.

Nhớ anh Mai Thúc Lân

.

Trước khi anh Mai Thúc Lân về công tác ở Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi chưa gặp anh lần nào mặc dù đã nghe tên anh từ lâu. Khi Trung ương quyết định anh về làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, lúc đó, tôi vừa được đề bạt Chánh văn phòng Tỉnh ủy.

Ngày 28-3-1994, anh Lân đáp chuyến bay chiều từ Hà Nội đến sân bay Đà Nẵng để kịp ngày hôm sau dự Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh kéo dài 3 ngày, từ ngày 29-3 đến 31-3-1994. Tôi được giao nhiệm vụ cùng một vài anh em Văn phòng Tỉnh ủy đi đón anh. Anh không ra bằng cửa VIP mà đi như một hành khách bình thường. Một người gầy nhỏ, mặc bộ vét màu xanh nhạt, dáng nhanh nhẹn, vẻ mặt cương nghị, lẫn trong dòng người đông đúc, nhưng tôi nhận ra ngay, vì anh giống các anh Mai Thúc Long, anh Mai Quốc Liên - những người mà tôi từng tiếp xúc.

Phút gặp gỡ giản dị, rất ngắn gọn, không xã giao, như đã quen biết từ trước. Chúng tôi đưa anh về Nhà khách Ủy ban ở số 4 Trần Phú để gặp gỡ và tranh thủ hội ý với  Thường trực Tỉnh ủy về công việc ngày mai. Vậy là từ đây, anh lại gắn bó một giai đoạn dài với quê hương thân yêu sau 40 năm xa cách.

Về chỗ ở cho Bí thư, anh Lân ngỏ ý không yêu cầu nghỉ ở nhà khách Tỉnh ủy lúc ấy ở số 4 Trần Quý Cáp hay bố trí một nhà riêng nào khác, mà chỉ cần ăn nghỉ ngay tại cơ quan số 72 Bạch Đằng - một ngôi nhà cũ, hơi ọp ẹp, có tuổi đời hơn 100 năm, được xây dựng từ thời Pháp, không như tòa nhà khang trang xây mới như hiện nay. Anh Ngô Hạnh lúc ấy là Phó Văn phòng đã cho dọn dẹp chu đáo, kê lại bàn làm việc, salon tiếp khách, nhưng dù sao anh chị em phục vụ cũng rất áy náy vì nơi làm việc của người đứng đầu Đảng bộ vẫn quá khiêm tốn.

Về báo chí, anh Lân nói trước đây thế nào thì nay cứ như vậy, riêng anh chỉ đề nghị phải có thêm tờ tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay lúc ấy, tôi nhận ra rằng, các anh em họ Mai của anh đều có “máu” văn chương nghệ thuật cả, từ ông Mai Thúc Luân, đến Mai Thúc Long, rồi người em của anh là nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên.

Công việc của một Bí thư Tỉnh ủy như anh Mai Thúc Lân ở thời điểm ấy rất nhiều. Tôi chỉ ghi lại vài kỷ niệm mà tôi biết về mối quan tâm của anh Lân đối với sự nghiệp phát triển văn hóa - văn nghệ và với  văn nghệ sĩ.

Về mối quan tâm chung đối với văn nghệ, trong chương trình công tác của mình, anh Lân trao đổi Thường trực Tỉnh ủy bố trí lịch làm việc với Hội Văn nghệ, Sở Văn hóa - Thông tin của tỉnh để nắm tình hình và đưa ra những chủ trương phù hợp. Thời điểm ấy, Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương khóa VII cũng vừa ra Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14-1-1993  “Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt”.

Trên cơ sở đó, Thường vụ Tỉnh ủy đã cho chủ trương Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lập quỹ sáng tác, hỗ trợ những tác phẩm, công trình nghệ thuật có chất lượng tốt về nội dung và nghệ thuật; đồng thời khuyến khích tổ chức cho anh chị em văn nghệ sĩ đi thực tế ở địa phương, cơ sở; quan tâm động viên anh chị em sáng tác thông qua việc trao giải thưởng văn nghệ hằng năm, tiến tới hình thành Giải thưởng 5 năm của đất Quảng như một số địa phương đã làm.

