Trong những năm gần đây, tỷ lệ nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa. Chủ động các biện pháp phòng tránh, xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực giúp giới trẻ biết cách bảo vệ bản thân, giữ an toàn cho bạn bè, người thân và xã hội.
Tuyên truyền phòng, chống HIV trong giới trẻ, nhóm đối tượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Ảnh: PHAN CHUNG |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các bạn trẻ còn hạn chế về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, việc tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong giới trẻ là hoạt động được tổ chức thường xuyên. Đà Nẵng là địa phương năng động, phát triển, nơi có nhiều trường đại học, nhiều khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút số lượng lớn công nhân lao động. Giới trẻ là nhóm đối tượng có nhu cầu giao tiếp xã hội, học tập, lao động, cũng như nhu cầu vui chơi giải trí, kết bạn, tình yêu, hôn nhân, gia đình…
Thời gian qua, Khoa Phòng, chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất (CDC Đà Nẵng) tổ chức hoạt động truyền thông với nhiều hình thức phong phú đa dạng. Thông qua các tiện ích như mạng xã hội, báo chí, truyền thông… các chủ đề phòng, chống HIV/AIDS được chuyển tải đến từng nhóm đối tượng có nguy cơ cao trong xã hội.
Bác sĩ Đoàn Kim Liên, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, cho biết kế hoạch tuyên truyền đến giới trẻ luôn được chủ động xây dựng, nhất là nhóm học sinh, sinh viên và lao động tại các khu công nghiệp. Cụ thể, CDC Đà Nẵng chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhóm cộng đồng tuyên truyền trong học sinh, sinh viên và các công ty, xí nghiệp trên địa bàn để cung cấp đúng và đủ các cách phòng tránh HIV/AIDS cho nhiều đối tượng. Xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người chưa thành niên về phòng, chống căn bệnh này và những bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Hằng năm, đơn vị phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo lồng ghép vào chương trình giáo dục giới tính tại các trường THPT, trường dạy nghề. Tập huấn kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho các cán bộ Đoàn trường về tình hình dịch tễ HIV/AIDS trên địa bàn; các kiến thức chung, kỹ năng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; giới thiệu và cập nhật tình hình nhiễm trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao. Ngoài ra, nhiều hoạt động truyền thông trực tiếp thông qua trò chuyện với nội dung gần gũi, dễ hiểu, các tiết ngoại khóa, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, cuộc thi viết tìm hiểu về HIV/AIDS được tổ chức.
Theo bác sĩ Lê Thành Chung, Phó Giám đốc CDC Đà Nẵng, đơn vị chủ động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm nghiện chích ma túy, bán dâm và quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM). Duy trì 4 nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng gồm nhóm nghiện chất dạng thuốc phiện, nhóm bán dâm (đường phố, dịch vụ vui chơi giải trí), nhóm người nhiễm HIV (nhóm người có H), nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới với 45 đồng đẳng viên.
“Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức được chủ động đẩy mạnh. CDC Đà Nẵng phối hợp các đơn vị, địa phương cấp phát tài liệu truyền thông, bao cao su, gel bôi trơn bảo đảm tính sẵn có của các vật dụng can thiệp giảm tác hại từ thành phố đến quận, huyện và phường, xã. Ngoài ra, các chủ đề như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc PrEP; tự xét nghiệm HIV trực tuyến được triển khai sâu rộng đến từng khu vực, nhóm đối tượng cụ thể. Tình trạng lây nhiễm HIV đang trẻ hóa và tăng nhanh ảnh hưởng tới chất lượng dân số. Việc nâng cao chất lượng truyền thông giáo dục về phòng chống HIV cho giới trẻ hiện nay là vấn đề cốt lõi nhằm kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm theo mục tiêu đã đề ra”, bác sĩ Chung cho biết.
PHAN CHUNG