Giúp bệnh nhân tìm lại chính mình

.

Điều dưỡng, công việc tưởng chỉ dành cho phụ nữ, bởi cùng với chuyên môn y tế là sự tận tụy, khéo léo, tỉ mẩn chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, tại Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng luôn có sự đồng hành của các điều dưỡng nam đang giúp bệnh nhân tìm lại chính mình.

Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng luôn có sự đồng hành của các điều dưỡng nam đang giúp bệnh nhân tìm lại chính mình. TRONG ẢNH: Bệnh nhân xem ti-vi để giải trí sau điều trị.  Ảnh: PHAN CHUNG
Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng luôn có sự đồng hành của các điều dưỡng nam đang giúp bệnh nhân tìm lại chính mình. TRONG ẢNH: Bệnh nhân xem ti-vi để giải trí sau điều trị. Ảnh: PHAN CHUNG

Đồng hành hành trình cắt cơn của bệnh nhân

Cánh cổng dẫn lên Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc luôn được khóa trái. Muốn đi lên khoa phải liên hệ và được sự đồng ý của trưởng khoa, các nhân viên y tế đang làm việc tại đây. Tiến sâu vào mỗi khu vực điều trị đều có thêm các lớp cửa khác, nhân viên y tế có chìa khóa riêng để mở và khóa lại khi cần thiết. Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc hiện là nơi chăm sóc, điều trị bệnh nhân sử dụng chất kích thích như bia, rượu, ma túy gây rối loạn và không làm chủ được hành vi. Trong đó, phần lớn là bệnh nhân sử dụng chất ma túy tổng hợp.

Hơn 15 năm làm việc tại đây, điều dưỡng Lê Văn Nam không nhớ chính xác mình đã tiếp nhận, chăm sóc, điều trị và gửi lời chào xuất viện bao nhiêu trường hợp điều trị cai nghiện bắt buộc và hành trình tìm lại con người đã mất của họ. Điều anh Nam trăn trở nhất là số bệnh nhân nhập viện điều trị ngày càng tăng, mức độ ảo giác, sử dụng chất kích thích càng phức tạp hơn trước rất nhiều.

Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc là đơn vị hiếm hoi trong nhiều khoa, phòng và cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tuyển dụng và cần một đội ngũ điều dưỡng nam nhiều đến như vậy. Thông thường, bệnh nhân rối loạn hành vi do sử dụng chất kích thích được người thân hoặc cơ quan chức năng đưa đến điều trị đều trong trạng thái kích động, không làm chủ được hành vi bản thân. Điều dưỡng nam tại khoa là những người đầu tiên tiếp cận bệnh nhân, ổn định tâm lý để bác sĩ thăm khám, chỉ định điều trị.

Theo đó, những bệnh nhân nổi loạn, kích động được khống chế tạm thời bằng hành động sẽ được tạm thời cố định để không gây nguy hiểm cho người khác. Sau đó, bác sĩ sẽ trực tiếp khám, chỉ định dùng thuốc để làm giảm ức chế cho bệnh nhân. Hình ảnh những điều dưỡng nam trong bộ đồ blouse trắng cùng hợp lực kiểm soát hành động quấy phá của bệnh nhân, hỗ trợ bác sĩ điều trị không còn là điều hiếm gặp tại đây.

“Nhiệm vụ của mọi người làm việc tại đây, không chỉ mỗi điều dưỡng mà bác sĩ, y tá cũng đều nặng nề. Bởi chúng tôi không chỉ quản lý, điều trị hành vi của bệnh nhân mà kiêm luôn hoạt động quản giáo để bệnh nhân cắt đứt hoàn toàn với môi trường thiếu lành mạnh từ bên ngoài. Bởi cai nghiện, ngoài bản lĩnh, quyết tâm của người trong cuộc thì môi trường sống, môi trường điều trị phải thực sự chuẩn mực, cắt đứt hoàn toàn mọi cám dỗ mới có thể giúp họ trở lại chính mình”, điều dưỡng Nam chia sẻ.

Nhiều bệnh nhân không kiểm soát được hành vi do chất kích thích nên đập phá đồ đạc, chửi mắng, đánh cả nhân viên y tế. Thậm chí, có những trường hợp mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS nên lấy cớ đe dọa các điều dưỡng để đòi hỏi quyền lợi cho bản thân. Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc hiện được bố trí 45 giường kế hoạch nhưng trên thực tế luôn trong tình trạng quá tải nên phải kê thêm giường để đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng tăng. Để thỏa mãn cơn thèm sử dụng chất kích thích, các bệnh nhân tìm cách liên hệ, móc nối với người thân, bạn bè xấu bên ngoài tuồn chất cấm vào thông qua hình thức thăm nuôi. Trong giờ hành chính từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, người thân đăng ký và được gặp bệnh nhân điều trị tại phòng riêng thông qua hệ thống giám sát camera.

