Chọn Đà Nẵng là quê hương thứ hai

.

Nhiều du khách Nhật Bản đến Đà Nẵng “phải lòng” và yêu mến thành phố này, nên đã chọn nơi đây là nhà, là quê hương thứ hai để sống và gắn bó.

Ảnh: HÀ QUỐC TẤN
Ảnh: HÀ QUỐC TẤN

Đến Đà Nẵng từ năm 2006, ông Nakamori Katsuyuki (73 tuổi) chứng kiến sự thay đổi của thành phố biển bên sông Hàn. Ông Nakamori từng sống ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhưng khi đến Đà Nẵng, ông quyết định ở lại thành phố này.

Khi còn ở Nhật, ông Nakamori làm kinh doanh, chuyên gia thẩm định đá quý. Đến tuổi nghỉ hưu, ông muốn trở thành thầy giáo dạy tiếng Nhật tại Đà Nẵng.

Ông Nakamori Katsuyuki (bìa trái) hướng dẫn các bạn trẻ trong một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ trà đạo Nhật Bản tại Đà Nẵng.
Ông Nakamori Katsuyuki (bìa trái) hướng dẫn các bạn trẻ trong một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ trà đạo Nhật Bản tại Đà Nẵng.

Ông Nakamori chia sẻ, vì muốn giới thiệu văn hóa, truyền thống, kinh tế, lịch sử của Nhật Bản với các bạn trẻ Việt Nam nên trước khi sang đây, ông dành 2 năm để học nghiệp vụ sư phạm. Hơn nữa, ông cũng muốn vun đắp tình yêu tiếng Nhật cho các bạn trẻ Việt Nam.

Ngoài việc dạy học, ông Nakamori còn là chủ nhiệm câu lạc bộ trà đạo lớn nhất ở Đà Nẵng, duy trì sinh hoạt thường xuyên 2 lần/tháng. Không những thế, mỗi khi có những hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông cũng tham gia biểu diễn để góp phần quảng bá văn hóa của xứ sở hoa anh đào.

Thầy giáo trẻ Matsuura Hiromu rất thích không khí ấm áp của Tết cổ truyền Việt Nam và anh hy vọng sẽ có cuộc sống ổn định, lâu dài ở Đà Nẵng. Ảnh: N.H
Thầy giáo trẻ Matsuura Hiromu rất thích không khí ấm áp của Tết cổ truyền Việt Nam và anh hy vọng sẽ có cuộc sống ổn định, lâu dài ở Đà Nẵng. Ảnh: N.H

Hơn 10 năm sống tại Đà Nẵng, ông Nakamori có thói quen như người địa phương: đi xe máy. Thỉnh thoảng ông đi chơi, thăm thú bạn bè bằng xe máy. Những lúc rảnh rỗi, ông chạy xe máy đến những khu vực ven thành phố để cảm nhận không khí thoáng đãng hơn. Với ông, Tết Việt Nam rất đặc biệt. “Tôi đã trải qua nhiều cái Tết ở Việt Nam. Tôi thích đón Tết một mình trong yên tĩnh nhưng vào những ngày cuối năm, tôi cũng đi mua sắm một vài thứ. Sau đó, tôi về nhà nghe nhạc và đọc vài cuốn sách. Vào ngày Tết, tôi thường chạy xe máy khắp nơi để ngắm thành phố”, ông Nakamori chia sẻ.

Trong khi đó, có gần 6 năm sống tại Đà Nẵng, anh Matsuura Hiromu (30 tuổi) xem Đà Nẵng là nhà, là quê hương thứ hai của anh. Matsuura bày tỏ, lúc đầu anh chỉ định ở lại Đà Nẵng 2-3 năm rồi về Nhật làm giáo viên, nhưng chính cái tình của đất và người đã giữ chân anh. Matsuura cảm nhận rõ sự thân thiện của người dân địa phương và càng lúc càng thêm yêu mến thành phố này.

Ảnh: VÕ VĂN ÁNH
Ảnh: VÕ VĂN ÁNH

Một điều khác cũng níu chân Matsuura, đó là ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, du khách dễ dàng bắt gặp chợ truyền thống, trong khi chợ truyền thống không còn hiện diện ở Nhật Bản. Matsuura thích ngắm không khí buôn bán nhộn nhịp ở chợ để phần nào cảm nhận về cuộc sống của họ.

Khi được hỏi về Tết truyền thống của người Việt, Matsuura bày tỏ, người Nhật không đón Tết theo âm lịch nên từ khi sinh sống ở Đà Nẵng, anh đã trải qua 5 cái Tết truyền thống của Việt Nam. Anh thích không khí ấm áp của ngày Tết, cùng đi thăm nhà các đồng nghiệp, cùng chúc năm mới tốt lành, ăn bánh chưng, uống bia… Anh cũng dành thời gian đi khắp đất nước, ngắm cảnh người dân Việt Nam đón Tết ở Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh. Năm nay, sau khi đến thăm nhà các đồng nghiệp, anh sẽ bắt đầu chuyến du lịch, khám phá các vùng đất của Việt Nam.

Anh Matsuura cũng mong muốn làm cầu nối, đưa văn hóa Nhật Bản đến gần hơn với người dân Việt Nam. Bản thân anh đến từ tỉnh Nagasaki - địa phương có nền văn hóa mang đậm tính nhân văn và cả văn hóa ẩm thực độc đáo. Anh Matsuura còn hy vọng sẽ sớm tìm được người “tâm đầu ý hợp” tại Việt Nam để cùng xây dựng gia đình và có cuộc sống ổn định, lâu dài tại Đà Nẵng.

NHẬT HẠ

;
.
.
.
.
.