệnh về tiêu hóa, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Ảnh: PHAN CHUNG
Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn, vi-rút phát triển, là tác nhân của nhiều bệnh về tiêu hóa, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, từ ngày 9 đến 15-9, trên toàn địa bàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 133,3% so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 1.703 ca. Các địa phương ghi nhận 2 ổ dịch nhỏ, cộng dồn năm 2024 ghi nhận 136 ổ dịch nhỏ, tăng 18,26% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với bệnh tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 24 ca mắc, chủ yếu mắc ở nhà, tăng 84,62% so với tuần trước.

Theo đánh giá của CDC Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại dù chưa ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh truyền nhiễm khác chưa lây lan, bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, thời điểm chuyển mùa, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi làm gia tăng nguy cơ xuất hiện dịch bệnh, kèm theo đó là các bệnh theo mùa như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, tiêu chảy cấp… cũng có nguy cơ gia tăng.

Bác sĩ Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, các hoạt động giám sát, dự phòng liên tục được triển khai, nhất là trong bối cảnh thời tiết như hiện nay. Cán bộ CDC Đà Nẵng phối hợp các địa phương tăng cường giám sát, phân tích, đánh giá tình hình tại các địa phương để tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch.

“Chúng tôi tăng cường công tác giám sát dịch bệnh thường quy, xử lý ca đơn lẻ, ổ dịch nhỏ của bệnh sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng theo đúng quy định. Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Các khoa, phòng chuyên môn cùng Trung tâm Y tế quận, huyện phối hợp với chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tích cực triển khai các hoạt động giám sát, đánh giá tình hình dịch bệnh tại các khu vực có nguy cơ bùng phát cao”, bác sĩ Hóa cho biết.

CDC Đà Nẵng cũng nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương, người dân trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Lãnh đạo phường, xã tích cực vận động người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, không để muỗi có môi trường sinh sản. Các trạm y tế thông tin đầy đủ tình hình bệnh cho người dân để người dân không hoang mang, lo lắng, đồng thời tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, tăng cường thông tin truyền thông về các biện pháp dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo bác sĩ Võ Thu Tùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, thời điểm trong và sau mưa lũ sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải... theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa lũ và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi-rút trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển. Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, hằng năm ngành y tế thành phố đều triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh theo mùa, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân.

“Ngoài các hoạt động chuyên môn của sở, ngành, địa phương phối hợp thực hiện, người dân cũng cần chủ động các biện pháp phòng ngừa bằng cách bảo đảm lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Diệt loăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô-tô... Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất”, bác sĩ Tùng cho biết.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.