.

Xây dựng hình ảnh mới về Đà Nẵng

.

Với việc triển khai “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, Đà Nẵng hướng tới xây dựng hình ảnh mới về một thành phố văn hóa, văn minh bên cạnh hình ảnh Đà Nẵng năng động, sáng tạo và đột phá.

Chào bình minh. Ảnh: ĐÀO QUANG TUYÊN
Chào bình minh. Ảnh: ĐÀO QUANG TUYÊN

Nhân dịp năm mới Ất Mùi 2015, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố về những định hướng trong xây dựng văn hóa, văn minh đô thị của Đà Nẵng.

* P.V: Kính thưa đồng chí, trong trả lời phỏng vấn nhân dịp năm mới Giáp Ngọ 2014 trên Báo Đà Nẵng sau khi nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng, đồng chí từng nói rằng “lo nhất là làm sao tìm được đúng giải pháp, giải quyết có hiệu quả những vấn đề đặt ra trong bối cảnh khó khăn chung”. Nhìn lại một năm qua, thành phố chúng ta đã tìm ra được những giải pháp cơ bản nào để vượt qua bối cảnh khó khăn chung đó, tiếp tục khẳng định sức vươn của Đà Nẵng?

- Đồng chí Trần Thọ: Trước những thuận lợi, chúng ta tìm thấy thời cơ; trong khó khăn, chúng ta phải tìm ra các giải pháp để vạch lối đi mới, kể cả vạch một lối đi riêng. Trên nền tảng những thuận lợi và trong khó khăn chung của thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã tập trung tìm tòi những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh.

Trong đó, “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” là một quyết định hết sức đúng đắn và kịp thời. Những bài học kinh nghiệm quý báu từ kết quả “Năm Doanh nghiệp” của 10 năm trước, cộng với sự quyết liệt, mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện, chúng ta đã có một “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” tương đối thành công.

Thành công đó thể hiện rõ nét ở việc kinh tế thành phố tiếp tục trên đà phát triển; thu ngân sách vượt dự toán trên 10%; đặc biệt là nguồn thu ngày càng hướng đến bền vững với cơ cấu hợp lý, nguồn thu từ đất từ hơn 50% giảm còn khoảng 15%. Tổng sản phẩm địa phương (giá so sánh 2010) tăng 9,2% so với năm 2013…

Có thể nói, nếu thành phố chúng ta không có một cộng đồng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh, thì sẽ khó nói đến việc đạt những kết quả khả quan như vậy. Đạt được kết quả trên là cả một năm trời thành phố và cộng đồng doanh nghiệp dốc sức làm việc tích cực và hợp tác một cách chặt chẽ.

Chúng ta chưa thể thỏa mãn với những kết quả bước đầu như vậy, nhưng đó là bước khởi động quan trọng để tạo nền nếp trong việc chăm lo, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đóng góp tích cực vào nuôi dưỡng nguồn thu ngày càng bền vững trong những năm tiếp theo; đồng thời qua đó xác lập ngày càng rõ ràng hơn động lực mới cho phát triển của thành phố theo tinh thần Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI.

Bên cạnh đó, trên một số lĩnh vực khác, lãnh đạo thành phố đã đề ra nhiều giải pháp mới và chỉ đạo giải quyết đến nơi đến chốn. Trước hết là giải quyết tình trạng nợ đất tái định cư cho dân, với việc rà soát, kiểm tra chặt chẽ quỹ đất trên thực tế, giải quyết một cách căn bản, công khai, minh bạch đất tái định cư, bảo đảm cân đối quỹ đất, đồng thời chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các cơ quan thực hiện công tác giải tỏa, đền bù, tái định cư một cách hợp lý, khoa học và hoạt động công khai, minh bạch hơn.

Trên lĩnh vực xã hội, thành phố triển khai thực hiện vượt mức kế hoạch về hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 950 căn nhà cho đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn; đề ra và giải quyết hợp lý vấn đề cai nghiện ma túy với việc xây dựng Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn thành phố, rút ngắn quy trình từ 32 đến 70 ngày xuống còn 21 ngày, sắp tới sẽ nghiên cứu xuống 12 đến 13 ngày; chấm dứt tình trạng tuyển sinh trái tuyến tại các trường trung tâm, tiếp tục phát huy, duy trì thành nền nếp trong những năm học đến và ở các trường khác.

Thành phố có chủ trương tăng đầu tư cho văn hóa để xây dựng nền tảng cho “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, thúc đẩy văn hóa phát triển tương xứng với tầm vóc đô thị văn minh, hiện đại…

Đó là những giải pháp đúng đắn, kịp thời được lãnh đạo thành phố đề ra và thực hiện một cách hiệu quả trong bối cảnh khó khăn chung cũng như trước những thách thức đặt ra trong năm 2014.

