.
Phận đời nghiệt ngã

Bài 3: Đau đáu những phận người

.

Không một ai sinh ra lại nghĩ rằng, ngày nào đó mình bị căn bệnh quái gở kia hành hạ. Đối với những người không may mắn, đây là nỗi đau đớn, cùng cực nhất của cuộc đời. Nhưng rồi bệnh nhân đau một thì người thân đau mười. Đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ, những nhân viên chăm sóc nếu không đồng cảm với nỗi đau bệnh tật của người khác thì không thể sống với nghề.

        >> Bài 2: Về với đời thường bằng liệu pháp điều trị?
        >> Bài 1: Vào với thế giới người bệnh

Người bệnh khi bình thường có thể làm tốt những việc như cắt tóc cho BN khác.

Trong giờ thăm bệnh, một người mẹ trẻ (quê xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) bắt chuyện với chúng tôi: “Nghe nói bệnh ni điều trị lâu lắm. Có khi hết tiền rồi cũng chưa khỏi”. “Sao chị lại nghĩ vậy?”. Như được gợi mở, chị thổ lộ: “Thì con bé nhập viện được hơn 4 tháng mà tiêu tốn cả mười mấy triệu bạc rồi. Nhà làm nông, có mấy sào ruộng, mỗi vụ thu vài ba triệu.

Nghĩ mà buồn em à, con bị bệnh, nhà đâu còn thứ chi đáng giá mà bán, hết chỗ mượn thì đi vay nóng, phải tìm mọi cách để cứu con thôi”. Nhìn vào đứa trẻ 8 tuổi được các bác sĩ chẩn đoán mắc chứng bệnh bại não, rối loạn trương lực cơ, đầu và tay chân luôn co giật, tôi đoán chẳng người mẹ nào có thể vì lý do tiền bạc mà bỏ con lúc này.

Ở khoa Nhi, tôi còn được nghe nhiều hơn về những mảnh đời cơ cực dội xuống các phận đời. Cha mẹ cu Tuấn (một đứa trẻ gần 6 tuổi được điều trị tại BV) đã khánh kiệt tài sản với đứa con bất hạnh của mình. Có lẽ tài sản đáng giá nhất của gia đình còn lại nơi căn nhà cũ kỹ ở Điện Ngọc là cái bếp gas, mấy cái soong nồi lem luốc, và chai dầu ăn cũng bị kẻ gian đánh cắp sau những ngày dài không có chủ. 

Bất hạnh hơn, những người bị bệnh nặng đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bệnh nhân nội tỉnh được thành phố hỗ trợ thuốc men, viện phí. Riêng BN ngoại tỉnh phải trả tiền hoàn toàn sau một thời gian quy định. Có những người bệnh vốn là trụ cột kinh tế của gia đình, nay trở nên héo hắt trong buồng bệnh. Ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần, hẳn tất cả cán bộ, nhân viên đều không thể quên hình ảnh một người mẹ “lạy như tế sao” để van xin cho con ở lại trung tâm vì “cho nó về là nó giết cha, giết mẹ”.
 
Nếu không đồng cảm, sẽ không ai có thể hiểu được nỗi đau của người mẹ muốn rứt bỏ con mình? Các điều dưỡng ở đây còn cho biết về một người mẹ vừa mới sinh con đã bị chồng ruồng bỏ. Xót xa thay, hai đứa bé chào đời đã bị mù lòa hết cả hai. Mẹ phát bệnh nặng, nói năng nhảm nhí, con mò mẫm học chữ ở Trường Nguyễn Đình Chiểu đến khoe với mẹ trong sự đau đớn vô biên.

