.

"Bà đỡ" cho ngư dân

.

Trước sự bức thiết dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân đánh bắt xa bờ, vừa qua, Hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá Sao Đỏ ra đời, do anh Lương Văn Long (42 tuổi), Giám đốc Công ty CP Thương mại vận tải và hậu cần nghề cá Sao Đỏ làm Giám đốc.

Sự ra đời của Hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá Sao Đỏ sẽ là “bà đỡ” cho ngư dân đánh bắt xa bờ .
Sự ra đời của Hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá Sao Đỏ sẽ là “bà đỡ” cho ngư dân đánh bắt xa bờ .

Sinh ra trong một gia đình chuyên làm nghề dịch vụ vận tải hàng hải ở Hải Phòng, đội tàu vận tải của gia đình đi khắp các nước, bản thân anh cũng đã từng rong ruổi khắp nơi. Tuy nhiên, anh cũng muốn đi con đường riêng của mình là làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Một sự kiện khiến anh có thêm quyết tâm để làm nghề này là năm 2001, trong một chuyến đi tàu hàng với bạn sang Trung Quốc thì bị “tàu lạ” đâm chìm. Thoát chết sau cú chìm tàu đó, Lương Văn Long cảm thấy số phận những ngư dân ngoài biển vô cùng đơn lẻ, muốn sát cánh với họ để khai thác hải sản.

Năm 2011, anh chuyển gia đình từ Hải Phòng vào thành phố Đà Nẵng sinh sống và thành lập Công ty CP Thương mại vận tải và hậu cần nghề cá Sao Đỏ. Ban đầu, anh chỉ làm nhiệm vụ cung cấp đá, nước, dầu và một số vật dụng cho ngư dân. Tuy nhiên, mơ ước lớn của anh chính là thu mua hải sản và cung cấp nhiên liệu, thực phẩm cho tàu đánh bắt xa bờ để ngư dân yên tâm bám biển.

“Hiện nay, ngư dân đánh bắt xa bờ nhiều, nhưng do công nghệ đánh bắt cũng như bảo quản lạc hậu nên chất lượng sản phẩm đạt thấp, thu nhập chưa cao. Trong khi đó, các nước có nghề cá phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Úc… tuy đánh bắt sản lượng ít nhưng thu nhập cao, bởi có công nghệ cách đông đảm bảo”, anh Long chia sẻ.

Từ thực tế đó, Lương Văn Long đã vận động một số thành viên quen biết thành lập Hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá. Hợp tác xã thu mua, chế biến, bảo quản kinh doanh thủy sản, hải sản và các sản phẩm từ thủy, hải sản tại thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, hợp tác xã còn bán xăng dầu, lương thực thực phẩm, các nhu yếu phẩm phục vụ tàu khai thác, đánh bắt xa bờ, dịch vụ kho đông lạnh và một số dịch vụ khác.

Anh Lương Văn Long cho biết, thời gian đến sẽ đóng từ 3-6 tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần từ 400 tấn đến 1.500 tấn hoạt động xa bờ, chủ yếu là khu vực biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. “Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp, thu mua, chúng tôi còn xây dựng lực lượng y tá, bác sĩ, các dịch vụ thuốc men để phục vụ ngư dân trên biển. Bất cứ họ ở đâu, chúng tôi cũng có thể đáp ứng được. Các tàu cá sẽ áp dụng công nghệ cấp đông hiện đại CAS.

Hệ thống CAS khi kết hợp với thiết bị làm lạnh nhanh sẽ có khả năng làm đông lạnh hỗn hợp nước và chất màu một cách đồng đều, có thể giữ sản phẩm lên đến 10 năm, chất lượng hải sản bảo quản đạt tối đa gần 100%”, anh Long cho biết. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã có văn bản đồng ý cho Công ty CP thương mại vận tải và hậu cần nghê cá Sao Đỏ cũng như Hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá Sao Đỏ là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được áp dụng công nghệ này.

Anh tin tưởng, thời gian đến, với Hợp tác xã dịch vụ hậu cần nghề cá này, ngư dân Đà Nẵng sẽ có thời gian bám biển để làm giàu, kết hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Anh cũng mong muốn ngư dân sẽ tham gia hợp tác xã để có thêm nhiều quyền lợi cho mình. Qua đó, góp phần để ngành thủy sản thành phố Đà Nẵng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho phát triển của thành phố…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.