“Mỗi lần như vậy anh em cũng rất vất vả, kỹ lưỡng trong việc kiểm tra thực phẩm tiếp tế. Nhiều đối tượng tinh vi bơm sẵn trong nước đóng chai sẵn, bọc túi nhỏ bỏ trong bịch bún, phở, ngụy trang trong vật dụng cá nhân. Nhân viên y tế phải kiêm luôn quản giáo, kiểm tra, khám xét kỹ càng. Bởi chỉ cần một trường hợp lọt qua kiểm tra thôi là hỏng cả nhiều cuộc đời. Cuộc đời của chính họ, cuộc đời người thân họ và cả cuộc đời của những bệnh nhân cùng phòng đang cố gắng cắt cơn mỗi ngày”, anh Nam tâm sự.

Những nỗi niềm day dứt

Các nhân viên y tế làm việc tại Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc đến giờ vẫn không quên trường hợp bệnh nhân Q.V.S. (quê Nam Định) là một điển hình không lối thoát khi dính phải chất kích thích. Anh S. bôn ba đủ nghề ở quê rồi sử dụng chất kích thích, dẫn đến gia đình tán gia bại sản. Biết việc làm đã sai, anh bàn với vợ con bán hết cơ ngơi, rời xa quê hương, bạn bè vào lập nghiệp tại huyện Hòa Vang.

Thời gian êm đẹp trôi đi, bỗng một ngày anh S. gặp lại bạn cũ ở quê khi vào làm công nhân thi công tuyến đường cao tốc băng qua nhà. Chỉ một thời gian sau, anh S. lại quay về con đường cũ, sử dụng chất kích thích khi nào không hay. Quyết tâm làm lại cuộc đời, anh chủ động vào Khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc để “tìm lại chính mình”. Sau hành trình vật vã điều trị, cắt cơn, anh được các bác sĩ cho xuất viện trở về. Anh S. lại tất tả bán hết cơ ngơi, lần thứ 2 thực hiện hành trình “trốn chạy”, đưa vợ con vào lập nghiệp tại vùng miền Tây sông nước, không người thân thích, tiếp tục làm lại cuộc đời. “Hiện nay có hàng ngàn chất ma túy tổng hợp.

Đó là lý do vì sao, dù nhiều người có quyết tâm, cứng cỏi bao nhiêu, có điều trị dứt điểm thì vẫn quay về đường cũ. Bởi môi trường sống hết sức quan trọng, chưa kể thời đại công nghệ số, nếu không vượt qua được cám dỗ thì các kênh phân phối online sẵn sàng cung ứng tận nhà. Điều đau lòng nhất, là hoàn cảnh của những bệnh nhân ở đây phần lớn đều khó khăn, gia đình không trọn vẹn, cha đau, mẹ yếu, trẻ nhỏ bơ vơ. Một vòng tròn luẩn quẩn mà chúng tôi chứng kiến mỗi ngày đều cảm thấy xót xa”, anh Nam cho biết thêm.

Theo bác sĩ Nguyễn Cửu Thanh, Trưởng khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, với đặc thù được phân công, ngoài nhiệm vụ chăm sóc theo chuyên môn nghiệp vụ ngành y, các điều dưỡng nam tại đây còn kiêm luôn nhiều vai như vệ sĩ, quản giáo vì khoa luôn phải đối mặt với nguy hiểm mỗi ngày. Trong 3 ngày đầu điều trị, các bệnh nhân bị rối loạn hành vi do sử dụng chất kích thích đều hết sức nguy hiểm do thường xuyên kích động, chống đối và đánh người. Khi đó, bệnh nhân đang bị chứng hoang tưởng chi phối nên không làm chủ được hành vi. Chính vì thế, các nhân viên y tế, đặc biệt là điều dưỡng luôn phải cảnh giác tuyệt đối.

“Mỗi điều dưỡng, nhất là điều dưỡng nam giống như một chuyên gia tâm lý, tận tình chăm sóc về chuyên môn, khống chế kiểm soát các hành vi chống đối, vừa mềm mỏng lại vừa cứng rắn. Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bệnh nhân khi tình trạng họ ổn định. Hiện nay, tình trạng sử dụng chất kích thích dẫn đến mất kiểm soát hành vi đang trở nên phổ biến. Nó không chỉ là vấn đề bệnh lý mà còn là vấn đề xã hội, mang đến rất nhiều hệ lụy. Chính vì thế, nhiệm vụ của anh chị em nơi đây, là làm thật tốt việc được giao, bằng cả lý trí lẫn con tim, góp một tay giúp họ tìm lại chính mình”, bác sĩ Thanh cho biết.

Tôi bước ra khỏi khu điều trị, bỏ lại sau lưng những tràng cười ngây dại, vô hồn, những tiếng la hét, đập phá. Trái ngược với hình ảnh đó, là những khuôn mặt âu lo, phiền muộn, đăm chiêu nước mắt như chực trào của người thân đang ngồi ghế đá, chờ đến lượt vào thăm, động viên con, em mình...

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.