Cô Sáu, một người mẹ dáng gầy gò, khắc khổ từ đồng quê lam lũ Phú Yên ra thăm con vào ngày chủ nhật. Vừa đút cho con những thìa cháo của tình mẫu tử, cô vừa kể cho tôi nghe những chi tiết hết sức xúc động về một người mẹ đồng cảnh ngộ. Khi bà lôi từ trong chiếc giỏ ra một nải chuối đưa cho con ăn, bà vứt cái vỏ ra sân thì BN liền nhặt lấy cái vỏ chuối cho vào miệng và nhìn mẹ đầy vẻ biết ơn: “Ăn chuối để chữa bệnh đau đầu phải không mẹ, khi mô hết bệnh con về xóc (sảy) lúa cho mẹ nghe”. Người phụ nữ chưa kịp âu yếm, vỗ về con đã phải nhập viện bởi chiếc xe tải tông vào trong lúc qua đường mua cho con bao thuốc lá.

Những lúc có tổ chức hay cá nhân làm từ thiện tới thăm, các BN và người thân dường như được an ủi phần nào. Chỉ có gần gũi, tiếp cận với những cảnh đời éo le kia mới thấy: Hơn lúc nào hết, họ cần sự giúp đỡ từ những bàn tay nhân ái để vơi bớt sự cô đơn, mặc cảm và định kiến của người đời về căn bệnh.

Thử thách của các điều dưỡng viên là tiếp xúc được BN, lắng nghe và trò chuyện với họ mà không bị làm hại. Điều dưỡng Long thổ lộ: “Trước khi tới với BN, tự mình phải chuẩn bị tâm lý cho bản thân, vì không làm tốt cho mình thì làm sao có thể làm tốt cho BN?”. Ở đây nhiều năm, các bác sĩ chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh BN đập phá, rồi xé áo, tước sợi chiếu làm dây treo cổ, có người trèo lên ngọn cây cao chực tự tử... hoặc trước những thân thể bị ghẻ lở đầy mình làm sao tắm giặt cho họ, rồi giúp BN nữ trong những “ngày ấy” đối với nhân viên nam là một công việc đòi hỏi cái tâm ở con người đức độ.

Tôi biết, ở BVTT còn có BN nhiễm HIV, sự nguy hiểm chực chờ bất cứ lúc nào với người phục vụ, nếu họ thiếu thiện cảm. Trong tổng số 40 cán bộ, nhân viên của Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần, chỉ có duy nhất 1 bác sĩ. Con số này quả là khiêm tốn so với trên 300 người bệnh tại đây. Ở BVTT, số bác sĩ là 29 quản lý trên 200 người bệnh điều trị tập trung (trong đó, thực hiện cả khoa khám bệnh tâm thần). Lý giải vì sao có thể ở lại công tác và gắn bó lâu dài nơi đây, bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc BVTT nói một câu rất gọn: “Chỉ có thương bệnh nhân mới sống được với nghề”.

Chính vì sự khác biệt giữa BN thông thường và BN tâm thần cho nên sự vất vả sẽ chồng lên gấp bội đối với những người làm công tác ở đây. Vậy mà có người đã phục vụ ở BV tròn 30 năm như điều dưỡng Lành. Hơn ai hết, tập thể các y, bác sĩ hiểu rằng, họ đang đối mặt với một trọng trách to lớn, đôi vai họ có thể nặng trĩu vì gánh những cuộc đời “lỡ dở” trên vai. Ngoài hệ số lương Nhà nước và phụ cấp theo quy định, không ai có thêm khoản thu nhập nào khác.

Bác sĩ ở BVTT thì mấy ai mở phòng mạch. Trong nghề với nhau, thừa hiểu nhưng ít có bác sĩ công tác trong ngành tâm thần nào lại “mở mày mở mặt” với đồng nghiệp. Ai ra trường cũng muốn tìm về những BV lớn, được “bơi” thỏa sức trong những lĩnh vực “hái ra tiền”, được thể hiện tay nghề ở những nơi đẳng cấp. Song, dù cho cơ chế thị trường có đòi hỏi con người tìm tới những vật chất xa hoa, làm khuynh đảo cuộc sống thì lời thề trước Ông Tổ ngành Y mãi mãi là kim chỉ nam đeo đuổi người thầy thuốc đến hơi thở cuối cùng. 

Ghi chép của XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.