Trong bề bộn những công việc sự vụ, tiếp khách trong và ngoài nước hằng ngày, anh vẫn luôn nhắc tôi thỉnh thoảng bố trí để anh đi thăm hỏi, trò chuyện với những anh chị em văn nghệ sĩ đang sống ở Đà Nẵng. Anh thường tâm sự với tôi về việc đất Quảng của mình là địa phương có rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng, nhưng sau ngày đất nước thống nhất, họ đều sống và làm việc ở hai đầu đất nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Làm sao để quy tụ, phát hiện, bồi dưỡng được đội ngũ tài năng chính ngay trên mảnh đất này. Đối với những văn nghệ sĩ lớp trước như: nhà thơ Khương Hữu Dụng, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà thơ Lưu Trùng Dương, nhà văn Phan Tứ, nhà văn - nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân..., anh thực sự mến phục và bày tỏ mối quan tâm đặc biệt. Anh cũng chia sẻ với chúng tôi về hoàn cảnh của một số văn nghệ sĩ khác như nhà thơ Đông Trình, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm nỗi đau lớn là vợ vừa mất; vợ chồng nhà văn Thái Bá Lợi cũng vừa gặp một biến cố lớn, phải ở nhờ trụ sở cơ quan Hội Văn nghệ; hoàn cảnh bác Nguyễn Văn Xuân, lớn tuổi mà vẫn nặng gánh gia đình, một người tài hoa nhưng luôn phải sống trong cảnh chật vật, ốm đau. Những lần anh em ngồi lại với nhau, anh cảm thấy thật sự bức xúc, trăn trở khi không làm gì được hơn cho những hoàn cảnh như vậy, chủ yếu vẫn động viên tinh thần.

Mai Thúc Lân là con người của hành động, của công việc. Nhưng trong con người ấy cũng chất chứa rất nhiều khoảng lặng của một tâm hồn nhạy cảm, yêu thương vợ con, gia đình, thông cảm với rất nhiều cảnh ngộ mà anh từng gặp trong quá trình công tác ở địa phương. Anh rất quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần chung của bà con lao động nghèo thành phố trong cơn lốc của cơ chế thị trường. Với riêng anh, tình yêu đối với văn nghệ có thể nói gần như thường trực. Trên bàn làm việc của anh luôn có tờ tuần báo Văn nghệ. Những lúc rảnh rỗi, biết tôi cũng là người sáng tác, anh thường trao đổi với tôi những nhận xét rất riêng của anh về những tác phẩm, tác giả đang có vấn đề trong dư luận.

Sau này, khi không còn công tác ở Quảng Nam, về lại Quốc hội, gặp lại vợ chồng tôi, anh vẫn hỏi thăm về chuyện viết lách, về sáng tác. Có lần vừa gặp, anh đã nhắc đến chùm thơ mới của tôi được đăng trên báo Văn nghệ mà anh vừa đọc. Bề ngoài của anh không toát ra vẻ hào hoa, nhưng có điều với văn học nghệ thuật, anh là người thấu hiểu, và anh mang đậm chất nghệ sĩ trong mình. Chất nghệ sĩ được tạo bởi tâm hồn xứ Quảng, cộng thêm cái tinh tế của xứ Kinh Bắc - nơi anh đã có một thời gian dài sống và làm việc. Ngay nhan đề cuốn hồi ký của anh viết về những năm tháng hoạt động đã qua mang tên Chuyện đời ấm lạnh buồn vui cũng đủ thấy cái chất nghệ sĩ trong con người làm chính trị nơi anh.

Tôi không nghĩ anh Mai Thúc Lân đã ra đi. Những năm gần đây, gặp anh khi anh vừa qua trận ốm do căn bệnh hiểm nghèo, người đã nhỏ lại càng gầy thêm, nhưng tôi vẫn thấy đôi mắt anh sáng, tay run run chém vào không khí mỗi khi nói về những “quốc nạn” của đất nước. Anh là một tính - cách - Quảng đúng nghĩa. Anh không phải là người khéo léo, đôi lúc đến mức quyết liệt, có thể làm mất lòng một số người. Nhưng một khi đã hiểu anh thì thấy rõ đây là một con người chân tình, thẳng thắn, không vòng vo. Đích cuối cùng là giải quyết được việc chung, vì lợi ích chung. Những người như thế thường có góc cạnh. Vì thế, khi họ ra đi vĩnh viễn, trong tâm trí những người ở lại, cứ hiển hiện, khó phai mờ.

Trong lúc ghi vội những dòng này như thắp một nén tâm hương tưởng nhớ anh, tôi vẫn cảm thấy đây là lúc mình được lắng lại để nghĩ nhiều, thật nhiều, về những con người như Mai Thúc Lân, những cuộc đời trong sáng, thẳng thắn, quyết liệt, không khoan nhượng để bảo vệ cái đúng, cái tốt, đồng thời cũng là con người mang tâm hồn phong phú, dễ rung động của một nghệ sĩ.

Thành tâm cầu mong anh ra đi thanh thản sau những tháng năm đã sống thật, sống hết mình với tất cả những gì mà anh đã có, đã nặng lòng. Xin được vĩnh biệt anh và chia sẻ nỗi đau này với chị Khanh cùng gia đình.

BÙI CÔNG MINH

;
.
.
.
.
.
.