Nhìn thẳng vào thực tế để đưa ra giải pháp đúng đắn nhằm phát huy cái đúng, sửa lại cái sai. Trong ảnh: Đồng chí Trần Thọ (giữa) kiểm tra thực tế để xử lý nợ đất tái định cư ở quận Liên Chiểu. Ảnh: V.DŨNG
Nhìn thẳng vào thực tế để đưa ra giải pháp đúng đắn nhằm phát huy cái đúng, sửa lại cái sai. Trong ảnh: Đồng chí Trần Thọ (giữa) kiểm tra thực tế để xử lý nợ đất tái định cư ở quận Liên Chiểu. Ảnh: V.DŨNG

* P.V: Tuy nhiên, qua đó chúng ta cũng thấy rằng, còn những bất cập, hạn chế nhất định trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố thời gian qua. Lãnh đạo thành phố nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

- Đồng chí Trần Thọ: Một chủ trương đúng đắn thì không phải lúc nào triển khai cũng hoàn hảo và đạt kết quả như mong muốn, nhất là khi không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế của quá trình thực hiện để thấy được những hạn chế, khuyết điểm từ đó đưa ra giải pháp đúng đắn nhằm phát huy cái đúng, sửa lại cái sai.

Ví dụ bất cập trong xử lý nợ đất tái định cư, cùng với việc kiểm tra và đưa ra giải pháp hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho người dân, thì lãnh đạo thành phố cũng xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; trong đó có trách nhiệm của lãnh đạo thành phố, của UBND thành phố trong việc quản lý, điều hành và trách nhiệm của Thường trực HĐND thành phố trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện.

Hiện nay, thành phố đã xây dựng quy chế quản lý quỹ đất và bố trí tái định cư, thống nhất tập trung tại một đầu mối theo quy định; tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, có kiểm tra, kiểm soát để đưa việc quản lý, bố trí đất đi vào nền nếp, bảo đảm tính khoa học, minh bạch… Nếu chúng ta không nhận ra và không dám nhìn thẳng vào hạn chế, khuyết điểm, thì sẽ không đưa ra những giải pháp kịp thời, hợp lòng dân.

Những nét đẹp văn hóa cần được lưu giữ và phát huy trong đời sống đô thị văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Thả chim bồ câu trong lễ hội đình làng Trung Nghĩa. Ảnh: V.N
Những nét đẹp văn hóa cần được lưu giữ và phát huy trong đời sống đô thị văn minh, hiện đại. Trong ảnh: Thả chim bồ câu trong lễ hội đình làng Trung Nghĩa. Ảnh: V.N

* P.V: Thưa đồng chí, có phải trên quan điểm đó, lãnh đạo thành phố quyết định chọn năm 2015 là “Năm văn hóa, văn minh đô thị”?

- Đồng chí Trần Thọ: Cần phải thấy rằng, cùng với quá trình quy hoạch, chỉnh trang đô thị suốt hơn 16 năm từ ngày trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng của chúng ta từng bước xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị.

Chúng ta đã đề ra và triển khai chương trình “3 có”, trong đó có mục tiêu “có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”. Trong chương trình “5 không”, cũng có những yếu tố liên quan đến lĩnh vực này như không có người lang thang xin ăn, không có người mù chữ (sau nâng thành không có học sinh bỏ học), không có người nghiện ma túy trong cộng đồng…

Trong 5 hướng đột phá chiến lược của thành phố đề ra tại Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, hướng đột phá thứ 4 cũng xác định là “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn”.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị đi liền nhưng chưa đi kịp với tốc độ đô thị hóa, với tốc độ phát triển kinh tế và với nhịp sống hiện nay; từ đó bộc lộ nhiều hạn chế nhất định.

Chính vì vậy, việc xây dựng chương trình “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” là nhằm chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực này, tạo cú hích thúc đẩy việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của thành phố ngày càng đi vào nền nếp, thành động lực thực sự cho phát triển của thành phố. Qua đó, chúng ta hướng tới xây dựng hình ảnh mới về một thành phố văn hóa, văn minh, bên cạnh hình ảnh Đà Nẵng năng động, sáng tạo và đột phá.

* P.V: Thưa đồng chí, để thực sự tạo được cú hích trong “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, thành phố đã đề ra những giải pháp quan trọng nào?

- Đồng chí Trần Thọ: Từ kinh nghiệm thực tiễn và kết quả của “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” cho thấy, đi cùng với chủ trương đúng đắn, giải pháp kịp thời là việc triển khai thực hiện một cách quyết liệt, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có trọng tâm, trọng điểm.

Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”; trên cơ sở đó, UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị” để triển khai đồng bộ trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, thay đổi về nhận thức để thay đổi hành vi, nhất là để thay đổi thói quen, lối sống ăn sâu qua nhiều thế hệ không phải là điều dễ dàng. Vì vậy, quan trọng là cùng với quyết tâm, chúng ta phải xem xét những lĩnh vực cụ thể, những vấn đề khả thi nhất để làm từng bước, làm được và làm có kết quả.

