.

Du lịch phát triển không xứng tầm

.

* Rất cần lộ trình tăng lương
* “May mắn vỡ đập không gây thảm họa”

Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.  Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu Quốc hội đều nhất trí với Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hoàng Tuấn Anh rằng, tiềm năng về du lịch của Việt Nam là rất lớn so với các nước trong khu vực, nhưng đến bao giờ phát triển xứng tầm thì dường như chưa có câu trả lời.

Sáng 13-6, Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Một số đại biểu (ĐB) Quốc hội đã đề cập đến việc giải quyết tình trạng chặt chém du khách như một trong những giải pháp căn cơ để cải thiện hình ảnh du lịch của nước ta. Đây cũng là một nội dung trong chủ đề giải pháp để khắc phục những tồn tại để thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, thương hiệu của Việt Nam, điểm đến của Việt Nam về lĩnh vực này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “đặt hàng” cho phiên chất vấn.

“Chặt chém” làm xấu bộ mặt du lịch Việt Nam

ĐB Nguyễn Hoài Phương nêu thực trạng chèo kéo, đeo bám, chặt chém du khách trong và ngoài nước, chất lượng sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, kém hấp dẫn khó thu hút khách trở lại lần hai, rồi yêu cầu Bộ trưởng đưa ra các giải pháp ngăn chặn. Còn ĐB Nguyễn Thanh Hải nhận định, ngành du lịch thu hút đông du khách đến Việt Nam song chưa phát triển xứng với tiềm năng và thế mạnh. Mặc dù các nước như Thái Lan, Malaysia có rất ít di sản so với Việt Nam, song xếp hạng du lịch của Việt Nam đứng sau các nước này. Ông mong vị “tư lệnh” ngành cần chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này.

Thừa nhận đây là một vấn đề cần khắc phục của du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh giải bày: “Việc chặt chém du khách khiến những hình ảnh tác động vào con mắt của du khách làm cho người ta phiền lòng. Vừa rồi ngành du lịch đã có chỉ đạo liên quan đến vấn đề này đồng thời nêu ra các giải pháp vực dậy nền du lịch Việt Nam”. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhận lỗi về tình trạng chặt chém, dịch vụ “ăn theo”. “Về dịch vụ ăn theo, chặt chém... trong du lịch mà ĐB phản ánh, tôi nhận trách nhiệm về mình, có trách nhiệm của Bộ trưởng, của tư lệnh ngành”, Bộ trưởng nói. Song Bộ trưởng cũng khẳng định, tình trạng “chặt chém” có xảy ra nơi này nơi kia, chỗ này chỗ nọ, chứ không phải tất cả. Bộ trưởng nêu ví dụ như ở Đà Nẵng, Hội An không có tình trạng này. “Tôi tin rằng chặt chém là không văn minh, khi việc đó xảy ra chúng ta phải có trách nhiệm. Ở một số nơi nào đó xảy ra thì đề nghị chúng ta phải kiểm soát kỹ việc này sẽ trình Thủ tướng chỉ thị về lập lại trật tự văn minh”, Bộ trưởng bày tỏ. Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ trình Chính phủ một nghị quyết để giải quyết tình trạng này, để Việt Nam trở thành điểm đến an toàn, thân thiện. “Ngay trong tháng 6 này, thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt để xây dựng hình ảnh Du lịch Việt Nam”, Bộ trưởng cam kết.

Mình lên đến 20 triệu thì người ta lên đến  30-40 triệu du khách

ĐB Nguyễn Thanh Hải đưa ra con số thống kê cho thấy, du lịch Việt Nam chưa phát triển tương xứng tiềm năng và thế mạnh. ĐB dẫn số liệu: Việt Nam có 9 di tích là di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới được UNESSCO công nhận, Thái Lan có 3, Malaysia có 2, Singapore không có. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, ngành Du lịch Việt Nam xếp thứ 80 trên 139 quốc gia được xếp hạng, Malaysia thứ 35, Thái Lan xếp thứ 31, Singapore thứ 10.

