Chàng kỹ sư Đà Nẵng và khát vọng đưa ngành bán dẫn vươn tầm thế giới

.

Từ năm 2013, anh Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc kỹ thuật, Trưởng văn phòng tại Đà Nẵng, Công ty Synopsys (Mỹ) ở Việt Nam, đã nung nấu ý định phát triển ngành vi mạch ở Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung để bản thân, cũng như các bạn sinh viên sau này không phải đi đâu cả, chỉ cần ở Đà Nẵng vẫn có thể làm được công việc trình độ cao, thiết kế những sản phẩm công nghệ mang tầm quốc tế.

Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (bìa trái) thăm văn phòng tại Đà Nẵng, Công ty Synopsys (Hoa Kỳ). Ảnh: NGỌC HÀ
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng (bìa trái) thăm văn phòng tại Đà Nẵng, Công ty Synopsys (Hoa Kỳ). Ảnh: NGỌC HÀ

Nỗ lực của chàng kỹ sư Đà Nẵng

Khá khiêm tốn khi kể về công việc của mình, nhưng những gì Nguyễn Bảo Anh làm được là nỗ lực bền bỉ suốt gần 20 năm tiếp xúc và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Nguyễn Bảo Anh (SN 1983) lớn lên và học tập tại thành phố Đà Nẵng, tốt nghiệp Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), khóa 2002-2007.

Ra trường vào thời điểm ngành bán dẫn chỉ manh nha phát triển và hoạt động chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo Anh vẫn chưa biết sẽ làm gì với tấm bằng trên tay. Như một cái duyên, anh tiếp cận và làm việc tại một công ty công nghệ có trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, mở chi nhánh tại Đà Nẵng.

Một năm sau, Nguyễn Bảo Anh được công ty cử đi học cao học ở Hàn Quốc hai năm về ngành bán dẫn, mảng Analog Mixed Signal (AMS) là một trong những mảng thiết kế vi mạch tốc độ cao, hoàn toàn mới so với mảng làm bộ nhớ trước đây. Hai năm sau trở về Đà Nẵng, Bảo Anh xây dựng một nhóm làm việc chuyên về mảng này. Bắt đầu đi từ những sản phẩm đơn giản, rồi đến những sản phẩm phức tạp hơn. Dần dần, trình độ thiết kế mà nhóm làm không thua gì các nhóm khác ở Việt Nam thời điểm đó.

Từ năm 2015, nhóm đã làm ra những sản phẩm đa khuôn (multidie), lúc đó thế giới vẫn chưa phổ biến. Trong những dịp gặp gỡ với các đối tác bên Mỹ, anh nhận thấy xu hướng tương lai của công nghệ này nên định hướng nhóm tiếp tục tập trung nghiên cứu và phát triển sâu hơn. Đến năm 2019, công ty Bảo Anh đang công tác được Tập đoàn Synopsys mua lại. Ở công ty mới, nhóm có thêm nguồn lực để tiếp tục phát triển và phát triển rất nhanh; trong vòng 3 năm, số lượng công việc tăng gấp 3 lần.

Theo chia sẻ của Bảo Anh, mảng thiết kế vi mạch khá đặc thù, không đứng lại một chỗ bởi nhu cầu chip tăng nhanh theo từng năm và công nghệ thay đổi liên tục. Ngoài ra, đây là ngành công nghệ đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn vì cái giá phải trả cho sai sót là rất lớn. Ví dụ với ngành IT, khi một phần mềm gặp lỗi sai có thể sửa và vá nhanh chóng. Nhưng thiết kế chip, lỗi sẽ phải trả giá bằng nhiều triệu USD và thời gian để khắc phục tính bằng đơn vị năm.

“Mình tưởng tượng như thế này nhé, cả một đội nhóm thiết kế cho ra sản phẩm; thiết kế đó được đưa qua nhà sản xuất, đóng gói; sau khi ra thành phẩm, con chip đó lại quay trở lại đội ngũ thiết kế để kiểm tra chạy tốt không mới chuyển đến khách hàng để kiểm thử cho sản xuất hàng loạt. Giai đoạn thiết kế mất khoảng 1 năm tùy dự án, dự án khó đến 2 năm. Với công nghệ nano thì việc sản xuất con chip chi phí lên đến hàng triệu USD, mà quy trình sản xuất khoảng 3-4 tháng rồi mới quay lại chỗ thiết kế, mất thêm 1 năm.”, Bảo Anh phân tích.

Nhưng khó khăn đó theo Bảo Anh cũng là lợi thế với kỹ sư vi mạch. Người theo nghề vi mạch càng có nhiều kinh nghiệm thì giá trị định vị bản thân càng cao. Vì chỉ khi đi vào môi trường thực tiễn, trải nghiệm trên các sản phẩm chip mới tích lũy được kinh nghiệm; trong khi ngành IT, kỹ sư phần mềm chỉ cần cái laptop là họ có thể code hoặc tự học ngôn ngữ lập trình để bổ sung kiến thức cho nên độ cạnh tranh lớn hơn nhiều so với ngành vi mạch.

“Gần 20 năm gắn bó với lĩnh vực vi mạch, tôi rất vui với những gì mình làm được. Dù công việc của tôi mọi người xung quanh, thậm chí cả gia đình vẫn chỉ biết chung chung đó là ngành công nghệ. Nhưng tôi tin, trí tuệ của người Việt Nam đủ trình độ để bước vào sân chơi công nghệ đẳng cấp cao miễn là chúng ta tự tin, nỗ lực và tập trung phát triển nâng cấp bản thân, đội ngũ từng ngày”, Bảo Anh nói.

Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc kỹ thuật, Trưởng văn phòng tại Đà Nẵng, Công ty Synopsys (Hoa Kỳ) tại Việt Nam chia sẻ về nghề với sinh viên Trường Đại học Bách khoa.Ảnh: NGỌC HÀ
Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc kỹ thuật, Trưởng văn phòng tại Đà Nẵng, Công ty Synopsys (Hoa Kỳ) tại Việt Nam chia sẻ về nghề với sinh viên Trường Đại học Bách khoa.Ảnh: NGỌC HÀ

Trí tuệ Việt Nam được khẳng định

Khi được hỏi cảm nhận của bản thân đối với hình ảnh CEO của Tập đoàn Intel (Mỹ) Pat Gelsinger trình làng mẫu chip 3nm đầu tiên sử dụng công nghệ kết nối đa khuôn do đội ngũ Synopsys Việt Nam thiết kế, Nguyễn Bảo Anh cho rằng mình rất tự hào khi nhìn thấy sản phẩm từ những nỗ lực của đội ngũ kỹ sư Việt Nam tài năng được đón nhận bởi thế giới. Đặc biệt hơn nữa khi đây là một sản phẩm quan trọng của xu hướng thiết kế chip tương lai với công nghệ kết nối đa khuôn rất phức tạp như UCIe tốc độ cao mà chưa một nơi nào trên thế giới từng công bố ngoài Synopsys.

“Trước đây, mỗi chip có một khuôn (die) bằng móng tay có thể chứa hàng tỷ linh kiện, song kích thước của linh kiện khi đạt đến giới hạn gần phân tử không thể nhỏ hơn được nữa, dẫn đến việc đưa thêm linh kiện lên trên một khuôn là không còn khả thi trong khi nhu cầu về chức năng và hiệu năng của thị trường chip không dừng lại. Do đó, cần một công nghệ mới cho phép hàng chục khuôn kết nối với nhau trong cùng một con chip, tạo ra không gian xử lý lớn hơn, giúp tăng khả năng và tốc độ của chip lên tới nhiều lần là xu hướng tất yếu”, Bảo Anh chia sẻ.

Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc kỹ thuật, Trưởng văn phòng tại Đà Nẵng, Công ty Synopsys (Hoa Kỳ) tại Việt Nam chia sẻ về nghề với sinh viên Trường Đại học Bách khoa.Ảnh: NGỌC HÀ
 

“Đi nơi này, nơi kia, mình cảm thấy người miền Trung nói chung, người Đà Nẵng nói riêng có những đặc trưng phù hợp với ngành kỹ thuật đó là thẳng và thật; những vấn đề kỹ thuật tiếp cận trực diện và logic.

Theo Nguyễn Bảo Anh, đội ngũ AMS Synopsys Việt Nam tự hào khi được Tập đoàn Synopsys (Mỹ) giao chịu trách nhiệm sáng tạo, thiết kế và phát triển dòng sản phẩm lõi IP cho giao tiếp đa khuôn (multi-die PHY IP) cùng với các đội nhóm hỗ trợ khác trên thế giới cho nên nhóm luôn nỗ lực để bảo đảm vị thế dẫn đầu của công ty về lĩnh vực này trong xu thế phát triển chung của ngành bán dẫn toàn cầu.

Hiện nhóm AMS của anh có gần 200 nhân viên làm việc tại Việt Nam trải dài tại 3 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng; trong đó đội ngũ tại Đà Nẵng có khoảng 100 nhân viên. Những nhân viên làm việc tại Đà Nẵng chủ yếu tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa, là người Đà Nẵng và miền Trung.

Trong tương lai, Bảo Anh mong muốn xây dựng được lực lượng ngành vi mạch thật lớn mạnh tại chính Đà Nẵng, với những sản phẩm có trình độ cao, công nghệ khó. Họ không phải đi đâu cả, chỉ cần ở Đà Nẵng vẫn có thể thiết kế những sản phẩm công nghệ mang tầm quốc tế để nâng tầm bản thân và thỏa mãn được đam mê công nghệ vi mạch.

“Đi nơi này, nơi kia, mình cảm thấy người miền Trung nói chung, người Đà Nẵng nói riêng có những đặc trưng phù hợp với ngành kỹ thuật đó là thẳng và thật; những vấn đề kỹ thuật tiếp cận trực diện và logic. Thứ nữa, Đà Nẵng chất lượng cuộc sống tốt. Đó là cơ sở để thu hút cũng như giữ chân nguồn nhân lực công nghệ nói chung và lĩnh vực vi mạch nói riêng. Nhưng để phát triển ngành vi mạch tại Đà Nẵng không hề dễ dàng. Bởi, Đà Nẵng chưa là cái tên mà các doanh nghiệp thiết kế vi mạch nghĩ đến khi đầu tư vào Việt Nam. Bản thân mình khi làm việc với khách hàng đều nói tôi là người Đà Nẵng, muốn họ biết rằng Đà Nẵng vẫn có kỹ sư giỏi, làm được công nghệ cao. Hy vọng dần dần cái tên Đà Nẵng sẽ quen thuộc với họ. Tại Đà Nẵng, chính quyền, các doanh nghiệp cũng như các trường đại học bắt đầu dành nhiều quan tâm hơn đến lĩnh vực bán dẫn. Mình cho rằng đây là tín hiệu tốt và chờ đợi những động thái quyết liệt hơn”, Bảo Anh trải lòng.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.