Theo đó, cùng với việc tăng đầu tư cho văn hóa, xây dựng cơ sở, thiết chế để tạo chuyển biến trên lĩnh vực văn hóa, thì phải tập trung nâng cao nhận thức, sửa sai trong từng hành vi cụ thể trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, liên quan đến việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, trật tự đô thị; ý thức giữ gìn vệ sinh chung và bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức giao tiếp, ứng xử văn minh nơi công cộng...

Trong đó, đặc biệt là phải làm sao để mỗi người dân tự giác làm theo cái đúng, phải lấy cái đúng định hướng cho số đông và hướng số đông đi về cái đúng.

Có những điều nhỏ như hành vi khạc nhổ, vượt đèn đỏ, chửi thề, vệ sinh không đúng nơi quy định… cho đến những giá trị lớn lao như xây dựng phong cách người Đà Nẵng, môi trường xã hội văn minh… Chúng ta phải sửa sai trong từng hành vi cụ thể như thế, để tiến tới tạo thành nếp nghĩ, cách làm đúng, tạo hiệu ứng thực sự trong đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, chính quyền và các ngành chức năng phải xây dựng các tiêu chí cụ thể để khắc phục những bất cập, phản văn hóa trong đời sống, từ đó sửa chữa, tạo điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện các hành vi văn hóa, văn minh đô thị…

Hệ thống thư viện, nhà sách phải bảo đảm thu hút người dân đến đọc, khôi phục và thúc đẩy văn hóa đọc; bảo tàng phải bài trí khoa học, hấp dẫn để người dân khám phá, thưởng thức và chiêm nghiệm; nhà hát phải khai thác những vở kịch hay, chương trình ca nhạc có chất lượng, lôi cuốn, hấp dẫn người xem.

Hệ thống giao thông ngày càng phải hoàn chỉnh; việc ứng xử hằng ngày, văn minh phải được đưa vào nền nếp; thùng rác, nhà vệ sinh công cộng… phải đặt đúng nơi, đúng chỗ, khai thác được công năng, đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách chứ không phải làm cho có...

Tôi tin, với điều kiện như vậy, người dân sẽ dễ dàng thực hiện những hành vi có văn hóa, văn minh đô thị, để “Năm văn hóa, văn minh đô thị” 2015 phát huy hiệu quả, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) và Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ trong buổi làm việc tại Đà Nẵng. Ảnh: Q.S
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) và Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ trong buổi làm việc tại Đà Nẵng. Ảnh: Q.S

* P.V: Năm 2015 khép lại nhiệm kỳ 5 năm 2010-2015 và tiến hành Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, tiến tới Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố. Bên cạnh vấn đề quan tâm là xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội thành phố, thì xây dựng đội ngũ cán bộ đóng vai trò then chốt. Lãnh đạo thành phố có những chủ trương mới nào để tiếp tục chăm lo công tác cán bộ nói riêng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực cho thành phố nói chung để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới?

- Đồng chí Trần Thọ: Công tác cán bộ nói riêng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung của thành phố đã được quan tâm, xây dựng từ rất sớm, mà bước đột phá là “Năm công tác cán bộ và cải cách thủ tục hành chính 2006”.

Thành phố cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, bản lĩnh chính trị và phẩm chất đạo đức ngày càng được rèn luyện, nâng cao; đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ đào tạo bài bản được quan tâm bố trí để có cơ hội rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn; từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đột phá, sáng tạo và hiệu quả.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của thành phố và đòi hỏi của thời cuộc thì đội ngũ cán bộ vẫn còn hẫng hụt về số lượng, chất lượng và nguồn kế cận.

Vì vậy, cùng với giải pháp nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nhất là trong công tác quy hoạch một cách khoa học, bài bản, thì việc đưa đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực và được đào tạo bài bản vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cấp thành phố và các sở, ngành, địa phương phải mạnh dạn và quyết liệt hơn nữa; vì qua va chạm với thực tế mới nhìn nhận, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ.

Nhiệm kỳ tới, Đà Nẵng được tin tưởng giao trọng trách “về đích sớm” trước năm 2020 trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước; vì vậy càng cần có đội ngũ cán bộ trẻ mạnh mẽ, tràn đầy nhiệt huyết và có trình độ, năng lực và bản lĩnh vững vàng như vậy.

* P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

“Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị chưa đi kịp với tốc độ đô thị hóa, với tốc độ phát triển kinh tế và với nhịp sống hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng chương trình “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” là nhằm chú trọng hơn nữa đến lĩnh vực này, tạo cú hích thúc đẩy việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của thành phố ngày càng đi vào nền nếp, thành động lực thực sự cho phát triển của thành phố.”

Đồng chí Trần Thọ

NGUYỄN THÀNH thực hiện

;
.
.
.
.
.