Không có lý gì không tổ chức được

ĐB Lê Trọng Sang đặt vấn đề: “Tôi nghe kinh phí dành cho tổ chức sự kiện ASIAD là 150 triệu USD. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn như hiện nay, số tiền này có quá nhiều không?”. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Chúng tôi thấu hiểu tình hình kinh tế đất nước, nhưng đây là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, có ý nghĩa cả về văn hóa, kinh tế, chính trị, ngoại giao... và đặc biệt đối với thể thao. Theo Bộ trưởng, các nước trong khu vực cũng đã tổ chức ASIAD và Việt Nam không có lý gì không tổ chức được. “Chúng ta có khó khăn thật nhưng cũng có cách xử lý. Trước hết, chúng ta đã có 80% cơ sở vật chất hiện có. 150 triệu USD chi phí cho ASIAD đúng là lớn trong điều kiện kinh tế khó khăn. Thế nhưng trong mục tiêu dài hạn và trong tương lai, chúng tôi nghĩ Việt Nam sẵn sàng đăng cai Olympic quốc tế”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ khẳng định: hình ảnh du lịch Việt Nam vẫn đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Nhận thấy bộ trưởng còn chưa trả lời đúng câu hỏi của ĐB, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng truy vấn đối với vị “tư lệnh” ngành Du lịch Việt Nam: “Đến 2020, du lịch Việt Nam có ngang tầm du lịch khu vực được không?”. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho hay, năm 2012, Malaysia hiện có 24 triệu lượt khách du lịch; Thái Lan 21 triệu lượt khách; Singapore 14 triệu lượt khách; năm vừa rồi Việt Nam 6,8 triệu lượt khách. Đến 2020, trong Chiến lược phát triển ngành Du lịch của nước ta phấn đấu 10 – 10,5 triệu lượt khách và doanh thu từ du lịch 18 đến 20 tỉ USD. Hiện nay, chúng ta phấn đấu đến 2015 đạt 7,5 triệu lượt khách và doanh thu khoảng 9 – 10 tỷ USD. “Tiềm năng là rất lớn nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực đòi hỏi chúng ta phải phấn đấu nhiều, nỗ lực nhiều, chung tay góp sức của người dân, doanh nghiệp…”, Bộ trưởng tiếp tục “né” không trả lời cụ thể vào câu hỏi chất vấn.

Không hài lòng, Chủ tịch Quốc hội tiếp trục “truy”: “Chưa ngang bằng được phải không? Mình lên đến 20 triệu du khách thì người ta lên đến 30 – 40 triệu du khách mà?”. Vị Bộ trưởng tỏ ra “chống chế”: “Số liệu đề ra như thế là hợp lý, phải liệu cơm gắp mắm”.

Trách nhiệm quản lý lễ hội thuộc về các tỉnh

Đề cập về công tác lễ hội, ĐB Phạm Thị Trung nhận xét, các lễ hội tràn lan với các kịch bản không nổi bật, phần lễ và phần hội biến tướng, quản lý nhà nước khi quá sâu, khi lại buông lỏng. ĐB Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng, mỗi năm có 9.000 lễ hội, song nhiều lễ hội thấm đẫm màu sắc mê tín dị đoan, thương mại hóa, gây phiền toái cho người dân, chưa kể bùng phát tệ nạn xã hội. Ông đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ VH-TT-DL. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thông tin, lễ hội dân gian chiếm 95% tổng số lễ hội, Bộ đang dự thảo đề án quy hoạch lại, giảm tần suất festival ngành nghề, những ngày văn hóa thể thao du lịch. Bộ cùng các tỉnh cần tăng cường kiểm tra di tích an ninh, an toàn, lễ hội lớn phải có phương án đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, trách nhiệm chính quản lý lễ hội thuộc về các tỉnh. Ông cũng đề nghị các ĐB Quốc hội ở các địa phương giám sát các hoạt động này.

Trả lời câu hỏi về ĐB Nguyễn Thanh Thảo về việc hòn đá lạ ở đền Hùng có là mê tín dị đoan không, Bộ trưởng Văn hóa cho biết, sau khi báo chí phản ảnh, đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra và thấy hòn đá do cá nhân cung tiến, trên có nhiều chữ viết lạ. Đây là hành vi vi phạm luật di sản, Bộ đã có công văn yêu cầu đưa hòn đá ra khỏi đền Hùng và việc này đã được thực hiện. “Theo quy định, đảm bảo nguyên trạng di tích gốc. Đây là di tích quốc gia đặc biệt nên mọi tu bổ phải có ý kiến của Bộ. Nếu địa phương báo cáo thì chúng tôi có cả hội đồng tư vấn xem xét. Đây là bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý di tích, chúng tôi đề nghị xã hội hóa nhưng không được hiện đại hóa di tích”, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.

