.

Có bao nhiêu ước hẹn sum vầy

.

Câu hỏi ấy thường vang lên trong tâm trí người lữ khách mỗi khi đi ngang qua nhà ga hay bến xe ngày giáp Tết.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhìn dòng người chen chúc giành nhau mua một tấm vé, một chỗ ngồi mà tưởng tượng ra cả hành trình tha phương dài đằng đẵng. Ngay cả chặng đường trở về với quê hương cũng quá đỗi nhọc nhằn. Thế mới biết chẳng phải sự sum vầy nào cũng hanh thông, tươm tất. Từng ấy con người kiếm tìm một phương tiện để trở về là từng ấy sự cách xa, từng ấy lời ước hẹn, từng ấy sự mong ngóng chờ trông ở một miền quê xa lắc nào đó trên dải đất hình chữ S này.

Nhiều người khi xong xuôi mọi công việc thì đã năm tàn tháng cạn, chỉ kịp chạy ra ga mua vé chuyến tàu ngày cuối năm để kịp trở về nhà. Như cậu sinh viên còn tranh thủ đi bán hàng thuê kiếm chút tiền mua cho bố mẹ cái áo ấm. Như anh phụ hồ ngồi kế bên tay còn đầy vôi vữa đang ngập ngừng sờ khuôn mặt con hiện lên trên màn hình điện thoại. Lúc anh vác ba lô đi thì vợ đang mang bầu tháng cuối, giờ thằng nhỏ đã được gần mười tháng tuổi mà anh chưa được ôm con lấy một lần. “Ai chẳng thèm được quây quần sớm tối, nhưng mưu sinh mà cô ơi…”.

Chị bán bún riêu cua từ nãy còn mải nhẩm tính tiền nong trong cuốn sổ bìa đỏ cũ nhàu giờ bỗng thút thít khóc “em cũng vậy này, con bé nhà em phải cai sữa sớm nên còi lắm. Em mua mấy bộ quần áo cho con mà chẳng biết nó mặc có vừa không”.

Chị moi trong chiếc túi xách đã đứt quai, lôi từ đống đồ lèn chật ních ấy một bộ quần áo trẻ con màu đỏ chói. Chị cẩn thận vuốt lại phẳng phiu, ngắm nghía và tủm tỉm cười. Như thể chị đang mường tượng ra cảnh đứa con gái nhỏ chập chững chạy ra đón mẹ, có thể nó đã biết bập bẹ gọi mẹ. Chị sẽ sà vào mà ôm ấp hôn hít nó cho thỏa nhung nhớ cách xa. Rồi chị sẽ nấu một nồi nước tắm tất niên cho con, mặc cho nó bộ quần áo mới để ngắm nghía cái niềm vui thơ nhỏ.

Ở nhà giờ này hoa đã nở, bánh chưng đã vớt, con gà trống chọn để cúng giao thừa chắc cũng đã nhốt sẵn. Hẳn mọi thứ đều đầy đủ chỉ thiếu có bàn tay chị thêm thắt, vun vén cho căn nhà thêm ấm cúng. Thỉnh thoảng lại ngó ra cửa sổ, cũng vẫn là những chặng đường quen thuộc mà sao hôm nay chị cảm thấy sao mà xa xôi thế…

Chuyến tàu ngày cuối năm không phải chen chúc giống như những chuyến tàu cận Tết. Nhưng dường như những toa tàu nặng hơn vì chở trong mình bao mong ngóng da diết với quê hương. Người cầm cành đào, kẻ xách giỏ phong lan mới mua trong mấy chợ hoa đã tàn vì cận Tết. Người mua thì được hoa chơi Tết mà người bán cũng mong nhanh hết để về nhà đón tất niên. Cùng cảnh dân lao động với nhau nhìn đâu cũng thấy thương, cũng ước gì mình san sẻ được.

Trong chuyến tàu cuối năm ấy có biết bao nhiêu ân tình được gói trong ước hẹn sum vầy. Có những người mới đôi mươi vừa kịp thấm thía xa cách đầu đời trong hành trình đi tìm khát vọng. Lại có người sắp gần đất xa trời chỉ thèm được quay về đón cái Tết ở nơi mình chôn rau cắt rốn như bà cụ tóc bạc phơi, mắt mờ sương lạnh.

Mấy chục năm xa cách bà vẫn nuôi trong mình bao ký ức về một cái Tết đầm ấm của những năm thơ ấu. Hôm nay ngồi trên chuyến tàu này bà nhớ lại lời hẹn của bốn mươi năm về trước. Lúc bỏ chồng xuống thành phố mưu sinh bà có hẹn Tết sẽ trở về.

Nhưng cám dỗ thị thành níu người con gái hương sắc ấy. Cuộc chia ly có ai ngờ dài bằng nửa đời người. Lời ước hẹn của cô thiếu nữ khi xưa giờ do một bà già thực hiện. Giữa hai đầu của chặng đường ly biệt đã biến người ta thành hai số phận, hai mảnh đời, hai khuôn mặt. Hai con người cùng tồn tại trong một hình hài ấy đang tự hỏi không biết trong đời sống này có biết bao nhiêu chuyến tàu? Bao cuộc tiễn đưa? Bao lời ước hẹn? Và bao nhiêu sự trở về trong mùa ấm áp sum vầy?

Tàu hú những hồi còi dài chuẩn bị vào ga. Có ai đó bồn chồn cứ ngóng qua cửa sổ, tay ôm sẵn túi to túi nhỏ. Dưới sân ga những người thân đang chờ sẵn họ. Có người mang theo áo ấm, người mang khăn, cũng có người chỉ mang theo một vòng ôm đủ ấm. Chỉ thế thôi là mùa xuân cũng quá đủ đầy…

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
.
.
.
.
.