Rất cần lộ trình tăng lương

Chiều 13-6, chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền, ĐB Trần Thanh Hải cho rằng theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2013, cầu lao động tăng 0,9% nhưng Bộ LĐ-TB-XH lại xin giãn lộ trình điều chỉnh tiền lương. “Vậy xin hỏi Bộ trưởng, khi tham mưu cho Chính phủ về tiền lương tối thiểu, Bộ LĐ-TB-XH có tính đến quy luật cung - cầu và tính đến niềm mong chờ của người lao động đối với việc điều chỉnh tiền lương chưa?”, ĐB Trần Thanh Hải đặt câu hỏi. Vị ĐB này cho rằng, điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2013, công bố ngày 4-12-2012, chỉ có 26 ngày để chuẩn bị, gây khó cho doanh nghiệp. Mức điều chỉnh tăng cũng thấp hơn so với mức thấp nhất so với các phương án mà Bộ LĐ-TB-XH đã trình Chính phủ. Hệ quả là quan hệ lao động diễn biến hết sức phức tạp. “Vậy xin hỏi, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2014 tới đây, còn tái diễn tình trạng này không?”, ĐB Trần Thanh Hải nêu câu hỏi thứ 2.

 Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, hàng năm, theo nghị quyết của Trung ương, Bộ LĐ-TB-XH xây dựng lộ trình quy định tăng lương tối thiểu để các doanh nghiệp có cơ sở căn cứ để trả lương cho người lao động. Năm 2012, khi xây dựng tiền lương tối thiểu vùng, mức cao nhất là trên 2 triệu đồng thì có 2 luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng tăng như vậy mới đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Còn ý kiến thứ 2 lại cho rằng tăng như vậy là không biết chia sẻ với doanh nghiệp bởi trong lúc doanh nghiệp khó khăn lại tăng lương, làm cho doanh nghiệp càng khó khăn. Tuy nhiên, bà Chuyền nói: “Là cơ quan làm chính sách, chúng tôi thấy rất cần lộ trình và quy định 4 vùng để tăng lương, vì nó phù hợp trong bối cảnh khó khăn. Người lao động và doanh nghiệp phải cùng chia sẻ “. Phân trần về việc mức tăng lương không được như mong muốn, Bộ trưởng cho biết mức tăng như đã thực hiện là đã tính đến cả hai yếu tố quyền lợi của người lao động và trách nhiệm của doanh nghiệp.

Theo lịch trình, đầu giờ sáng hôm nay (14-6), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền tiếp tục trả lời chất vấn các ĐBQH. Tiếp đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Buổi chiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của ĐBQH.

“May mắn vỡ đập không gây thảm họa”

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 13-6 về sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, sự cố vỡ đập xảy ra vào thời điểm không phải là mùa lũ, chứng tỏ thi công rất ẩu. Phó thủ tướng đã chỉ đạo phải kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm. “Đập đất không phải là không bền vững nhưng đòi hỏi phải thi công theo đúng tiêu chuẩn. Rất may là không dẫn đến chết người và cũng may là xảy ra ban ngày, không phải mùa lũ, tích đầy nước. Cách làm như thế là không thể chấp nhận được”, Phó Thủ tướng nói. Theo ông, từ sự cố này, phải thật sự nghiêm túc xem xét xem trách nhiệm ở tất cả các khâu, từ thiết kế, thi công đến nghiệm thu, vận hành… Và không phải vì chưa xảy ra chết người mà không xử lý trách nhiệm. “Đây là may, ăn may chứ nếu không đã thành thảm họa, nếu không xử lý nghiêm thì rất nguy hiểm. Đừng có hy vọng những trường hợp sau sẽ gặp may như thế nữa mà thiệt hại sẽ rất lớn”, ông Hải nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã giao UBND tỉnh Gia Lai khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố vỡ đập công trình thủy điện nhỏ Ia Krêl 2; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra sự cố và trách nhiệm các sở, ngành của tỉnh trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý đầu tư xây dựng tại công trình thủy điện Ia Krêl 2.

P.V tổng hợp

;
.
.
.
.
.